ANTD.VN – Với bức tranh kinh tế vẫn còn nhiều mảng xám, Ngân hàng Thế giới (WB) cho rằng, Việt Nam có thể xem xét gia hạn thực hiện chương trình hỗ trợ kinh tế sang năm tới để hỗ trợ tổng cầu.
Theo WB, dữ liệu tháng 11/2023 tiếp tục cho thấy sự cải thiện trong hoạt động kinh tế.
Theo xu hướng kể từ tháng 4/2023, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) được điều chỉnh theo mùa vụ hàng tháng đã ghi nhận tốc độ tăng trưởng theo tháng là 2,7% trong tháng 11/2023, so với 2,8% trong tháng 10/2023. IIP tăng 5,8% (so cùng kỳ) trong tháng 11/2023 so với 4,4% trong tháng 10/2023 và chỉ nhỉnh hơn một nửa so với mức trước đại dịch (trung bình 9,9% trong giai đoạn 2018 – 2019).
Những sự mở rộng này phản ánh mức tiêu dùng trong nước tương đối linh hoạt và sự phục hồi liên tục của nhu cầu bên ngoài.
Tuy nhiên, triển vọng vẫn mờ nhạt khi PMI của Việt Nam tiếp tục ở mức suy giảm trong tháng 11 (47,3 – thấp nhất kể từ tháng 5/2023). S&P Global PMI chỉ ra rằng số lượng đơn đặt hàng mới đã giảm trong tháng 11/2023, cho thấy tình trạng bên cầu vẫn còn khá mong manh.
Cùng với đó, tăng trưởng doanh số bán lẻ chững lại và tiếp tục duy trì ở mức thấp hơn trước đại dịch. Doanh số bán lẻ (đại diện cho tiêu dùng nội địa) ghi nhận mức giảm nhẹ 0,27% vào tháng 11/2023, sau mức tăng 1,65% được ghi nhận vào tháng 10.
Bắt đầu từ sự giảm tốc xuống tới mức 5,0% so với cùng kỳ vào tháng 7/2023, tăng trưởng doanh số bán lẻ tăng tốc trở lại nhưng chững ở mức trung bình khoảng 7,5% (so với cùng kỳ) trong thời gian từ tháng 8-11/2023. Mức tăng trưởng này thấp hơn nhiều so với trước đại dịch, khoảng 12% so với cùng kỳ.
Tiêu dùng nội địa vẫn chưa phục hồi hoàn toàn |
Doanh số bán hàng hóa, chiếm gần 80% tổng doanh số bán lẻ, hầu như không thay đổi ở mức – 0,12% trong tháng 11/2023 so với mức – 0,49% trong tháng 10/2023.
Trong khi đó, doanh số bán dịch vụ khách sạn giảm 3,6%, so với mức giảm 4,4% vào tháng 10/2023. Dịch vụ du lịch tiếp tục giảm ở mức 11,2%, thấp hơn 1,8% so với một tháng trước đó, phản ánh tình trạng du lịch nội địa đang dần yếu đi.
Xuất khẩu và nhập khẩu hàng hóa tiếp tục được cải thiện nhằm đáp ứng sự phục hồi nhu cầu bên ngoài, tăng lần lượt 6,7% và 5,1% (so cùng kỳ).
Dù vậy, xuất khẩu hàng tháng vẫn giảm 1,4% trong tháng 11/2023, so với mức tăng 1,42% trong tháng 10/2023, cho thấy sự phục hồi còn khá mong manh.
Xuất khẩu và nhập khẩu lũy kế 11 tháng năm 2023 vẫn thấp hơn cùng kỳ năm 2022, giảm lần lượt 5,9%và 10,7%.
Cam kết FDI lũy kế trong 11 tháng năm 2023 tiếp tục tăng, đạt 28,8 tỷ USD, cao hơn 14,8% so với cùng kỳ năm 2022, bất chấp những bất ổn toàn cầu, phản ánh niềm tin của các nhà đầu tư vào triển vọng kinh tế Việt Nam.
Sản xuất chiếm hơn 60% số vốn cam kết đăng ký mới và góp vốn bổ sung. Trong khi bất động sản chỉ chiếm 3,5% vốn đăng ký trong 11 tháng năm 2023, so với 16,7% cùng kỳ năm 2022, phản ánh tình trạng trì trệ của thị trường bất động sản trong nước.
Tính đến cuối tháng 11/2023, vốn FDI giải ngân đạt 20,3 tỷ USD, tăng 2,9% so với cùng kỳ năm trước.
Lạm phát chỉ số giá tiêu dùng (CPI) vẫn ổn định ở mức tăng 3,5% (so cùng kỳ) vào tháng 11/2023, so với 3,6% vào tháng 10/2023, thấp hơn nhiều so với mục tiêu chính sách đặt ra cho năm 2023 (4,5%).
Thu ngân sách 11 tháng năm 2023 giảm 6,2% so với cùng kỳ năm 2022, do hoạt động kinh tế trong và ngoài nước chững lại.
Lũy kế 11 tháng năm 2023 thu từ nguồn trong nước (phần lớn là VAT) giảm 3% so cùng kỳ, trong khi thu từ thuế xuất nhập khẩu giảm 19,3%…
Với bức tranh kinh tế vẫn còn nhiều mảng xám, WB lưu ý, các cơ quan chức năng Việt Nam có thể xem xét gia hạn thực hiện chương trình hỗ trợ kinh tế (2022-2023) sang năm tới để cho phép các khoản đầu tư theo kế hoạch được thực hiện đầy đủ, hỗ trợ tổng cầu.
“Trong bối cảnh kinh tế suy thoái, những điểm yếu của khu vực tài chính đòi hỏi phải tiếp tục cảnh giác. Đồng thời, nỗ lực khôi phục niềm tin và thúc đẩy sự phát triển lành mạnh của thị trường bất động sản sẽ là chìa khóa hỗ trợ ổn định kinh tế trong ngắn hạn và tăng trưởng kinh tế trong dài hạn”, WB lưu ý.