Chuyên gia kinh tế trưởng của WB Indermit Gill cho rằng Mỹ Latinh đang thiếu các động lực tăng trưởng trong năm nay do các yếu tố bên ngoài và cả các vấn đề nội tại.

Về nguyên nhân bên ngoài, ông Gill đề cập tác động của tình hình xung đột tại Ukraine, cũng như tình trạng thắt chặt chính sách tiền tệ tại các nền kinh tế lớn. Những yếu tố này đang gây ra tình trạng suy giảm toàn cầu và ảnh hưởng đến giá cả hàng hóa và tác động đến các nước mà nền kinh tế dựa chủ yếu vào xuất khẩu, trong đó có nhiều quốc gia tại Mỹ Latinh.

 Người dân mua sắm tại một chợ ở Ozumba, Mexico.

Thêm vào đó là chính sách tiền tệ “nghiêm ngặt” tại nhiều nước Mỹ Latinh trong 12 tháng qua do tình trạng lạm phát tăng cao. Theo chuyên gia của WB, tác động của việc tăng lãi suất đang bắt đầu để lại hậu quả, bao gồm tiền lương thực tế và tiêu dùng sụt giảm.

WB nhận định, nếu các quốc gia Mỹ Latinh nới lỏng chính sách tiền tệ vào cuối năm nay, tăng trưởng Tổng sản phẩm nội địa (GDP) của khu vực này trong năm 2024 có thể tăng lên 2%.

Trong số các nền kinh tế chủ chốt của khu vực, Brazil sẽ duy trì mức tăng trưởng “khiêm tốn” là 1,2% trong năm nay và 1,4% vào năm 2024. Nền kinh tế lớn thứ 2 Mỹ Latinh là Mexico sẽ tăng trưởng 2,5% trong năm 2023 song giảm xuống mức 1,9% trong năm 2024.

Do tác động của tình trạng hạn hán nghiêm trọng thời gian qua, nền kinh tế lớn thứ 3 trong khu vực Mỹ Latinh là Argentina sẽ ghi nhận tăng trưởng âm 2% trong năm nay. Tương tự, GDP của Chile sẽ sụt giảm 0,8%. Cả hai nền kinh tế này sẽ phục hồi vào năm 2024 với mức tăng trưởng lần lượt là 2,3% và 1,8%.

Trong báo cáo, WB cũng nhận định “bất ổn chính trị và xã hội vẫn tồn tại ở một số quốc gia Mỹ Latinh và Caribe” khiến niềm tin của người tiêu dùng và các nhà đầu tư suy giảm. Theo tổ chức tài chính đa phương này, nền kinh tế của Peru chịu tác động mạnh từ các cuộc biểu tình diễn ra đầu năm nay. Trong khi đó, bất ổn xã hội dâng cao tại Chile bắt nguồn từ các tranh cãi liên quan đến vấn đề cải cách hiến pháp.

Báo cáo cũng cho rằng Argentina vẫn đang phải đối mặt với tỷ lệ lạm phát cao và khả năng điều chỉnh chính sách kinh tế vĩ mô trong bối cảnh hạn hán nghiêm trọng, trong khi Chính phủ Brazil gặp phải những vấn đề liên quan đến nâng trần chi tiêu công.

Tin, ảnh: TTXVN