Nằm bên dòng sông Yên, xã Quảng Chính (Quảng Xương) được thiên nhiên ban tặng cho nhiều lợi thế để phát triển nuôi trồng thủy sản. Nguồn nước lợ đưa vào khu vực nuôi trồng thủy sản của xã thích hợp để nuôi các đối tượng con nuôi đạt giá trị kinh tế cao như tôm, cua.
Gia đình ông Lê Ngọc Đạt, thôn Diêm 2, xã Quảng Chính cải tạo, nâng cấp hệ thống ao nuôi để nuôi tôm thâm canh.
Để vùng nuôi thủy sản phát huy tối đa lợi thế, đạt hiệu quả kinh tế cao, UBND xã Quảng Chính định hướng cho các hộ dân đưa đối tượng con nuôi tôm, cua vào thả nuôi. Ông Phạm Bá Thảo, Giám đốc HTX dịch vụ và nuôi trồng thủy sản Quảng Chính, nhớ lại: “Trước đây, toàn bộ diện tích nuôi trồng thủy sản của xã đều được người dân sử dụng nuôi tôm xen cua theo phương thức quảng canh. Với phương thức nuôi này, mức đầu tư thấp, nhưng hiệu quả kinh tế thu về cũng không cao. Từ năm 2010, trên địa bàn tỉnh và huyện Quảng Xương xuất hiện nhiều mô hình nuôi tôm theo hướng thâm canh đạt hiệu quả kinh tế cao. Thấy vậy, UBND xã Quảng Chính đã tổ chức cho các hộ nuôi tôm trong xã đi tham quan, học hỏi mô hình nuôi tôm thâm canh. Tận mắt thấy hiệu quả kinh tế vượt trội của những vùng nuôi tôm được đầu tư, một số hộ nuôi tôm trong xã đã mạnh dạn đầu tư cải tạo, nâng cấp hệ thống ao nuôi, đầu tư hạ tầng, thiết bị để chuyển đổi phương thức nuôi tôm quảng canh sang nuôi thâm canh. Mô hình nuôi tôm thâm canh được áp dụng trên địa bàn xã thành công và mang lại hiệu quả kinh tế vượt trội ngay từ vụ đầu tiên và những vụ tiếp theo đó. Nhờ đó, mô hình nuôi tôm thâm canh nhanh chóng được các hộ nuôi nhân rộng”.
Theo tổng hợp của UBND xã Quảng Chính, toàn xã hiện có 176 ha nuôi trồng thủy sản. Toàn bộ diện tích này đều được sử dụng để nuôi tôm, cua. Để nâng cao hiệu quả kinh tế cho diện tích nuôi tôm trên địa bàn, những năm qua, xã Quảng Chính đã tuyên truyền, vận động, tạo điều kiện cho các hộ nuôi chuyển đổi phương thức nuôi quảng canh sang thâm canh. Hiện, diện tích nuôi tôm thâm canh của xã đã được mở rộng lên gần 120 ha, chiếm 68% diện tích nuôi tôm của toàn xã. Trong đó, có hơn 1 ha được đầu tư hạ tầng, mái che nuôi siêu thâm canh.
So sánh về hiệu quả kinh tế của diện tích nuôi tôm thâm canh, ông Lê Ngọc Đạt, thôn Diêm 2, xã Quảng Chính, cho biết: “Quá trình 10 năm đầu tư nuôi tôm thâm canh trên diện tích 5 ha đã giúp gia đình tôi thay đổi hoàn toàn đời sống. Với diện tích này, trước đây gia đình tôi nuôi theo phương thức quảng canh, thời gian nuôi dài, mỗi năm chỉ nuôi 1 vụ, lợi nhuận chỉ đạt ở mức 50 đến 60 triệu đồng/ha/năm. Khi chuyển sang nuôi thâm canh, lợi nhuận đạt tới 500 đến 600 triệu đồng/ha/năm, tăng gấp 10 lần”.
Theo ông Nguyễn Văn Truyền, Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Chính, cho biết: Việc mở rộng diện tích nuôi tôm thâm canh đã giúp cho nhiều hộ dân xã Quảng Chính nâng cao thu nhập, nâng cao giá trị sản xuất trên diện tích nuôi trồng thủy sản của xã. UBND xã tiếp tục khuyến khích các hộ nuôi đầu tư mở rộng diện tích nuôi tôm thâm canh. Về phía chính quyền, xã sẽ chú trọng huy động kinh phí để đầu tư xây dựng và củng cố hạ tầng ao nuôi, cấp thoát nước, tạo điều kiện để người dân thuê đất, phát triển các mô hình nuôi tôm thâm canh. Trước mắt, để bảo đảm năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế cho diện tích nuôi tôm vụ hè thu 2023 này, tạo điều kiện hỗ trợ các hộ nuôi tôm đầu tư mở rộng diện tích, xã đã và đang lồng ghép các nguồn vốn đầu tư xây dựng các công trình thủy lợi đầu mối, nạo vét kênh mương, nâng cấp trạm bơm. Địa phương cũng tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ nuôi tôm tiếp cận các nguồn vốn vay từ các ngân hàng để đầu tư cải tạo, kiên cố ao nuôi, mua sắm thiết bị. Đồng thời, chú trọng nâng cao năng lực của HTX dịch vụ và nuôi trồng thủy sản Quảng Chính với vai trò là “cầu nối” để các hộ nuôi trồng trao đổi kinh nghiệm sản xuất, hỗ trợ nhau về giống, thức ăn và tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm.
Bài và ảnh: Hương Thơm