Các chuyên gia của Ngân hàng Thế giới dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam sẽ đạt 4,7% trong năm 2023. Sau đó, đà tăng trưởng sẽ hồi phục lên 5,5% vào năm 2024 và 6% tại năm 2025.
Tăng trưởng kinh tế của Việt Nam sau khi đạt tốc độ 8% trong năm 2022 đã giảm mạnh trong nửa đầu năm 2023, do sức cầu bên ngoài thấp đồng thời nhu cầu trong nước cũng yếu đi. Tuy nhiên, nền kinh tế sẽ tăng tốc trở lại trong những tháng cuối năm và duy trì ở những năm tiếp theo.
Đây là nhận định được địa diện Ngân hàng Thế giới đưa ra tại buổi họp báo công bố Báo cáo Kinh tế tháng Tám, ngày 10/8.
Sức cầu là động lực chính trong tăng trưởng
Theo báo cáo, tăng trưởng GDP của Việt Nam trong nửa đầu của năm chỉ đạt 3,7% (so cùng kỳ năm trước) và thấp hơn nhiều so với mức tăng 6,4% của 6 tháng/2022.
Bà Dorsati Madani, chuyên gia kinh tế cao cấp của WB cho biết nguyên nhân của đà giảm này là sức cầu bên ngoài giảm mạnh. Điều này thể hiện qua kim ngạch xuất khẩu giảm 12% so cùng kỳ. Trên bình diện đó, nhu cầu nội địa đã chững lại khi hiệu ứng “xuất phát điểm thấp” của giai đoạn phục hồi sau COVID-19 đã giảm. Hơn thế, niềm tin của người tiêu dùng cũng dần yếu, thể hiện ở tốc độ tăng trưởng chi tiêu xuống còn 2,7% so với cùng kỳ.
Nhấn mạnh tổng cầu giảm đã phản chiếu vào khu vực sản xuất (tổng cung), bà Dorsati dẫn chứng mảng công nghiệp ghi nhận mức đóng góp cho tăng trưởng giảm 0,4 điểm phần trăm trong nửa đầu năm. Ảnh hưởng của “cú sốc” về nhu cầu xuất khẩu còn trầm trọng hơn, do tình trạng thiếu điện liên tục ảnh hưởng đến miền Bắc trong tháng Năm và Sáu, khiến các hoạt động kinh tế bị gián đoạn với tổn thất ước tính ở mức 0,3% GDP.
Ngoài ra, khảo sát đối với 10.000 doanh nghiệp trong bốn tháng đầu năm của Ban Nghiên cứu Phát triển Kinh tế Tư nhân (WB) cũng cho thấy 60% các doanh nghiệp cho hay doanh thu đã giảm ít nhất 20%; 59% doanh nghiệp chia sẻ đơn hàng bị giảm, 71% phải cắt giảm ít nhất 5% lao động. Dẫn chứng tại khu vực Đông Nam Bộ-một trong số các địa bàn xuất khẩu trọng tâm, đã chứng kiến số người được phê duyệt nhận trợ cấp thất nghiệp tăng vọt gần 62% trong quý 2.
“Mặc dù sức cầu có chững lại song đây vẫn là động lực chính cho tăng trưởng của năm 2023. Dự kiến, tiêu dùng tư nhân sẽ đứng vững với tốc độ tăng 6% (so cùng kỳ 2022) và đóng góp 3,4 điểm phần trăm cho tăng trưởng GDP,” bà Dorsati nói.
Trên cơ sở đó, các chuyên gia của Ngân hàng Thế giới dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam sẽ đạt 4,7% trong năm 2023. Sau đó, đà tăng trưởng sẽ hồi phục lên 5,5% vào năm 2024 và 6% tại năm 2025.
Bên cạnh đó, chỉ số CPI dự kiến tăng nhẹ từ mức bình quân 3,1% trong năm 2022 lên bình quân 3,5% trong năm 2023. Nguyên nhân do tăng trưởng chững lại và chính sách giảm thuế suất thuế giá trị gia tăng từ 10% xuống 8% được triển khai trong nửa cuối năm. Theo đó, lạm phát CPI tiếp tục bình ổn ở mức 3% trong năm 2024 và 2025 (trên cơ sở kỳ vọng giá năng lượng và thương phẩm sẽ ổn định).
Rủi ro trong và ngoài nước gia tăng
Triển vọng thời gian tới, báo cáo của Ngân hàng Thế giới nhận định Việt Nam sẽ phải đối mặt với rủi ro cả trong và ngoài nước. Nhìn chung, các nền kinh tế phát triển và Trung Quốc sẽ tăng trưởng thấp hơn dự kiến và tiếp tục làm giảm sức cầu đối với khu vực xuất khẩu của Việt Nam.
