Đội tuyển nữ Việt Nam đang tập trung để hướng tới mục tiêu World Cup 2023, nơi thầy trò HLV Mai Đức Chung sẽ đối đầu với những đối thủ mạnh như Mỹ (đương kim vô địch), Hà Lan (đương kim á quân) và Bồ Đào Nha. Ông Jere Longman, phóng viên kỳ cựu của nhật báo nổi tiếng The New York Times (Mỹ) đã có mặt tại Việt Nam để tìm hiểu về bóng đá nữ nơi đây. Phóng viên Báo Thanh Niên đã có cuộc trò chuyện với ông Longman để tìm hiểu về góc nhìn của người Mỹ về bóng đá nữ Việt Nam, cũng như sự háo hức của giới mộ điệu Mỹ khi hai đội tuyển nữ Mỹ và Việt Nam sẽ đối đầu nhau ở trận ra quân World Cup 2023.
– Ông có mặt ở đây để theo dõi đội tuyển nữ Việt Nam tập luyện. Đó là kế hoạch ông đã lên từ trước khi sang đây, hay ý định bất chợt khi ông đã ở Việt Nam rồi?
Phóng viên Jere Longman: Tôi là phóng viên phụ trách mảng thể thao của The New York Times suốt 30 năm qua. Về bóng đá nữ, tôi cũng theo dõi được khoảng 20 năm. World Cup 2023 vào tháng 7 tới sẽ là vòng chung kết bóng đá nữ thứ 6 mà tôi đến tác nghiệp, đưa tin. Tôi nhận thấy có một số đội tuyển mới mẻ ở giải lần này, trong đó có đội tuyển nữ Việt Nam. Do đó, tôi muốn đến đây tìm hiểu bởi biết được đội tuyển nữ Việt Nam đã trở thành đội bóng mạnh, vượt qua vòng loại World Cup.
– Khi biết lá thăm may rủi đưa đội tuyển nữ Mỹ nằm cùng bảng Việt Nam, giới chuyên môn và dư luận Mỹ phản ứng ra sao?
Phóng viên Jere Longman: Mọi người ở Mỹ đều thấy kết quả bốc thăm này rất thú vị, bởi có những nét tương đồng giữa bóng đá nữ ở Mỹ và Việt Nam thời kỳ trước đây. Tại Mỹ nhiều năm trước, người ta nghĩ rằng phụ nữ không nên đá bóng. Sau đó, Mỹ bắt đầu phát triển bóng đá nữ. Dần dần, với những nguồn lực đầu tư, cách nhìn nhận của xã hội với những cầu thủ nữ chơi bóng ở Mỹ,… bóng đá nữ ở đây đã thay đổi theo chiều hướng tích cực.
Tôi nghĩ những điều này cũng đang diễn ra ở Việt Nam. Trước đây, không phải dễ dàng gì để nữ giới ở Việt Nam được chơi bóng. Sau đó, các cầu thủ đã từng bước vượt qua khó khăn và ngày càng được ghi nhận nhiều hơn. Khi bóng đá nữ Việt Nam đã có sự ghi nhận, bên cạnh nguồn lực đầu tư, phần thưởng của nhà tài trợ, đội tuyển nữ Việt Nam đã cải thiện thành tích rất đáng kể. Tôi có xem qua băng ghi hình một số trận của Việt Nam, còn tất nhiên chưa thể theo dõi trực tiếp được.
– Việc được dự World Cup có ý nghĩa thế nào với những nền bóng đá nữ mới lần đầu vươn mình ra biển lớn như Việt Nam?
Phóng viên Jere Longman: Được dự World Cup là vinh dự với bất kỳ đội tuyển quốc gia nào trên thế giới. Với đội tuyển nữ Việt Nam, dự World Cup là cơ hội để học hỏi nhiều điều. Lá thăm đưa Việt Nam nằm chung bảng với Mỹ và Hà Lan, hai đội đã chơi trận chung kết World Cup 2019. Đó là kết quả bốc thăm rất khắc nghiệt và khó khăn. Song, đây là cơ hội để học hỏi ở nhiều góc độ khác nhau.
