Kết thúc phiên giao dịch 3/10 trên thị trường Mỹ (rạng sáng 4/10 giờ Việt Nam), cổ phiếu của Meta Platforms – công ty mẹ của Facebook – tăng hơn 1,7% lên gần 582 USD/cp. Đây là mức giá cao lịch sử của cổ phiếu này, qua đó giúp giá trị tài sản ròng của ông Mark Zuckerberg tăng gấp hơn 6 lần trong chưa đầy 2 năm.
Ông chủ Facebook Mark Zuckerberg hiện sở hữu 13% Meta, vượt CEO và chủ tịch Amazon Jeff Bezos, vươn lên vị trí giàu thứ hai thế giới, chỉ sau tỷ phú Elon Musk của hãng ô tô điện Tesla theo xếp hạng của Bloomberg Billionaires Index.
Vào cuối tháng 9, tài sản của Mark Zuckerberg lần đầu vượt ngưỡng 200 tỷ USD. Đến nay, nhà sáng lập mạng xã hội Facebook có hơn 206 tỷ USD, tăng 78 tỷ USD so với đầu năm 2024.
Jeff Bezos hiện có tài sản hơn 205 tỷ USD.
Mark Zuckerberg chỉ còn thua Elon Musk khoảng 50 tỷ USD.
Đây có thể coi là kỳ tích của Mark Zuckerberg trong bối cảnh Meta Platforms rơi vào hai cuộc khủng hoảng lớn chưa từng có, ngang ngửa với cú chào sàn chứng khoán Nasdaq – thương vụ phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) của Facebook hồi giữa năm 2012.
Tới 3/10, Meta Platforms có vốn hóa 1.470 tỷ USD.
Hai cú sốc của Facebook
Cú sốc đầu tiên đẩy gã khổng lồ Facebook vào thời khắc sống còn là bê bối 50 triệu tài khoản Facebook bị Cambridge Analytica (CA) khai thác bất hợp pháp, được cho là để phục vụ cho chiến dịch chính trị; trong đó có cuộc tranh cử của ứng viên Tổng thống đảng Cộng hòa Donald Trump và cuộc trưng cầu dân ý đưa Anh tới quyết định rời xa Liên minh châu Âu (Brexit).
Vụ việc khiến cả thế giới phẫn nộ và thu hút sự chú ý của dư luận bởi cách dữ liệu cá nhân của người dùng bị thu thập và lợi dụng.
Ảnh hưởng của vụ việc tới Facebook là rất lớn. Cổ phiếu Facebook có phiên lao dốc 19%, tương đương 119 tỷ USD vốn hóa bị thổi bay (ngày 26/7/2018). Đây cũng là vụ bốc hơi lớn nhất trong lịch sử chứng khoán Mỹ tính tới thời điểm đó. Riêng CEO Mark Zuckerberg mất 12 tỷ USD chỉ trong vòng một ngày, đưa tài sản của ông chủ này xuống còn 74 tỷ USD, xuống số 5 thế giới.
Giá cổ phiếu Facebook tiếp tục giảm, tới tháng 12/2018 còn khoảng 125 USD/cp so với mức 210 USD/cp hồi giữa tháng 7 cùng năm.
Cú sụt giảm này là hậu quả sau vụ scandal Cambridge Analytica, cộng gộp với các thông tin tệ hại như doanh thu sụt giảm và 8 người nội bộ, trong đó Zuckerberg bán tổng cộng 3,9 tỷ USD giá trị cổ phiếu.
Cú sốc thứ hai là vụ Facebook (đổi tên thành Meta) tụt giảm doanh thu 10 tỷ USD hồi năm 2021 vì những thay đổi về quyền riêng tư của Apple. Hệ thống quảng cáo trực tuyến của Facebook bị sụt giảm nghiêm trọng khi Apple giới thiệu bản cập nhật quyền riêng tư iOS làm suy yếu khả năng theo dõi người dùng trên web.
Điều gì giúp Facebook hồi sinh?
Sở dĩ cổ phiếu Meta Platforms – công ty mẹ của Facebook – tăng mạnh gần đây là bởi giới đầu tư phố Wall liên tục đổ tiền vào mã chứng khoán này, khi Meta không ngừng báo cáo kết quả kinh doanh các quý liên tục vượt dự báo của các nhà phân tích.
Hồi tháng 7 vừa qua, Meta cho biết doanh thu quý II tăng 22% lên gần 39,1 tỷ USD, đánh dấu quý thứ tư liên tiếp doanh thu có tốc độ tăng trưởng vượt 20%.
Sau “cú sốc Apple” và doanh thu tụt giảm, cuối năm 2022, Zuckerberg đưa ra một kế hoạch cắt giảm chi phí lớn kéo dài sang năm 2023. Tổng cộng, 21.000 nhân viên, tương đương khoảng 25% lực lượng lao động của Facebook, đã bị cho thôi việc.
Meta cũng khá may mắn khi hoạt động quảng cáo trực tuyến phục hồi mạnh mẽ nhờ sự xuất hiện và “oanh tạc” của hai ông lớn thương mại điện tử Trung Quốc Temu và Shien.
Ông chủ Temu, Colin Huang nhanh chóng vượt tỷ phú Jack Ma của Alibaba trong năm 2024, qua đó trở thành người giàu nhất Trung Quốc với khối tài sản đạt gần 49 tỷ USD tính tới 12/8.
Temu làm mưa gió ở thị trường Mỹ, gần đây là châu Âu với việc bán các sản phẩm giá rẻ cùng các chương trình khuyến mãi lớn. Tất nhiên, chi phí chính của ông lớn Temu là quảng cáo trực tuyến, mang đến một lượng tiền lớn cho Facebook.
Cú đặt cược lớn vào lĩnh vực vũ trụ ảo (metaverse) của Mark Zuckerberg từng bị xem là một sai lầm, nhưng giờ đây lại được coi là có triển vọng, có thể mang lại “trái ngọt” cho ông chủ Meta.
Tuần trước, Meta ra mắt kính tăng cường thực tế ảo Orion AR và nhận được nhiều đánh giá tích cực. AR Orion đã tạo nên cơn sốt cho cộng đồng không chỉ với thiết kế thời trang, đẹp mắt mà còn tích hợp nhiều công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) hiện đại, hệ thống máy tính nhỏ gọn, được tích hợp thêm kết nối, camera cùng màn hình hiển thị. AR Orion của Meta có thể sẽ là tương lai của điện toán.
AR Orion là đại diện cho sự phát triển của Meta từ một công ty mạng xã hội thành một công ty metaverse – được cho là thế hệ tiếp theo của Internet, một sự kết hợp chặt chẽ và chân thực giữa thế giới vật lý và thế giới số.
Nguồn: https://vietnamnet.vn/vuot-qua-2-cu-soc-ong-chu-facebook-vot-len-giau-thu-2-the-gioi-2328700.html