Hơn nữa, những bất định kéo dài trên thị trường tài chính có khả năng làm dấy lên căng thẳng trong khu vực ngân hàng trên toàn cầu. Trước những nhận định trên, các nhà đầu tư khả năng sẽ nảy sinh tâm lý né tránh rủi ro và không khuyến khích đầu tư (bao gồm cả đầu tư vốn FDI vào Việt Nam). Mặt khác, căng thẳng địa chính trị leo thang và thiên có thể làm gia tăng rủi ro cho Việt Nam (bao gồm cả thông qua giá lương thực thực phẩm và nhiên liệu leo thang).
Trong nước, khu vực tài chính đang đối mặt với những rủi ro và nguy cơ dễ tổn thương ngày càng lớn, đòi hỏi phải theo dõi chặt chẽ và tiến hành đổi mới.
Theo bà Carolyn Turk, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, nền kinh tế nội địa đang gặp những thách thức đến bên trong và bên ngoài. Do vậy, để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, Chính phủ có thể hỗ trợ tổng cầu thông qua đầu tư công hiệu quả, từ đó tạo việc làm và kích thích hoạt động kinh tế.
“Ngoài các biện pháp hỗ trợ ngắn hạn, Chính phủ không nên bỏ qua các cải cách thể chế cơ cấu, bao gồm cả trong lĩnh vực năng lượng và ngân hàng, vì những lĩnh vực này là điều bắt buộc đối với tăng trưởng dài hạn,” bà Carolyn Turk nói.
Về kiến nghị chính sách, các chuyên gia của Ngân hàng Thế giới cho rằng dư địa tài khóa còn dồi dào, do đó cần đóng vai trò chủ đạo và đảm bảo ngân sách đầu tư năm 2023 được triển khai tốt hơn rõ rệt. Bên cạnh đó, ngân sách đầu tư công theo kế hoạch được triển khai đầy đủ sẽ nâng đầu tư công lên 7% GDP trong năm 2023, tạo xung lực tài khóa hỗ trợ cho tổng cầu ở mức 0,4% GDP.
Bên cạnh đầu tư công, các chính sách hỗ trợ cần chú trọng tới người lao động và hộ gia đình bị ảnh hưởng khi kinh tế chững lại, thông qua việc nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống đảm bảo an sinh xã hội, đây cũng là cách để hỗ trợ cho tổng cầu.
Để làm được điều đó, bà Carolyn cho rằng các cấp có thẩm quyền cần cải tiến cách tiếp cận lựa chọn đối tượng và cơ chế cung cấp hỗ trợ trong hệ thống an sinh xã hội, trở thành công cụ linh hoạt để hỗ trợ cho những người dễ tổn thương khi gặp cú sốc kinh tế.
Ngoài ra, các chuyên gia khuyến cáo việc hỗ trợ bằng chính sách tài khóa cần được thực hiện song hành với việc nới lỏng chính sách tiền tệ, nhưng cần chú ý dư địa nới lỏng thêm không còn nhiều. Hiện, nhu cầu tín dụng ở mức thấp mặc dù lãi suất đã giảm. Vì vậy, việc cắt giảm lãi suất thêm nữa chưa chắc đã đem lại hiệu ứng mong muốn nhằm thúc đẩy tăng trưởng tín dụng. Bên cạnh đó, cắt giảm lãi suất sẽ làm tăng chênh lệch lãi suất với các thị trường trên toàn cầu, có khả năng gây áp lực cho tỷ giá.
Để giúp nâng cao năng suất và tính bền vững cho tăng trưởng kinh tế, các chuyên gia Ngân hàng Thế giới cho rằng Việt Nam cần tiếp tục cải cách, giảm nhẹ gánh nặng quy định hành chính cho các doanh nghiệp. Và, tái triển khai cải cách doanh nghiệp Nhà nước nhằm tạo xúc tác thu hút sự tham gia của khu vực tư nhân.
“Xúc tiến tài chính toàn diện là cách trao quyền cho các cá nhân và doanh nghiệp để họ tham gia đầy đủ hơn vào các hoạt động kinh tế, qua đó gia tăng những đóng góp cho tăng trưởng bền vững. Ngoài ra, nâng cao khả năng chống chịu của các mặt hàng xuất khẩu trong trung hạn sẽ giúp giảm nhẹ những rủi ro liên quan đến cú sốc bên ngoài. Việc đa dạng hóa các mặt hàng và địa chỉ xuất khẩu là cách để giảm phụ thuộc vào những thị trường và sản phẩm cụ thể, nâng cao khả năng chống chịu của nền kinh tế với những biến động kinh tế trên toàn cầu,” đại diện của Ngân hàng Thế giới nhấn mạnh./.