Cảnh đẹp hoang sơ, vùng biển xanh ngắt và bãi cát mịn, xã đảo Nghi Sơn (thuộc thị xã Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hoá) đã và đang trở thành điểm đến hấp dẫn không chỉ của du khách trong nước mà còn thu hút du khách quốc tế.
Xã đảo Nghi Sơn xưa kia là Cù lao Biện thuộc đất An Hòa, tổng Tuần La, huyện Kiết Chuế, sau gọi là phường Tứ Chiếng Biện Sơn, huyện Ngọc Sơn, phủ Tĩnh Gia, trấn Thanh Hóa.
Xã đảo Nghi Sơn ngày càng thu hút du khách. (Ảnh: Phương Linh) |
Xung quanh xã đảo này là biển cả mênh mông, phía Tây là vụng Ngọc, phía Nam là hòn Cù, phía Bắc là đảo Mê và nhiều hòn đảo khác với màu nước xanh biếc tạo nên cảnh sắc non nước hữu tình.
Được biết, trước đây, từ đất liền muốn ra đảo, người dân phải dùng thuyền, nhưng sau này, do tác động của quá trình kiến tạo địa chất và con người quai đê lấn biển, Nghi Sơn được nối với đất liền thành một dải.
Đặc biệt, xã đảo Nghi Sơn còn lưu giữ đậm nét các giá trị lịch sử văn hóa biển đảo qua hàng nghìn năm như: sự tích về Mỵ Châu – Trọng Thủy ở giếng Ngọc, phòng tuyến Tam Điệp – Biện Sơn, đền thờ Tôn Thất Cơ, di tích thành Ông Ninh, đền thờ Sát Hải Đại Vương, đền thờ Trần Quý Phi…
Khung cảnh làng chài. (Ảnh: Phương Linh) |
Du khách đến đây thường ghé Đền thờ Sát Hải Đại Vương, hướng mặt về phía Hòn Mê. Trong tâm thức dân gian địa phương, đây là vị thần giúp đỡ nhân dân khi gặp hoạn nạn.
Tương truyền, Sát hải Đại Vương tên thật là Hoàng Tá Thốn, vào thế kỷ XIII trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên xâm lược, ông đã lập được nhiều chiến công.
Một địa danh nổi bật khác là Chùa Biện Sơn, trước kia nằm ở vị trí Bãi Đông, nay đã chuyển về thôn Nam Sơn, từ xưa đến nay vẫn là một phần quan trọng trong đời sống tâm linh của người dân xã đảo.
Chùa Biện Sơn – một địa đanh tâm linh tại xã đảo Nghi Sơn. (Ảnh: Phương Linh) |
Được tổ chức vào ngày mùng 5 Tết hàng năm, Lễ hội Quang Trung cũng là một lễ hội đặc biệt tại xã đảo Nghi Sơn, diễn ra với các nghi thức truyền thống: rước kiệu, dâng lễ vật, tế lễ, đọc chúc văn để cầu mong thần linh, vua Quang Trung phù hộ che chở một mùa đánh bắt bội thu, thuyền bè ra khơi về lộng an toàn.
Sau phần lễ là phần hội diễn ra với các làn điệu dân ca, trò diễn mang đậm yếu tố văn nghệ dân gian biển đảo như: hò sông nước, kéo co, bơi thuyền…
Với địa hình bán đảo, những hoạt động nổi bật của người dân nơi đây là đánh bắt và nuôi trồng thủy hải sản. Bởi vậy, từ khi trời còn chưa sáng, xã đảo đã tấp nập cảnh cá tôm về bến, trao đổi, mua bán hải sản.
Du khách chèo thuyền tại xã đảo Nghi Sơn. (Ảnh: Quốc Huy) |
Nếu dậy sớm để đến chợ, du khách sẽ được chứng kiến các loại hải sản được ngư dân đưa vào bờ và các cuộc mua bán diễn ra nhanh chóng, bởi độ tươi ngon khó cưỡng.
Đến Nghi Sơn, du khách không chỉ được thưởng thức ẩm thực làng chài mà còn được dạo chơi, tắm mát tại một bãi biển rất đẹp là Bãi Đông với bãi cát vàng phẳng mịn và bãi đá ong nhấp nhô, tạo nên những khung hình tuyệt đẹp.
Bãi biển này dù không dài nhưng trong xanh là nơi lý tưởng để du khách tắm mát, thư giãn và dạo biển mỗi sáng sớm hay chiều muộn.
Vẻ đẹp hoang sơ của Bãi Đông. (Ảnh: Phương Linh) |
Sau khi tắm, du khách có thể dừng chân nghỉ ngơi trong chòi lá, như chiếc ô xòe rộng trên bãi cát, nhâm nhi thưởng thức món lẩu hơi cùng với hương vị đặc sản tươi ngon của xã đảo, như ốc hương, ghẹ, mực nhảy, cá bạc má, mực một nắng…
Đêm đến, du khách có thể trải nghiệm câu mực cùng ngư dân trên biển và thưởng thức ngay tại thuyền. Đặc biệt, những món ăn này sẽ ngon hơn nhiều khi chế biến và chấm với nước mắm đảo Nghi Sơn.
Khung cảnh tuyệt đẹp tại đảo Hòn Mê. (Ảnh: Nguyễn Quỳnh) |
Không chỉ có Bãi Đông, một trong những sản phẩm du lịch đang thu hút khách đến với xã đảo Nghi Sơn chính là tour đảo Mê.
Trong hành trình đến với hòn đảo xinh đẹp này, du khách còn được tham gia nhiều hoạt động trải nghiệm như: chèo thuyền kayak, đi xe motor nước, lướt ván, câu cá, lặn biển ngắm san hô, cắm trại, đốt lửa trại, đi bộ trên cầu khỉ, tham quan ngọn hải đăng… và thưởng thức những bữa tiệc hấp dẫn.
Nguồn: https://baoquocte.vn/xa-dao-nghi-son-diem-den-dam-di-san-van-hoa-bien-277305.html