Sáng ngày 17/10/2023, tại Hà Nội, Trung tâm Truyền thông tài nguyên và môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) phối hợp với Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam, Tổ chức quốc tế về bảo tồn thiên nhiên – WWF Việt Nam tổ chức tọa đàm “Xã hội hóa công tác bảo tồn đa dạng sinh học tại Việt Nam: nhu cầu và giải pháp”, sự kiện thuộc Dự án “Cùng lên tiếng Bảo vệ các Hệ sinh thái vì Thiên nhiên và Con người”.
Tọa đàm được tổ chức theo hai hình thức trực tiếp và trực tuyến, với sự tham dự của Đại biểu Quốc hội, các đơn vị trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và các Sở/ban/ngành liên quan; WWF Việt Nam; Đại diện Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam; Các tổ chức chính trị – xã hội, các tổ chức NGO trong nước và quốc tế; Các doanh nghiệp, vườn quốc gia và khu bảo tồn thiên nhiên; Các trung tâm và các viện nghiên cứu về bảo tồn đa dạng sinh học; Các chuyên gia và các cơ quan truyền thông đại chúng trung ương và địa phương.
Ông Vũ Minh Lý – Phó Giám đốc Trung tâm truyền thông Tài nguyên và Môi trường phát biểu khai mạc.
Mục tiêu của Tọa đàm bao gồm: trao đổi thông tin về nhu cầu xã hội hóa công tác bảo tồn, nhằm xây dựng cộng đồng trách nhiệm của các tầng lớp cư dân trong xã hội, tăng cường sự tự nguyện tham gia công tác bảo tồn đa dạng sinh học, thông qua đó để có thể thu hút các nguồn lực, các thành phần kinh tế, các tổ chức, cá nhân ở trong và ngoài nước tham gia bảo tồn đa dạng sinh học, thực hiện Chiến lược quốc gia về ĐDSH và Công ước Khung ĐDSH toàn cầu Côn Minh – Montreal; Trao đổi về các hoạt động trong bảo tồn đa dạng sinh học cần đẩy mạnh xã hội hóa; Trao đổi thông tin về các mô hình bảo tồn đa dạng sinh học thành công có sự tham gia của các tổ chức xã hội, doanh nghiệp và cộng đồng ở Việt Nam; Các chính sách khuyến khích cần thiết để đẩy mạnh xã hội hóa công tác bảo tồn đa dạng sinh học; Cơ hội cho OECM (biện pháp bảo tồn khu vực hiệu quả khác) và Chia sẻ lợi ích trong Phục hồi và Bảo tồn đa dạng sinh học; đồng thời chia sẻ thông tin về các rào cản, thách thức và định hướng, đề xuất giải pháp/hành động của từng bên liên quan để đẩy mạnh xã hội hóa công tác bảo tồn đa dạng sinh học.
Tọa đàm có sự tham gia của các chuyên gia, nhà nghiên cứu, các tổ chức hoạt động trong lĩnh vực bảo tồn đa dạng sinh học tại Việt Nam.
Hiện Việt Nam là một trong 16 quốc gia có mức độ đa dạng sinh học cao nhất thế giới, là nơi trú ngụ của hơn 13 nghìn loài thực vật, khoảng 3.000 loài cá, hơn 1.000 loài chim và hơn 300 loài thú. Nguồn tài nguyên đa dạng sinh học này là nguồn gien quý báu cho phát triển bền vững của Việt Nam. Tuy nhiên, tình trạng khai thác, vận chuyển, buôn bán, tiêu thụ bất hợp pháp các loài động vật, thực vật hoang dã hiện nay đã và đang là những mối đe dọa chính dẫn tới gia tăng tốc độ tuyệt chủng của nhiều loài động vật hoang dã, làm suy thoái sinh cảnh tự nhiên, gây mất đa dạng sinh học; tiềm ẩn những tác động tiêu cực môi trường sống và sức khỏe của con người và tạo ra áp lực lớn cho công tác bảo tồn thiên nhiên ở Việt Nam trong suốt 30 năm qua.
Ý thức được tầm quan trọng của việc cần phải bảo vệ các loài ĐVHD nguy cấp, quý, hiếm phục vụ cho phát triển kinh tế -xã hội, bảo vệ môi trường bảo đảm phát triển bền vững đất nước, trong thời gian qua, Thủ tướng Chính phủ ta đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách để tăng cường quản lý hiệu quả công tác này.
Ngày 23 tháng 7 năm 2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 29/CT-TTg về một số giải pháp cấp bách quản lý động vật hoang dã; Ngày 17 tháng 5 năm 2022 ban hành Chỉ thị số 04/CT-TTg về các giải pháp cấp bách để bảo tồn các loài chim hoang dã, di cư tại Việt Nam; Ngày 28 tháng 01 năm 2022 ban hành Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 với mục tiêu, nhiệm vụ và các giải pháp trọng tâm cần thực hiện trong giai đoạn từ nay đến 2030 là tăng cường bảo tồn, phục hồi đa dạng sinh học; bảo tồn và phục hồi các loài hoang dã nguy cấp, đặc biệt là các loài động vật nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ, loài di cư; đánh giá, phát huy lợi ích của đa dạng sinh học phục vụ phát triển bền vững, phòng chống thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu; kiểm soát các hoạt động gây tác động tiêu cực đến đa dạng sinh học.
Những nỗ lực trong bảo tồn đa dạng sinh học, theo số liệu đến năm 2021, Việt Nam đã thành lập 181 khu bảo tồn thiên nhiên, trong đó có 34 vườn quốc gia, 60 khu dự trữ thiên nhiên, 22 khu bảo tồn loài và sinh cảnh và 65 khu bảo vệ cảnh quan, với tổng diện tích hơn 2,64 triệu héc-ta. Ngoài ra, cả nước có chín khu đất ngập nước được công nhận là khu Ramsar thế giới và có hơn 20 địa phương phê duyệt quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học cấp tỉnh, thành phố.
Quang cảnh buổi tọa đàm.
Tuy nhiên, để duy trì và vận hành một cách bền vững các khu vực này, đồng thời tạo sinh kế bền vững cho cư dân địa phương, sự chung tay hơn nữa của toàn xã hội là không thể thiếu. Vì vậy, để thúc đẩy và phát huy vai trò của các cơ quan chính quyền trung ương và địa phương, các tổ chức xã hội, các doanh nghiệp, tổ chức và mỗi cá nhân, trong việc bảo tồn đa dạng sinh học, góp phần giảm nhu cầu tiêu thụ động vật hoang dã và các sản phẩm có nguồn gốc từ động vật hoang dã; đồng thời nhận diện các rào cản, thách thức và đóng góp ý kiến xây dựng các chính sách khuyến khích để thu hút các nguồn lực, các thành phần kinh tế, tổ chức, cá nhân và cộng đồng trong và ngoài nước tham gia thực hiện Chiến lược và Kế hoạch hành động quốc gia về Đa dạng sinh học.
Diêm Giang