Kiên Giang có hơn 600 điểm cầu trực tuyến với gần 18.000 cán bộ, giáo viên, nhân viên dự chương trình. Điểm cầu Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Kiên Giang, đồng chí Trần Quang Bảo – Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì.
Đại biểu tham dự chương trình “Bộ trưởng gặp gỡ nhà giáo, cán bộ quản lý, nhân viên ngành giáo dục và đào tạo năm 2023” tại điểm cầu Sở Giáo dục và Đào tạo Kiên Giang.
Đồng chí Nguyễn Kim Sơn – Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết đây là cuộc gặp gỡ, trao đổi giữa Bộ trưởng, lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo, các cục, vụ với toàn thể nhà giáo để gần nhau hơn, để thấu hiểu tâm tư, nguyện vọng, cùng chia sẻ để tăng thêm sức mạnh chung.
Cô Đỗ Thị Hoàng Mỹ – giáo viên tiếng Anh, Trường Trung học phổ thông chuyên Huỳnh Mẫn Đạt (TP. Rạch Giá) trong giờ ôn thi tốt nghiệp cho học sinh lớp 12 năm học 2022-2023.
Kết luận buổi gặp gỡ, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn ghi nhận, biểu dương, gửi lời cảm ơn sâu sắc sự ủng hộ của các nhà giáo đối với lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo, với những quyết sách của Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng như nỗ lực vượt qua khó khăn, thử thách trong suốt thời gian qua, nhất là trong thời gian vừa chống dịch COVID-19 vừa bảo đảm thực hiện nhiệm vụ dạy học.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo xác định phát triển đội ngũ nhà giáo là nhân tố quan trọng, là nền tảng bền vững, quyết định nhất để hoàn thành nhiệm vụ đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục. Phát triển đội ngũ nhà giáo là giải pháp của mọi giải pháp.
Để triển khai thật tốt chương trình giáo dục phổ thông 2018, Bộ trưởng mong các nhà giáo tự đổi mới mình từ quan niệm, nhận thức, đến phương pháp, không sợ hãi, e ngại, né tránh. Đổi mới là một quá trình nên theo Bộ trưởng cần tiến hành dần từng bước. Bộ trưởng cho rằng thay đổi theo chương trình giáo dục phổ thông 2018 muốn đạt được chiều sâu, thực chất, cần đổi mới ở từng thành tố, từng môn học; cần phải thay đổi việc dạy học, kiểm tra, đánh giá ở từng môn, không loại trừ môn học nào.
Giáo viên cần thay đổi quan niệm, cách sử dụng sách giáo khoa. Theo đó, ở sự thay đổi lớn lần này, chương trình là duy nhất, thống nhất toàn quốc; sách giáo khoa là học liệu. Do đó, cần sử dụng sách giáo khoa chủ động, không lệ thuộc, coi đó là công cụ.
Về vai trò của hiệu trưởng, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh, nếu hiệu trưởng không đổi mới thì sự thay đổi của giáo viên sẽ rất khó khăn và có thể dẫn đến xung đột. Hiệu trưởng phải là người dẫn dắt, tập hợp, hỗ trợ, phục vụ đồng nghiệp của mình.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết thời gian tới Bộ Giáo dục và Đào tạo rà soát các chính sách và việc xây dựng Luật Nhà giáo có thể tạo chuyển biến tích cực về thể chế.
Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ làm nhiều việc để sao cho hai khối giáo dục công và tư được bình đẳng trong thực tế; tiếp tục kiến nghị, làm việc với các bộ, ngành về tăng phụ cấp ưu đãi, tìm mọi cách nâng nguồn thu nhập cho đội ngũ giáo viên, tăng cường cơ sở vật chất, điều kiện làm việc, nhà ở công vụ cho giáo viên, chăm lo cho đối tượng đặc biệt, đội ngũ ở vùng sâu, vùng xa; sửa đổi Thông tư 16/2017/TT-BGDĐT, ngày 12-7-2017 về hướng dẫn danh mục khung vị trí việc làm và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục phổ thông công lập…
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn mong các nhà giáo kiên định với mục tiêu đổi mới và các định hướng mang tính chiến lược của ngành. Kiên trì, thuyết phục và vận động phụ huynh, xã hội để cùng chia sẻ, đồng hành cùng ngành giáo dục và đào tạo. Kiên quyết chống biểu hiện lạc hậu, bảo thủ, tiêu cực và kiên quyết theo đuổi mục tiêu chất lượng, phát triển con người. Kiên trinh với nghề giáo dục, vinh quang của nghề và vượt qua mọi khó khăn để thi đua dạy tốt, học tốt.
Tin và ảnh: BÍCH TUYỀN