Quảng Nam270 hộ với hơn 1.000 đầu bếp ở xã Điện Thọ, thị xã Điện Bàn làm nghề nấu cỗ thuê, phục vụ nhu cầu của khách hàng ở nhiều tỉnh thành miền Trung.
Ngày cận Tết Giáp Thìn, cơ sở của bà Nguyễn Thị Quý, thôn Châu Lâu, xã Điện Thọ tiếp nhận hàng chục cuộc gọi đặt mâm cỗ. Sau hồi tư vấn cho khách, bà Quý chốt đơn, ghi lại số mâm, thực đơn cùng thời gian, địa chỉ giao nhận trên một tấm bảng lớn.
Thôn Châu Lâu có số cơ sở làm dịch vụ nấu cỗ nhiều nhất xã với 50 hộ. Cơ sở quy mô lớn như nhà bà Quý có thể phục vụ 2.500-3.000 mâm cỗ mỗi ngày.
Hơn 15 năm trước, ngoài công việc giáo viên, bà Quý cùng chồng nhận thấy nhu cầu đặt cỗ rất lớn, nhất là đám hiếu hỉ, tân gia, lễ hội. Trong khi đó, địa phương sẵn có nguồn thực phẩm đa dạng, tươi ngon, giá cả hợp lý. “Điện Thọ và các xã lân cận nuôi gà thả vườn, các cơ sở ven biển cung cấp hải sản tươi sống. Vùng Điện Bàn có sông Thu Bồn chảy qua với nhiều bãi bồi, đồng ruộng, nông dân trồng nhiều hoa màu kết hợp nuôi bò thịt”, bà chia sẻ.
Bà Quý nấu ăn ngon có tiếng nên thường được nhiều gia đình trong làng thuê nấu cỗ. Bà nấu theo kiểu quê, bày biện cỗ chưa bắt mắt nên phải đi học nghề ở nhiều nơi. Khi có tay nghề, bà thuê nhiều người phụ giúp nấu thuê cho đám giỗ, tân gia trong xã Điện Thọ và các xã lân cận.
Bà quan niệm mâm cỗ ngon trước hết phải đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, tiếp đến là khẩu vị phù hợp vùng miền, trang trí bắt mắt. Tiếng lành đồn xa, dịch vụ nấu cỗ của bà Quý hiện mở rộng ra Quảng Ngãi, Quảng Nam, Đà Nẵng và Huế. Thông thường mỗi bàn ăn 10 người ở nhà hàng giá 1,8 triệu đồng, song khách thuê dịch vụ nấu cỗ của bà Quý chỉ 1,3 triệu đồng.
Ngoài nấu cỗ, vợ chồng bà còn kết hợp mở dịch vụ cho thuê rạp, bàn ghế, loa đài. Từ hai bàn tay trắng, đến nay bà Quý sở hữu 4 xe tải, 7 nhà kho hơn 3.000 m2 với vốn đầu tư nhiều tỷ đồng. Nhiều người ở vùng khác tìm đến xin làm việc và học nghề của bà nay đã mở cơ sở riêng.
Những ngày cuối năm, cơ sở ẩm thực Bông Hương của ông Trương Văn Thông ở thôn Châu Lâu cũng tất bật với nhiều đơn hàng. Từ trong nhà ra ngoài sân, hơn 10 người đang xoay sở với các chậu rau củ, quả, xoong nồi đặt trên gần chục bếp gas công nghiệp đỏ lửa.
Hơn 9h, đơn hàng 50 mâm hoàn tất, thức ăn được bọc nylon, xếp trong thùng xốp đưa lên xe tải để chuyển đi Đà Nẵng phục vụ bữa tiệc tất niên buổi trưa. “Trong làng không có chuyện cạnh tranh hay giành giật khách. Mỗi cơ sở đều có thực đơn riêng. Ai nấu ngon, phục vụ chuyên nghiệp, giá cả phải chăng thì người ta biết đến”, ông Thông nói.
Trước đây, vợ chồng ông Thông làm nông nghiệp nên không mấy dư giả, nay nhờ làm dịch vụ nấu cỗ nên kinh tế gia đình khấm khá hơn. Ban đầu, vợ chồng ông trực tiếp làm cỗ nhưng đơn hàng ngày càng nhiều, làm không xuể nên thuê thêm lao động địa phương và mở rộng địa bàn phục vụ.
Chị Nguyễn Thị Liên, đầu bếp tại cơ sở, cho biết nhà chị vẫn đang cấy 6 sào ruộng nhưng ngày cuối tuần hay dịp lễ Tết đều đi nấu cỗ thuê, tiền công mỗi ngày từ 400.000 đến 500.000 đồng. Tháng giáp Tết, chị làm 10 ngày công, thu nhập gần 5 triệu đồng, bằng chăm sóc hai sào lúa gần bốn tháng.
Theo ông Mai Phước Thành, Chủ tịch Hội Nông dân xã Điện Thọ, xã có 3.450 hộ dân chủ yếu làm nông nghiệp nhưng nổi tiếng với nghề nấu ăn. Hơn 20 năm trước, xã chỉ có bốn hộ dân nấu cỗ thuê nhưng đến nay có 270 hộ, trong đó có gần 20 hộ làm dịch vụ quy mô lớn kiêm tổ chức sự kiện.
Nấu cỗ không chỉ đem lại thu nhập cao cho chủ dịch vụ mà còn tạo việc làm cho nhiều lao động ở nông thôn. Những ngày cuối tuần có nhiều tiệc cưới hay dịp lễ Tết, có hơn 1.000 lao động địa phương làm dịch vụ nấu thuê. Để nâng cao tay nghề cho người lao động, xã thường xuyên mở lớp đào tạo và cấp chứng chỉ nấu ăn. Các hộ dân làm dịch vụ phải đăng ký bảo đảm vệ sinh toàn thực phẩm.