Nhận lương linh hoạt giúp công nhân chủ động tài chính, tránh tín dụng đen

Thứ Ba, 21/2/2023| 10:14

Trước vấn nạn tín dụng đen, nhiều doanh nghiệp đang chủ động áp dụng những sáng kiến phúc lợi mới, giúp công nhân lao động vơi bớt khó khăn tài chính và tránh xa bẫy nợ.

Tín dụng đen "bén rễ" trên những nhu cầu tài chính không được đáp ứng

Với mức lương vừa đủ sống, không phải người lao động nào cũng có đủ năng lực xây dựng quỹ dự phòng tài chính cá nhân. Theo khảo sát cuối năm 2022 của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, gần 59% người lao động Việt Nam không có khoản tích lũy. Thêm vào đó, để vay ngân hàng, người dân phải có tài sản đảm bảo hoặc chứng minh được thu nhập. Các điều khoản ràng buộc chặt chẽ và quy trình phức tạp dễ gây tâm lý ngại ngần cho lao động phổ thông. Các hình thức vay ngân hàng cũng khó đáp ứng kịp thời những khoản vay nhỏ vài ba triệu để giải quyết những chi phí cấp bách.

Tín dụng đen trở thành "giải pháp cứu cánh" nhờ những lời hứa hẹn như thủ tục giải ngân nhanh chóng, không cần tài sản đảm bảo. Những người lao động cần tiền gấp và nhẹ dạ cả tin sẽ dễ dàng "sập bẫy" tín dụng đen.

Công ty TKG Taekwang Vina, một trong những doanh nghiệp có số lượng lao động lớn nhất tỉnh Đồng Nai (khoảng 35.000 lao động), cũng đau đầu với vấn nạn tín dụng đen. Ông Đinh Sỹ Phúc, Chủ tịch công đoàn Công ty cổ phần TKG Taekwang Vina, chia sẻ: "Tình hình tín dụng đen len lỏi vào các khu công nghiệp và các khu nhà trọ công nhân đã tồn đọng nhiều năm nay. Tuy các cơ quan chức năng đã nhiều lần lên tiếng cảnh báo và triển khai nhiều chiến dịch ngăn ngừa, tín dụng đen vẫn còn đất sống - chính là các nhu cầu cấp bách của người lao động".

Ngoài những hệ quả như chịu lãi suất "cắt cổ" hay thậm chí là khủng bố tinh thần, tín dụng đen còn gây ảnh hưởng tới công việc của người lao động - kế sinh nhai duy nhất có thể giúp họ giải quyết khó khăn tài chính. Ông Phúc đưa ra góc nhìn từ phía doanh nghiệp: "Đôi khi vì xoay sở một khoản tài chính nào đó, người lao động bỏ bê công việc, thậm chí vắng làm và phải đi vay mượn khắp nơi. Điều này ảnh hưởng tới năng suất công việc, cũng như mối quan hệ giữa người lao động và chủ doanh nghiệp".

Nhận lương linh hoạt - Lá chắn bảo vệ cho người lao động

Từ cuối năm 2022, Công đoàn Công ty Taekwang Vina đã chính thức hợp tác với GIMO để triển khai chương trình phúc lợi nhận lương linh hoạt, giúp công nhân lao động chủ động hơn về tài chính và tránh xa bẫy nợ.

Cụ thể, chỉ với vài thao tác trên ứng dụng GIMO, công nhân lao động có thể nhận trước một phần tiền lương đã kiếm được bất cứ lúc nào để giải quyết những chi phí bất thường như xe hỏng, con ốm… và an tâm làm việc.

Nhận lương linh hoạt giúp công nhân chủ động tài chính, tránh tín dụng đen - 1
Nhận lương linh hoạt giúp người lao động Công ty cổ phần TKG Taekwang Vina an tâm hơn về tài chính (Ảnh: GIMO).

Từ ngày công ty triển khai chương trình phúc lợi tài chính mới, chị Đỗ Kim Huệ cho hay có GIMO như quỹ tài chính dự phòng, cuộc sống của chị an toàn và tiện lợi hơn "Khi cần chi tiêu gấp, tôi nhận lương sớm thì tiết kiệm và an toàn hơn vay tiền ở ngoài. Chứ giờ tôi vay ngoài một triệu mà phải chịu lãi 100.000 một tháng, lương công nhân làm sao trả nổi!".

Chị Lê Thị Mỹ Linh, nhân viên công ty, cũng khẳng định tính kịp thời của giải pháp nhận lương linh hoạt: "Đôi khi tôi có khoản chi gấp, phải đi vay nóng hoặc tìm đến một nguồn tài chính khác, thường rất chậm trễ. Với GIMO, tôi yêu cầu là có tiền ngay vào tài khoản. Tôi thấy chương trình phúc lợi nhận lương sớm rất thiết thực, đáp ứng được nhu cầu cấp bách của công nhân".

Trong khi đó, ông Phúc nhấn mạnh nhận lương linh hoạt là một chương trình phúc lợi kịp thời, an toàn và ưu việt, vừa giúp người lao động vượt qua các khó khăn tài chính, vừa giúp doanh nghiệp xây dựng một nguồn lực ổn định. Trên hết, GIMO cho phép người dùng nhận trước một phần thu nhập đã tích lũy trong tháng, qua đó cũng khuyến khích công nhân lao động chi tiêu an toàn và có thêm động lực trong công việc, ông Phúc bổ sung./.

(Dân Trí)

Top