Giám đốc phụ trách khu vực châu Âu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ông Hans Kluge, ngày 18/7, cảnh báo, số người tử vong do nắng nóng khắc nghiệt sẽ tăng so với năm trước.
Trực thăng tham gia dập đám cháy rừng tại Mandra, Hy Lạp, ngày 18/7/2023. (Ảnh: Reuters) |
Trước đó, theo kết quả nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature Medicine, hơn 61.000 người đã tử vong vì các nguyên nhân liên quan đến đợt nắng nóng kỷ lục tại châu Âu trong mùa hè 2022.
Ông Hans Kluge kêu gọi cần cấp bách hành động trên quy mô khu vực và toàn cầu để ứng phó với cuộc khủng hoảng khí hậu mà ông cho rằng đang là mối đe dọa đối với nhân loại.
Giám đốc phụ trách khu vực châu Âu của WHO nêu rõ Nam Âu và Đông Âu hiện là 2 “vùng nguy hiểm” trong đợt nắng nóng gay gắt hiện nay.
Ông kêu gọi người dân thường xuyên theo dõi các bản tin dự báo thời tiết, làm theo hướng dẫn của chính quyền địa phương và tự trang bị thông tin từ các nguồn đáng tin cậy về những vấn đề sức khỏe có liên quan đến thời tiết.
“Ngoài việc thích nghi với thực tế mới trong mùa hè năm nay, chúng ta cần phải nhìn về những năm tới và thập kỷ tới”, ông Kluge nhấn mạnh.
Ông Hans Kluge cho rằng cần cấp bách hành động trên quy mô khu vực và toàn cầu để ứng phó với cuộc khủng hoảng khí hậu. (Ảnh: Reuters) |
Ông cho rằng, cần có một thời gian dài để thực thi Tuyên bố Budapest hướng tới giải quyết “những tác động nghiêm trọng nhất mà biến đổi khí hậu gây ra đối với hệ thống y tế và sức khỏe của chúng ta”.
Tuyên bố Budapest ưu tiên hành động khẩn cấp trên diện rộng tại châu Âu nhằm ngăn chặn những rủi ro về sức khỏe liên quan tới biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường…
Đặc biệt, ông Kluge tin tưởng tuyên bố này sẽ huy động được sự tham gia của những người trẻ tuổi.
Ông cho rằng, hành động chống biến đổi khí hậu không thể chỉ dựa vào một chính phủ hoặc một chính đảng cụ thể nào. Đây thật sự phải là vấn đề phi đảng phái và cần sự chung tay của toàn thế giới.
Thống kê của WHO cho thấy, từ năm 1998 đến 2017, hơn 166.000 người đã tử vong vì nắng nóng, trong đó có hơn 70.000 người chết trong đợt nắng nóng năm 2003 ở châu Âu. |
Theo WHO, các đợt nắng nóng có thể tác động đáng kể đến xã hội, trong đó có việc gia tăng các ca tử vong liên quan đến nắng nóng.
Nắng nóng là một trong những hiểm họa thiên nhiên nguy hiểm nhất, nhưng hiếm khi nhận được sự quan tâm đúng mức vì số người chết và sự tàn phá của chúng không phải lúc nào cũng rõ ràng ngay lập tức.
Các đợt nắng nóng có thể đặt thêm gánh nặng lên hệ thống y tế và cơ quan ứng phó khẩn cấp. Nắng nóng cũng làm tăng áp lực đối với nguồn nước, năng lượng và giao thông vận tải, dẫn đến tình trạng thiếu điện hoặc thậm chí mất điện. Tương tự, an ninh lương thực và sinh kế có thể bị rơi vào tình trạng căng thẳng nếu hoạt động trồng trọt, chăn nuôi bị ảnh hưởng do nắng nóng gay gắt.
Theo H.H/Nhandan.vn