Thanh tra Chính phủ đã bốc thăm lựa chọn ngẫu nhiên 67 cán bộ của 9 bộ, ngành để xác minh kê khai tài sản – Ảnh: TTCP
Thanh tra Chính phủ vừa ban hành dự thảo báo cáo công tác 6 tháng đầu năm 2023. Cơ quan thanh tra cho biết thanh tra toàn ngành đã triển khai hơn 4.000 cuộc thanh tra hành chính và 94.000 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành.
Dự thảo báo cáo nêu một số kết quả của việc xác minh kê khai tài sản và xử lý kỷ luật những người đứng đầu để xảy ra tham nhũng.
27 người đứng đầu thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng, đã kỷ luật 18 người
Qua thanh tra đã phát hiện vi phạm về kinh tế gần 179.000 tỉ đồng, 404 ha đất, trong đó kiến nghị thu hồi 148.000 tỉ đồng và 9 ha đất.
Cơ quan thanh tra đã chuyển cơ quan điều tra tiếp tục xem xét, xử lý 208 vụ, 316 đối tượng có sai phạm bị phát hiện trong quá trình thanh tra.
Trong đó, một số địa phương được liệt kê do phát hiện nhiều vi phạm ở các lĩnh vực gồm: Hà Nội, Hải Phòng, Hưng Yên, Nghệ An…
Theo cơ quan thanh tra, các cấp, ngành đã chuyển đổi vị trí công tác đối với 26.000 cán bộ, công chức, viên chức nhằm phòng ngừa tham nhũng.
Đáng chú ý, có 27 trường hợp người đứng đầu bị kết luận là thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng, đã xử lý kỷ luật 18 người.
Trong 6 tháng đầu năm, cơ quan chức năng đã phát hiện 49 vụ việc tham nhũng (tăng 63,3%), 72 người (tăng 80%). Trong đó, qua hoạt động kiểm tra nội bộ phát hiện 7 vụ, 14 người; qua hoạt động thanh tra, kiểm tra đã phát hiện 26 vụ, 45 người; qua giải quyết khiếu nại, tố cáo phát hiện 13 vụ, 13 người liên quan đến tham nhũng.
Xác minh 4.000 người kê khai tài sản, chỉ 2 người không trung thực
Theo dự thảo báo cáo, cơ quan thanh tra cho biết có hơn 272.000 người đã thực hiện kê khai tài sản, thu nhập.
Cơ quan chức năng tiến hành xác minh hơn 4.400 người kê khai tài sản, thu nhập. Qua xác minh phát hiện 2 người bị kỷ luật do kê khai tài sản, thu nhập không trung thực.
Đánh giá về công tác hoạt động toàn ngành thanh tra, Thanh tra Chính phủ cho rằng thanh tra các bộ, ngành, địa phương bám sát định hướng và sự chỉ đạo. Tuy nhiên, vẫn còn hiện tượng chồng chéo trong hoạt động thanh tra, kiểm tra.
Một số cuộc thanh tra còn kéo dài khi xây dựng báo cáo và kết luận thanh tra. Việc thực hiện kết luận, kiến nghị về thanh tra, nhất là tỉ lệ thu hồi tiền, tài sản có chuyển biến tích cực nhưng vẫn chưa đạt mục tiêu đề ra.
Một số nội dung theo kế hoạch công tác phòng, chống tham nhũng triển khai còn chậm. Nguyên nhân là một số quy định còn thiếu hoặc bộc lộ bất cập. Trình độ, năng lực của một bộ phận cán bộ, công chức thanh tra còn hạn chế, tinh thần, trách nhiệm chưa cao, có trường hợp vi phạm, tiêu cực; sự phối hợp, kết hợp trong công tác thanh tra còn chưa chặt chẽ.
Trong đó, cơ quan thanh tra nhấn mạnh tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc chưa được ngăn chặn hiệu quả. Ngoài ra, công tác tự kiểm tra, phát hiện tham nhũng trong nội bộ cơ quan, tổ chức, đơn vị còn hạn chế.
Theo Tuổi trẻ