Khơi dậy sự chung tay của nhân dân
Nằm cách trung tâm huyện 30km về phía Tây Bắc, Mường Lầm là xã đặc biệt khó khăn của huyện Sông Mã, có gần 1.300 hộ dân, 8 bản, trên 80% là đồng bào dân tộc Thái.
Ông Lò Văn Duyến, Chủ tịch UBND xã, chia sẻ: Năm 2012, Mường Lầm bắt tay vào xây dựng nông thôn mới (NTM) với chỉ 2/19 tiêu chí đạt chuẩn, đến năm 2016 cũng mới đạt 5 tiêu chí. Xuất phát điểm thấp, tỷ lệ hộ nghèo cao, thu nhập bình quân đầu người thấp, cơ sở hạ tầng yếu kém, thiếu đồng bộ… là những rào cản lớn trong công cuộc xây dựng NTM nơi đây.
Xác định rõ từng nút thắt để xây dựng lộ trình thực hiện, trải qua hơn 11 năm cố gắng nỗ lực của cả hệ thống chính trị, Mường Lầm đã hoàn thành công cuộc xây dựng NTM.
Điều gì làm nên sức sống của Mường Lầm hôm nay? Đó là, xác định rõ, việc xây dựng NTM là phải thay đổi được nhận thức, tư duy của nhân dân. Cấp ủy, chính quyền xã đã chủ động xây dựng kế hoạch tuyên truyền, phổ biến đến người dân về ý nghĩa công cuộc xây dựng NTM, lựa chọn những tiêu chí, công việc trọng tâm để chỉ đạo thực hiện.
Từ đó, khơi dậy tinh thần tự giác trong nhân dân, xóa bỏ tư tưởng ỷ lại, chông chờ vào nhà nước. Huy động nội lực của nhân dân chung tay xây dựng các công trình điện, đường, trường, trạm, nhà văn hóa, đường giao thông nông thôn.
Phát huy tối đa quy chế dân chủ, công khai minh bạch các nguồn lực để “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra và dân thụ hưởng”. Mọi ý kiến tham gia đóng góp, những thắc mắc, yêu cầu của nhân dân đều được bàn bạc, thảo luận, tạo sự đồng thuận, nhất trí cao trong nhân dân.
Trong đó, phát triển kinh tế được coi là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu nhằm tạo tiền đề, động lực thực hiện các tiêu chí khác. Mường Lầm đã vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm, hình thành các vùng sản xuất tập trung, ứng dụng khoa học kỹ thuật.
Qua đó, đã quy hoạch, phát triển nhiều vùng sản xuất gắn với tiềm năng, lợi thế của xã, mang lại giá trị kinh tế cao. Toàn xã hiện có gần 400 ha nhãn, xoài, 45 ha quế, khoảng 400 ha diện tích cây lương thực có hạt.
Tích cực chuyển đổi diện tích cây lương thực trên đất dốc kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả có giá trị kinh tế cao, chủ động cải tạo vườn tạp. Trên địa bàn xã đã xuất hiện các mô hình sản xuất, chăn nuôi có hiệu quả như: Mô hình Bí đao tại bản Mường Tợ, Mường Cang…; mô hình chăn nuôi bò nhốt chuồng bằng đệm lót sinh học tại Hợp tác xã Mường Lầm…
Đời sống nhân dân ngày càng được nâng cao, thu nhập bình quân trên địa bàn xã năm 2022 đạt hơn 39 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 4,86%…
Chặng đường hơn 11 năm xây dựng NTM, Mường Lầm đã huy động các nguồn lực đạt trên 34 tỷ đồng để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, trong đó, nhân dân tự nguyện đóng góp trên 2,4 tỷ đồng.
