Đoàn viên Xã đoàn Tân Thiềng và Chi đoàn ấp Phú Thới trải nghiệm thực tế mô hình sản xuất của đoàn viên Nguyễn Hữu Nhân.
Xã đoàn Tân Thiềng có 15 chi đoàn (11 ấp và 4 cơ sở ngành), với 202 ĐV và 2.753 TN (1.547 đi làm ăn xa) tham gia sinh hoạt. Cuối năm 2021, Xã đoàn xây dựng kế hoạch thực hiện mô hình “N+1”. Đầu năm 2022, Xã đoàn tổ chức trao nguồn vốn hỗ trợ cho ĐV, TN ở địa phương phát triển kinh tế gia đình thuộc mô hình “N+1”. Mô hình “N+1” là tập hợp, vận động sức mạnh tập thể giúp đỡ 1 ĐV, TN thuộc hộ nghèo, cận nghèo có hoàn cảnh khó khăn lập nghiệp vươn lên trong cuộc sống.
Mỗi ĐV, TN trực thuộc Xã đoàn đóng góp tối thiểu 200 ngàn đồng/năm. Mạnh thường quân hỗ trợ nguồn vốn theo định hướng phát triển kinh tế của ĐV, TN được giúp đỡ. Nguồn vốn được ĐV, TN hoàn trả lại cho Xã đoàn sau 1 năm và không lãi suất.
“Gia đình em không đất sản xuất. Bên nội cho chỗ cất nhà, thuộc diện hộ khó khăn ở địa phương. Cha và mẹ là lao động phổ thông với thu nhập bấp bênh. Năm 2022, Xã đoàn hỗ trợ em 10 triệu đồng để giúp gia đình vươn lên trong cuộc sống. Khi có nguồn vốn, em mở cửa hàng buôn bán trực tiếp và online về trang phục tuổi teen, phụ kiện laptop, tạo thu nhập từ 100 ngàn đồng đến 1 triệu đồng/ngày. Từ đó, em đã tạo thu nhập ổn định cho gia đình và vươn lên trong cuộc sống. Nay em đã hoàn trả vốn cho Xã đoàn”, Nguyễn Thị Yến Linh, 20 tuổi (Tổ nhân dân tự quản số 21, ấp Tân Thạnh) bộc bạch.
Xã đoàn Tân Thiềng chủ yếu vận động các mạnh thường quân là tiểu thương cùng người dân địa phương từ 1 – 10 triệu đồng/người và trao hỗ trợ 10 triệu đồng/ĐV, TN để phát triển kinh tế gia đình. Khi ĐV, TN hoàn trả nguồn vốn hỗ trợ, Xã đoàn sẽ tiếp tục luân phiên giúp đỡ ĐV, TN có hoàn cảnh khó khăn khác.
Nguyễn Hữu Nhân, sinh năm 1995, ngụ Tổ nhân dân tự quản số 16, ấp Phú Thới cho biết: “Em thuộc diện hộ cận nghèo ở địa phương, không đất sản xuất. Bên nội cho chỗ cất được ngôi nhà che nắng mưa cho gia đình nhỏ với vợ chồng và 2 người con (đứa lớn 4 tuổi và đứa nhỏ thì 17 tháng tuổi). Tháng 3-2023, em được Xã đoàn hỗ trợ nguồn vốn 10 triệu đồng để phát triển kinh tế gia đình. Em dùng 7 triệu đồng để mua 200 cây mai vàng, 3 triệu đồng mua 500 nhánh tắc để sản xuất”.
Nhân có kinh nghiệm hơn 2 năm sản xuất mai vàng và cây giống được ba vợ truyền đạt cũng như rút ra bài học sau những lần thất bại. Hiện tại, Nhân canh tác 800 cây mai vàng (mai giảo) và 500 nhánh tắc trên diện tích 300m2 thuê với giá 5 triệu đồng/năm. Năm 2022, Nhân chăm sóc 15 cây mai tàng và 200 cây mai nhỏ. Đến 2023, Nhân phát triển số lượng cây trồng để canh tác nhờ vốn hỗ trợ của Xã đoàn với mô hình “N+1” cùng số lượng mai còn tồn lại của năm rồi.
Bí thư Xã đoàn Tân Thiềng Nguyễn Minh Tân cho biết: Đến nay, mô hình đã hỗ trợ được 8 ĐV, TN có hoàn cảnh khó khăn ở địa phương (10 triệu đồng/bạn) để có nguồn vốn phát triển kinh tế gia đình, vươn lên trong cuộc sống. Hướng tới, Xã đoàn tiếp tục vận động mạnh thường quân và ĐV, TN góp công chung sức tạo dựng mô hình “N+1” ngày càng phát triển; số lượng ĐV, TN khó khăn ở địa phương được hỗ trợ và giúp đỡ năm sau cao hơn năm trước.
Bài, ảnh: Lê Đệ