IrelandCác chuyên gia bỏ khám nghiệm xác cá voi vây sau khi nghe tiếng sôi sục phát ra từ ruột nó, hé lộ nguy cơ nổ tung nếu mổ bụng con vật.
Con cá voi vây (Balaenoptera physalus) dài 19 m dạt vào Baile Uí Chuill Strand tại quận Kerry, Ireland hôm 9/7 . Nguyên nhân cái chết chưa được làm rõ nhưng nhiều khả năng con cá voi khổng lồ đã chết khoảng 3 tuần trước khi dạt vào bờ, dựa vào mức độ phân hủy.
Nhóm chuyên gia đến từ Tổ chức Cá voi và Cá heo Ireland (IWDG) tới hiện trường để thu thập mẫu vật nhằm khám nghiệm, nhưng buộc phải dừng lại vì lo sợ cái xác có thể phát nổ. “Tôi lấy mỡ, tấm sừng hàm và da”, Stephanie Levesque, cán bộ của IWDG, chia sẻ. “Tôi đang định lấy mẫu cơ thì nghe thấy âm thanh, như thể nó sẽ nổ tung ngay trước mặt tôi nếu tôi tiến vào sâu hơn”.
Khi cá voi chết, ruột của chúng chứa đầy khí methane, khiến cái xác trương lên như quả bóng, trôi nổi trên mặt biển và dạt vào bờ. Ở nồng độ đủ cao, khi trộn lẫn với oxy trong không khí, khí methane có thể khiến cá voi phát nổ tức thì nếu áp suất tăng hoặc khi mổ xác con vật, dù điều này rất hiếm gặp.
Năm 2013, một nhà sinh vật học hải dương ở quần đảo Faroe may mắn chạy thoát sau khi một con cá nhà táng (Physeter macrocephalus) dạt vào bờ nổ tung trong lúc nhà khoa học mổ bụng nó. Năm 2019, một con cá voi phát nổ trên mặt biển ngoài khơi California.
Đôi khi, nhà chức trách động vật hoang dã cố ý kích nổ xác cá chứa đầy khí gas mắc cạn để ngăn chúng phân hủy chậm và phát ra mùi hôi thối. Ví dụ nổi tiếng nhất về trường hợp này là năm 1970, khi xác cá nhà táng dài 14 m mắc cạn ở Florence, Oregon, vỡ thành nhiều mảnh với nửa tấn thuốc nổ.
Thông thường, mỗi năm có khoảng 1 – 2 con cá voi vậy dạt vào Ireland. Có khoảng 100.000 con cá voi vây trên khắp thế giới, nhưng loài vật này vẫn dễ tổn thương do áp lực như biến đổi khí hậu, ô nhiễm nhựa và hoạt động săn bắt quá mức nhuyễn thể, thức ăn yêu thích của chúng, theo Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN). Hồi tháng 1/2022, gần 1.000 con cá voi vây được ghi hình khi ăn đám nhuyễn thể khổng lồ ở Nam Cực.
An Khang (Theo Live Science)