Trước thềm sự kiện thường niên ở Davos (Thụy Sĩ) của WEF, một cuộc khảo sát lớn được tiến hành, với sự tham gia của 1.490 chuyên gia đầu ngành trong các lĩnh vực khác nhau nhằm đưa ra Báo cáo Rủi ro Toàn cầu.
53% chuyên gia tham gia khảo sát xác định thông tin sai lệch là rủi ro chính trong lĩnh vực công nghệ, tiếp theo là tấn công mạng và sự phát triển trí tuệ nhân tạo (AI) thiếu kiểm soát.
Trong ngắn hạn (2 năm), thông tin sai lệch là thách thức lớn nhất mà nhân loại phải đối mặt, tiếp theo là các vấn đề như thời tiết cực đoan, phân cực chính trị xã hội, xung đột vũ trang giữa các quốc gia, lạm phát, di cư cưỡng ép, suy thoái kinh tế và ô nhiễm môi trường.
Báo cáo Rủi ro Toàn cầu năm 2024 chỉ ra rằng việc lan truyền thông tin sai lệch đang trở nên vô cùng dễ dàng và phổ biến nhờ sử dụng công nghệ AI, dẫn đến việc tạo ra thông tin giả mạo và nội dung ảo. Báo cáo cho biết thông tin sai lệch có nguy cơ trở nên nghiêm trọng hơn khi một số quốc gia tổ chức bầu cử vào năm 2024.
Về lâu dài (10 năm), rủi ro môi trường, bao gồm mất đa dạng sinh học và sụp đổ hệ sinh thái, sẽ trở thành rủi ro lớn nhất, trong khi thông tin sai lệch sẽ trở thành thách thức xếp hạng thứ năm.
Đại dịch Covid-19 và cuộc xung đột hiện nay giữa Nga với Ukraine đã bộc lộ những rạn nứt xã hội trên phạm vi rộng lớn, nhưng các hệ thống toàn cầu đã chứng tỏ được năng lực phục hồi.
Tuy nhiên, cuộc khảo sát cho thấy hầu hết các chuyên gia đều dự báo về một tương lai bất ổn, trong khi chỉ có 16% kỳ vọng vào một giai đoạn ổn định hoặc bình lặng.
Năm 2023, chi phí sinh hoạt tăng cao được coi là rủi ro ngắn hạn hàng đầu, tiếp theo là thiên tai và xung đột địa kinh tế. Trong khi đó, biến đổi khí hậu và các hậu quả do chúng gây ra, bao gồm cả thiên tai và di cư, được xác định là các thách thức lâu dài.
(theo Securitylab)