100% các điểm triển khai xây dựng công trình nhân dân đều tự giác giải phóng mặt bằng, ủng hộ vật liệu, góp trên 2.000 ngày công xây dựng, tự nguyện hiến trên 1.200 m2 đất, chặt bỏ trên 500 cây cối, hoa màu, dịch chuyển hàng rào để xây dựng đường giao thông nội bản, liên bản…
Nỗ lực tạo cảnh quan môi trường xanh – sạch – đẹp
Cùng với phát triển kinh tế, cơ sở hạ tầng trên địa bàn xã được đầu tư xây dựng đồng bộ. Đến nay, 100% đường xã được bê tông hóa, 80% đường nội bản, liên bản được cứng hóa, đảm bảo ô tô đi lại thuận tiện quanh năm; 97% số hộ sử dụng điện thường xuyên, an toàn; 100% số hộ được sử dụng nước hợp vệ sinh…
Nằm gần trung tâm xã, song bản Phèn Sàng vẫn chưa có nhà văn hóa để sinh hoạt. Năm 2022, được Nhà nước phê duyệt đầu tư xây dựng nhà văn hóa bản, nhưng bản lại thiếu quỹ đất xây dựng. Trước khó khăn của bản, gia đình anh Cầm Pha Viêng đã tự nguyện hiến 368 m2 đất, 19 cây nhãn trên 10 tuổi để xây dựng nhà văn hóa bản và khuôn viên.
Không giấu được niềm xúc động khi xã nhà đạt chuẩn NTM, anh Cầm Pha Viêng, bản Phèn Sàng chia sẻ: Những năm qua, chung tay cùng các cấp chính quyền xây dựng NTM, người dân chúng tôi đã xác định rõ, việc nào từng hộ dân phải làm, việc nào Ban quản lý bản lo và được nhà nước hỗ trợ, từ đó, phát huy vai trò của từng người trong cộng đồng dân cư.
Hôm nay xã nhà Mường Lầm đã khoác lên mình chiếc áo mới, chiếc áo của hạnh phúc, ấm no và tiếng cười rộn rã. Những con đường khang trang sạch đẹp rộng rãi, được trang bị đèn đường phát sáng. Nhà nhà trồng hoa cảnh, làm hàng rào kiên cố tạo mỹ quan sáng xanh sạch đẹp.
“Cơ sở vật chất được quan tâm đầu tư đồng bộ, đã có nhà văn hóa bản, khu vui chơi của thanh niên, đáp ứng nhu cầu nhân dân. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục đoàn kết, đồng hành cùng chính quyền địa phương duy trì, từng bước nâng cao hơn nữa các tiêu chí NTM, nâng cao chất lượng đời sống vật chất cũng như tinh thần của nhân dân” – anh Cầm Pha Viêng phấn khởi.
Để tạo cảnh quan môi trường xanh, sạch đẹp, người dân Mường Lầm đã thường xuyên chung tay ra quân tổng vệ sinh môi trường, trồng hoa, cây cảnh. Qua đó, đã trồng trên 2,5 km đường hoa, cây xanh dọc quốc lộ 12, đường liên xã, trục bản; 8/8 bản có điểm tập kết rác thải tập trung bảo đảm theo quy định.
Các tuyến đường trục bản, ngõ bản, kênh mương, ao hồ và các khu vực công cộng được vệ sinh môi trường thường xuyên, sạch sẽ, thông qua các phong trào “ Tuyến đường tự quản” của Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Đoàn thanh niên, Hội Cựu chiến binh…., phong trào “ 5 không 3 sạch”, “ đường hoa” của các tổ chức hội, đoàn thể.
Các bản đã xây dựng quy ước, hương ước trong đó có nội dung về bảo vệ môi trường. Các cơ sở sản xuất kinh doanh được tập huấn, cấp chứng chỉ bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, cam kết bảo vệ, giữ gìn vệ sinh môi trường.
Mường Lầm – vùng đất gian khó ngày nào đang từng ngày khởi sắc. Không chủ quan, thỏa mãn với những kết quả đạt được, luôn xác định xây dựng NTM chỉ có điểm khởi đầu, không có điểm kết thúc, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Mường Lầm đã và đang nỗ lực duy trì, nâng cao chất lượng các tiêu chí để giữ vững danh hiệu xã đạt chuẩn NTM.
Đồng thời, tiếp tục triển khai xây dựng các tiêu chí xã NTM nâng cao, tạo cảnh quan môi trường nông thôn sáng- xanh – sạch – đẹp. Người dân hăng hái thi đua lao động sản xuất, chung tay xây dựng bản làng ngày càng giàu đẹp, ấm no…