Thời gian qua, chính phủ Ấn Độ, với chương trình “Make in India” đã công bố rất nhiều chính sách ưu đãi nhằm thu hút đầu tư và đưa Ấn Độ trở thành một trung tâm sản xuất công nghệ cao của thế giới. Các chính sách này đã mang lại hiệu ứng tích cực, khi đầu tư nước ngoài (FDI) vào các ngành sản xuất của Ấn Độ không ngừng tăng cao.
Chính phủ Ấn Độ, với chương trình “Make in India” đã công bố rất nhiều chính sách ưu đãi nhằm thu hút đầu tư và đưa nước này trở thành một trung tâm sản xuất công nghệ cao của thế giới. (Nguồn: Reuters) |
Mục tiêu thu hút ít nhất 100 tỷ USD vốn FDI mỗi năm
Trả lời Bloomberg trong cuộc phỏng vấn ở New Delhi tháng 4/2024, ông Rajesh Kumar Singh, Giám đốc Cơ quan xúc tiến công nghiệp và thương mại nội địa, Bộ Công thương Ấn Độ khẳng định, quốc gia Nam Á này đặt mục tiêu thu hút ít nhất 100 tỷ USD vốn FDI mỗi năm, nhắm vào các nhà đầu tư muốn đa dạng chuỗi cung ứng bên ngoài Trung Quốc.
“Mục tiêu của chúng tôi là đạt trung bình ít nhất 100 tỷ USD trong 5 năm tới. Xu hướng này rất tích cực và khả quan”, ông Singh nhấn mạnh.
Là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới, tham vọng của Ấn Độ là hoàn toàn có cơ sở khi quốc gia này đang thành công trong việc thu hút các doanh nghiệp muốn phòng ngừa nguy cơ căng thẳng địa chính trị, bằng cách mở rộng hơn nữa hoạt động của họ – đôi khi được gọi là chiến lược “Trung Quốc +1″.
Từ năm 2019, Ấn Độ đã gây chấn động với các chính sách thu hút đầu tư nước ngoài quy mô lớn và vô cùng hấp dẫn. Tháng 3/2019, Chương trình Khuyến khích liên kết sản xuất (PLI) đã được công bố, theo đó, các đối tượng thuộc diện được hỗ trợ sẽ nhận được 4 – 6% doanh thu tăng thêm từ các sản phẩm được sản xuất tại Ấn Độ dưới hình thức trợ cấp. Quy mô tổng gói hỗ trợ khoảng trên 7,33 tỷ USD. Các công ty toàn cầu thuộc đối tượng hỗ trợ bao gồm Samsung Electronics, Foxconn Hong Hai, Rising Star, Wistron, Pegatron…
Trong công cuộc đón đầu làn sóng chuyển dịch đầu tư trong khu vực, Ấn Độ cũng nhanh chóng đưa ra các gói hỗ trợ mạnh tay. Năm 2020, nước này đã chi 20 tỷ USD để chiêu dụ các công ty nước ngoài chuyển sản xuất sang Ấn Độ.
Vào tháng 10/2022, Thủ tướng Modi còn phê duyệt đề án “Pradhan Mantri Gati Shakti” với ngân sách 1.200 tỷ USD để đầu tư hạ tầng đón đầu các nhà máy dịch chuyển từ Trung Quốc.
Các “ông lớn” công nghệ như Apple và Samsung Electronics, Google đã đẩy mạnh sản xuất ở Ấn Độ, tận dụng các ưu đãi do chính quyền của Thủ tướng Narendra Modi đưa ra.
Ông Sundar Picha, Giám đốc điều hành của Google đánh giá cao chương trình “Make in India” với chính sách hàng đầu của Thủ tướng Narendra Modi, trong việc cung cấp thông tin kinh doanh nhanh hơn và khuyến khích tài chính thúc đẩy hoạt động sản xuất hàng hóa trên lãnh thổ Ấn Độ.
Ngoài những nỗ lực thu hút Apple hay Google, trên thực tế, dù các công ty lớn của Hàn Quốc như Samsung, LG, Hyundai, Kia… đều đang vận hành nhà máy của mình tại Ấn Độ, chính phủ của Thủ tướng Modi vẫn không ngừng nghiên cứu và đưa ra các chính sách hấp dẫn nhằm thu hút đầu tư hơn nữa.
Học hỏi kinh nghiệm từ Ấn Độ
Việt Nam và Ấn Độ hiện đang ráo riết trên đường đua thu hút dòng vốn FDI trên thế giới, đặc biệt là dòng vốn dịch chuyển khỏi Trung Quốc. Cả hai đều có lợi thế về môi trường kinh doanh ổn định, lực lượng lao động dồi dào, hạ tầng cải thiện và tiến bộ trong thiết kế sáng tạo.
Theo các chuyên gia, từ kết quả thu hút đầu tư “ngoạn mục” của Ấn Độ, Việt Nam có thể học hỏi được nhiều bài học kinh nghiệm quý giá:
Thứ nhất, muốn hấp dẫn được “đại bàng” về làm tổ phải có chiến lược cụ thể cho từng đối tác, không nên đưa ra mục tiêu chung chung, tràn lan và thành quả thu hút FDI không chỉ được đánh giá bằng tổng số vốn đăng ký.
