Bản thân Indonesia cũng là đội bị loại ngay vòng bảng giải U20 châu Á đang diễn ra tại Uzbekistan, giải đấu có tính chất như vòng loại World Cup.
Đội bóng xứ vạn đảo nằm ở bảng A cùng Uzbekistan, Iraq và Syria. U20 Indonesia dù được đầu tư rất nhiều trước giải đấu này (thậm chí họ còn điều cả HLV đội tuyển quốc gia Shin Tae Yong về nắm đội U20, trường hợp hiếm thấy trong bóng đá hiện đại), nhưng vẫn thất bại.
U20 Indonesia có 1 trận thắng (1-0 trước Syria), 1 trận hòa (0-0 với Uzbekistan) và 1 trận thua (0-2 trước Iraq), được tổng cộng 4 điểm, số điểm không thể gọi là nhiều với mức độ đầu tư của họ.
Đội bóng Đông Nam Á giành nhiều điểm nhất giải U20 châu Á đang diễn ra là U20 Việt Nam, với tổng cộng 6 điểm sau 3 trận (gồm 2 trận thắng trước Australia và Qatar, cùng 1 trận thua trước Iran).
Ngoài U20 Việt Nam và Indonesia, Đông Nam Á không còn đại diện nào khác dự giải U20 châu Á, kể cả Thái Lan và Malaysia, coi như không qua nổi vòng sơ loại.
Trang Vocket FC của Malaysia chỉ ra khác biệt rất lớn của các đội bóng trẻ Đông Nam Á so với các quốc gia có nền bóng đá mạnh hơn tại châu Á, thông qua trận thua 1-3 của U20 Việt Nam trước Iran.
“U20 Việt Nam rõ ràng gặp khó khăn trước Iran. So với các cầu thủ Việt Nam, cầu thủ Iran có thể hình cao to hơn hẳn. Đồng thời, cầu thủ U20 Việt Nam thua xa đối thủ về mặt tốc độ” – trang báo của Malaysia bình luận thêm.
Điều này phản ánh các nền bóng đá tại Đông Nam Á dù đã có những bước tiến bộ đáng kể trong khoảng 20-30 năm qua, nhưng vẫn còn khoảng cách nhất định so với nhóm đầu châu lục ở khâu tuyển chọn đầu vào, cũng như khác biệt ở quá trình đào tạo.
Thỉnh thoảng, cũng có một vài lần, các đại diện của bóng đá Đông Nam Á góp mặt tại vòng chung kết (VCK) World Cup U20, như Indonesia năm 1979, Malaysia năm 1997, Myanmar năm 2015 và Việt Nam năm 2017 (riêng Thái Lan chưa lần nào tham dự VCK World Cup U20), nhưng đấy cũng chỉ đơn thuần là bất ngờ nhất thời.
Bóng đá trẻ của các quốc gia tại Đông Nam Á chưa có sự ổn định về mặt kết quả khi so tài với các đại diện của các nền bóng đá mạnh hơn ở châu Á.
Về vấn đề này, có thể thông qua kết quả mà U20 Việt Nam giành được tại giải U20 châu Á năm nay để lấy ví dụ: Đội bóng của HLV Hoàng Anh Tuấn chơi rất tốt, nhưng tựu chung lại, chúng ta chỉ thi đấu được đúng một phong cách phòng ngự phản công trước mọi đối thủ.
Vì không có phương án thứ hai, thứ ba, nên các kết quả mà đội tuyển Việt Nam giành được phụ thuộc lớn vào phong độ của chính đối phương: Họ chiến thắng hay thất bại trước U20 Việt Nam phụ thuộc vào khả năng tận dụng cơ hội của họ. Chúng ta dù biết điểm mạnh của đối phương nhưng không đủ người để khóa hết các điểm mạnh ấy.
Về vấn đề vừa nêu, HLV Đoàn Minh Xương phân tích rõ hơn: “Thật ra, cả Australia, Qatar và Iran đều biết U20 Việt Nam chơi như thế nào, quan trọng là họ có tận dụng tốt các tình huống trước khung thành của đội tuyển U20 Việt Nam hay không. Bản thân U20 Việt Nam ngoài lối chơi phòng ngự phản công, không còn lựa chọn nào khác”.
Ông Xương cho rằng, để các cầu thủ trẻ tiến bộ hơn, chúng ta cần đầu tư mạnh hơn nữa, các cầu thủ trẻ càng được cọ xát nhiều sẽ càng bản lĩnh, lối chơi sẽ càng đa dạng hơn.
Đấy cũng là khác biệt về mặt trình độ và phần nào cũng là giải pháp cho bóng đá trẻ Việt Nam nói riêng và bóng đá Đông Nam Á nói chung, trên đường hướng ra châu lục. Để vé dự World Cup các kỳ giải trẻ đế thường xuyên hơn, chúng ta cần sự phát triển vững chắc từ chân đế, đó là khâu đào tạo, số lượng cũng như chất lượng các trận đấu cọ xát cho các cầu thủ trẻ, chứ không thể mãi trông chờ vào tính bất ngờ.