Cuộc nổi loạn của Wagner ở Nga khiến hàng nghìn thành viên lực lượng này đang hoạt động tại các nước châu Phi đối mặt tương lai bất định.
Năm 2018, các tay súng Wagner đầu tiên đặt chân đến Cộng hòa Trung Phi theo hợp đồng với chính phủ nước này để chống lại các nhóm phiến quân nổi dậy. Kể từ đó, tập đoàn an ninh tư nhân Nga nhanh chóng mở rộng hoạt động ở Mali, Sudan và Libya. Đối với các nước châu Phi đang gặp khó khăn vì tình trạng bất ổn trong nước, Wagner dường như trở thành giải pháp cho vấn đề an ninh.
Sau khi Wagner giúp Tổng thống Cộng hòa Trung Phi Faustin-Archange Touadéra chống lực lượng nổi dậy, tiếng Nga đã trở thành ngôn ngữ chính thức được dạy trong trường học ở nước này. Các chỉ huy Wagner cũng trở nên nổi tiếng tại thủ đô Bangui.
Cộng hòa Trung Phi vốn đối mặt tình trạng bất ổn suốt nhiều thập kỷ, song đây là quốc gia rất giàu kim cương, vàng, dầu và uranium.
Tại Mali, quân đội nước này ban đầu dựa vào hợp tác với Pháp, nước từng là mẫu quốc, để đối phó với các nhóm vũ trang liên kết với al-Qaeda và phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. Nhưng sau nhiều năm, khi mối đe dọa an ninh từ phiến quân không suy giảm, giới chức Mali mất kiên nhẫn và quyết định ký hợp đồng với Wagner.
Giới quan sát cho rằng mối quan của Wagner đối với Mali có thể liên quan tới trữ lượng vàng lớn của nước này. Ngoài ra, họ cũng cho rằng Wagner muốn giúp Nga mở rộng ảnh hưởng ở các nước Tây Phi, vốn chịu áp lực an ninh từ IS và al-Qaeda.
“Chiến lược hoạt động của Wagner trong 2-3 năm qua là mở rộng cả dấu ấn quân sự và kinh tế ở châu Phi”, Julia Stanyard, thành viên Sáng kiến Toàn cầu về Chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia, nói.
Nhà phân tích cho biết Wagner là một tập đoàn có cấu trúc phức tạp, với hàng loạt công ty con và theo đuổi hoạt động thương mại ở các nước mà lực lượng này hiện diện.
Hợp đồng Wagner ký với chính phủ Sudan đã cho phép công ty khai thác mỏ M Invest của Nga, mà Bộ Tài chính Mỹ cáo buộc do trùm Wagner Yevgeny Prigozhin sở hữu hoặc kiểm soát, thiết lập hoạt động ở đó. Meroe Gold, công ty con của M Invest, là một trong những đơn vị khai thác vàng lớn nhất châu Phi.
Tại Libya, Wagner được cho là không còn duy trì số lượng tay súng nhiều như khi họ ủng hộ nỗ lực của tướng Khalifa Haftar nhằm chiếm thủ đô Tripoli gần bốn năm trước. Song về mặt chiến lược, hiện diện của Wagner ở Libya tạo ra cửa ngõ cho Nga vào châu Phi, tăng cường ảnh hưởng ở Địa Trung Hải.
Lực lượng Wagner vẫn xuất hiện quanh cơ sở dầu mỏ quan trọng ở thành trì của Haftar ở phía đông và nam Libya.
Tuy nhiên, cuộc nổi loạn bất thành của Wagner ngày 24/6 đã phủ bóng hoạt động của lực lượng này ở châu Phi, cũng như mối quan hệ giữa Nga và các nước châu Phi sử dụng lính đánh thuê.
Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov tuần trước cho biết “hàng trăm chiến binh” ở Cộng hòa Trung Phi làm việc theo lệnh của Moskva sẽ tiếp tục hoạt động của họ.