Ví dụ, đội tuyển nữ Việt Nam có Huỳnh Như đang chơi bóng ở Bồ Đào Nha. Tôi tin rằng, việc chơi bóng ở một quốc gia khác, tiếp xúc với những triết lý, phong cách chơi bóng khác giúp Huỳnh Như học được cả về tâm lý, bản lĩnh thi đấu, kỹ chiến thuật. Tương tự, việc đối đầu với những nền bóng đá hùng mạnh ở World Cup 2023 sẽ giúp đội tuyển nữ Việt Nam tiến bộ ở nhiều mặt, từ bản lĩnh, trình độ kỹ chiến thuật để tạo đà cho những bước tiến xa hơn trong tương lai.
Sau này khi nhìn lại, họ có thể tự hào rằng mình đã không đấu với những đội bình thường, mà được đọ sức sòng phẳng với những đội ở đẳng cấp World Cup như Mỹ và Hà Lan. Đó là bệ phóng cho sự trưởng thành của bóng đá nữ Việt Nam. Những kết quả này sẽ thuyết phục giới lãnh đạo, những nhà quản lý thể thao đầu tư nhiều hơn cho đội tuyển nữ Việt Nam để hướng tới mục tiêu xa hơn, chứ không chỉ là góp mặt ở sân chơi World Cup.
– Tại Mỹ, bóng đá nữ học đường phát triển mạnh. Các cầu thủ cũng được gia đình, nhà trường khuyến khích và tạo điều kiện chơi bóng. Nhưng ở Việt Nam, bóng đá nữ dù đã tiến bộ nhưng vẫn có những rào cản vô hình mà nếu vượt qua, chúng tôi còn có thể đạt thành quả cao hơn nữa…
Phóng viên Jere Longman: Mỹ và Việt Nam có hai cách làm thể thao khác nhau. Thực ra đó không phải sự khác biệt riêng giữa Mỹ và Việt Nam, mà còn là giữa Mỹ và các nước khác. Ở nhiều nền bóng đá khác, trọng tâm và điểm tựa phát triển thể thao nằm ở CLB.
Còn tại Mỹ, chúng tôi xây dựng thể thao trên nền tảng học đường. Ở các trường học, chúng tôi có các hoạt động thể thao đa dạng, từ đó học sinh, sinh viên có thể tập luyện thể thao từ cấp phổ thông cho đến đại học và sau đại học. Khi tham gia các CLB thể thao trong trường học, các cầu thủ được hưởng quyền lợi tương tự VĐV chuyên nghiệp ở các CLB chuyên nghiệp khác. Họ được bán hình ảnh, có chế độ đãi ngộ,… đó là sự hỗ trợ rất cần thiết.
Tất nhiên, nền tảng này không tự nhiên mà thành. Chúng tôi đã phải thông qua đạo luật tạo ra sự bình đẳng cho phụ nữ khi tham gia các hoạt động thể thao. Có một đạo luật như thế tồn tại ở Mỹ đấy. Người ta không thể có những hành động ảnh hưởng tiêu cực đến tiềm năng phát triển của nữ giới trong thể thao Mỹ. Nhờ hành lang pháp lý này, mọi thứ cứ tuần tự diễn ra. Tuy nhiên, bóng đá ở Mỹ không phải môn thể thao số 1, mà có lẽ chỉ đứng thứ 4 hoặc thứ 5 thôi.
Còn ở Việt Nam, bóng đá là môn số 1, được tạo điều kiện phát triển hơn thông qua hệ thống CLB. Dù vậy, bóng đá học đường lại chưa phổ cập. Mỗi bên có thuận lợi, khó khăn riêng. Nhưng theo quan điểm của tôi, thành tích tốt của đội tuyển nữ Việt Nam sẽ là minh chứng để các nhà quản lý thể thao nói chung và bóng đá nói riêng đầu tư để có thành tích tốt hơn.
– Bóng đá nữ Việt Nam mới có 2 trường hợp xuất ngoại, đó là Trần Thị Hồng Nhung (sang Thái Lan thi đấu cho CLB nữ Chonburi) trước đây và Huỳnh Như hiện tại. Ông có tin tưởng cầu thủ nữ Việt Nam sẽ xuất ngoại nhiều hơn trong tương lai, như sang Mỹ thi đấu chẳng hạn?
Phóng viên Jere Longman: Tất nhiên rồi, tại sao lại không chứ? Ở Mỹ, chúng tôi có hệ thống thi đấu bóng đá rất đa dạng với nhiều hạng đấu khác nhau, phát triển trong 20 năm qua. Có nhiều cầu thủ châu Á như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc đã tới đây thi đấu. Họ làm được, tại sao cầu thủ Việt Nam lại không thể chứ?
– Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!