Thứ hai, chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện cần thiết để thu hút đầu tư, nhất là rà soát, bổ sung quỹ đất “sạch”. Để thu hút các “đại bàng” về làm tổ thành công, một trong những yếu tố được chính phủ Ấn Độ coi trọng còn là thiết lập quỹ đất “sạch” trên 460.000 ha rộng lớn (tương đương bằng 6 lần diện tích Singapore và gấp đôi diện tích Luxembourg).
Việt Nam cần đầu tư mạnh mẽ nguồn nhân lực để thu hút dòng vốn FDI chất lượng cao. (Nguồn: PLO) |
Thứ ba, mặc dù Việt Nam đã có nhiều chính sách thu hút đầu tư, như khuyến khích đầu tư xây dựng các khu công nghiệp, khu chế xuất, tập trung phát triển công nghiệp phụ trợ… nhưng thực tế cho thấy, việc thực thi còn nhiều hạn chế, chưa đem lại hiệu quả. Do đó, cần tiếp tục hoàn thiện các chính sách liên quan đến thuế nhập khẩu, các chính sách quy hoạch phát triển khu công nghiệp, cũng như nâng cao năng suất lao động, nhằm tạo thuận lợi hơn nữa cho việc tiếp nhận dòng vốn đầu tư đang dịch chuyển vào Việt Nam.
Hay nói cách khác, phải đổi mới cơ bản toàn bộ hoạt động, từ xúc tiến đầu tư, xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách về đầu tư nước ngoài phù hợp xu hướng phát triển, tiếp cận chuẩn mực tiên tiến và hài hòa với các cam kết quốc tế, bảo đảm sự đồng bộ, nhất quán, công khai, minh bạch và có tính cạnh tranh cao.
Bên cạnh đó, nhìn từ Ấn Độ, cũng để biết thêm cách để “chơi” với nhà đầu tư nước ngoài, nhất là khi Việt Nam cũng đang thực thi chiến lược “Make in Vietnam”.
Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đỗ Thành Trung, với vị trí địa lý thuận lợi cho các nhà đầu nước ngoài, Chính phủ Việt Nam quyết tâm cao trong việc theo đuổi, phát triển ngành công nghiệp bán dẫn, chíp. Việt Nam đang xây dựng Chiến lược phát triển ngành công nghiệp bán dẫn và hỗ trợ tối đa cho các nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là Mỹ, đầu tư kinh doanh trong chuỗi cung ứng ngành bán dẫn tại Việt Nam.
TS. Bùi Duy Tùng, Đại học RMIT Việt Nam nhận định, sức hấp dẫn của Việt Nam trong việc thu hút FDI hiện tại vẫn mạnh mẽ. Những yếu tố hấp dẫn chính của Việt Nam bao gồm ổn định chính trị, tăng trưởng kinh tế, dân số trẻ và ngày càng đô thị hóa, chi phí lao động cạnh tranh, nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) và nguồn cung cấp điện ổn định với giá cả phải chăng.
Để duy trì sức hấp dẫn và cạnh tranh, Việt Nam cần cải cách chính sách thuế, thành lập các quỹ hỗ trợ đầu tư trực tiếp, cải thiện môi trường kinh doanh, phát triển cơ sở hạ tầng và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Điều chỉnh các luật thuế để phù hợp với thuế tối thiểu toàn cầu, đảm bảo rằng, Việt Nam có thể giữ lại phần thuế bổ sung thay vì để nó chuyển đến một quốc gia khác.
Ngày 31/7, tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam-Ấn Độ do Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam, Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ và Liên đoàn các phòng Thương mại và công nghiệp Ấn Độ tổ chức nhân chuyến thăm chính thức Ấn Độ của Thủ tướng Phạm Minh Chính, Thủ tướng khuyến khích các doanh nghiệp Ấn Độ mở rộng hợp tác đầu tư vào các lĩnh vực Ấn Độ có thế mạnh và Việt Nam có nhu cầu thu hút và ưu tiên cao như: Công nghệ cao, điện tử, khoa học công nghệ, trí tuệ nhân tạo (AI), xây dựng kết cấu hạ tầng, năng lượng tái tạo, năng lượng mới (hydrogen), công nghệ sinh học, đổi mới sáng tạo, nông nghiệp công nghệ cao, dược phẩm… |
Ấn Độ hiện có 410 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký 1,03 tỷ USD, đứng thứ 25/146 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam. Trong khi đó, Việt Nam đã đầu tư sang Ấn Độ 16 dự án với tổng số vốn đầu tư là hơn 14 triệu USD, chưa tính đầu tư của Tập đoàn Vingroup tại Ấn Độ. |
Nguồn: https://baoquocte.vn/vut-sang-tro-thanh-ngoi-sao-trong-thu-hut-fdi-cua-the-gioi-viet-nam-co-the-hoc-hoi-duoc-kinh-nghiem-gi-tu-an-do-280812.html