Yabi Gilles, người sáng lập Viện nghiên cứu Tây Phi (WATHI) cho rằng tuyên bố của ông Lavrov cho thấy điều khá rõ ràng rằng Wagner không chỉ là tập đoàn lính đánh thuê, mà còn là công ty hoạt động vì lợi ích của Nga, đặc biệt ở nước ngoài.
Gilles thêm rằng đối với Mali và Cộng hòa Trung Phi, “điều quan trọng là phải đảm bảo duy trì hợp tác với Nga”.
Nếu Wagner rút quân, các nước châu Phi vẫn có ký hợp đồng với các nhà thầu tư nhân khác bắt đầu hoạt động ở lục địa trong những năm gần đây.
“Quản lý của các công ty mới là cựu nhân viên của Wagner, am hiểu về hoạt động của lực lượng ở châu Phi và chính phủ Nga cũng có thể dễ dàng sử dụng họ để giúp kiểm soát tất cả hoạt động của Wagner, đặc biệt ở Trung Phi”, Charles Bouessel, nhà phân tích cấp cao của Tổ chức Khủng hoảng Quốc tế, nói.
Tuy nhiên, việc trùm Wagner phải rời Nga đến Belarus và đế chế kinh doanh của tập đoàn này dần tan rã sau vụ nổi loạn khiến các nước châu Phi ký hợp đồng an ninh với Wagner cảm thấy lo lắng.
“Chúng tôi đã thấy sự căng thẳng từ giới chức châu Phi, bởi họ không chắc chắn điều gì sẽ xảy ra và liệu Wagner còn tồn tại được trong vài tháng tới hay không”, Bouessel nói.
Giới phân tích cho rằng dù Wagner đã giúp mở rộng ảnh hưởng của Nga ở châu Phi, đặc biệt hữu ích khi Moskva tìm kiếm ủng hộ ngoại giao giữa xung đột Ukraine, lực lượng này sẽ không thể duy trì vị thế hiện tại nếu không có sự hậu thuẫn của Điện kremlin.
Như tại Libya, các đơn vị Wagner phụ thuộc rất nhiều vào hỗ trợ từ Bộ Quốc phòng Nga. Một nguồn tin ngoại giao của Liên Hợp Quốc nói rằng nếu Wagner bị giải tán, các đơn vị lính đánh thuê ở châu Phi sẽ không còn được chính phủ Nga hỗ trợ.
Nguồn tin này nói thêm nếu các tay súng Wagner ở châu Phi không được trả lương, không nhận được hậu thuẫn chính trị hoặc quân sự, họ về cơ bản sẽ mất việc làm.
Tổng thống Nga Vladimir Putin đã tuyên bố chiến binh Wagner có thể gia nhập quân đội chính quy, trở về nhà hoặc đến Belarus cùng lãnh đạo Prigozhin sau vụ nổi loạn, song không rõ các thành viên Wagner ở châu Phi có thể được lựa chọn như vậy hay không.
Bà Stanyard cho rằng có thể có “một số thỏa hiệp để cho phép ông trùm Prigozhin giữ quyền kiểm soát và chịu trách nhiệm hoạt động của Wagner ở châu Phi”.
Dù vậy, cuộc nổi loạn của Wagner giống như lời cảnh báo đối với các chính phủ châu Phi. Họ giờ phải cực kỳ thận trọng vì nó có thể trở thành câu chuyện trong nước bất kỳ lúc nào, theo Bakary Sembe, giám đốc khu vực của Trung tâm Nghiên cứu Hòa bình châu Phi thuộc Viện Timbuktu.
“Họ phải chấm dứt suy nghĩ giao phó vấn đề an ninh cho lực lượng bên ngoài. Đó không phải là chiến lược khả thi và các nước châu Phi giờ đây sẽ cẩn trọng hơn khi sử dụng lực lượng Wagner”, ông nói.
Thanh Tâm (Theo BBC, Al Jazeera)