Tháng 11, trời trở lạnh, nhưng trong tâm hồn cô học trò nhỏ Y Luy là sự ấm áp khi mùa đông này gia đình em được sum vầy trong căn nhà mới. Không riêng Y Luy, nhiều em nhỏ của 8 gia đình khác cũng được tránh rét trong những mái ấm “thắp” lên từ tấm lòng của các thầy cô trên địa bàn huyện Ngọc Hồi, Kon Tum.
Gieo chữ trên những triền núi ở Kon Tum, thầy cô giáo có những nỗi buồn chỉ biết gửi theo gió, giữ lại niềm vui, lòng yêu nghề để thắp sáng tương lai cho những đứa trẻ vùng cao. Cùng với việc miệt mài cõng chữ về các điểm trường làng, các thầy cô còn chung sức tham gia nhiều hoạt động để giúp đời sống các em học sinh ngày một tốt hơn.
Ngôi nhà “1.000 đồng”
Khi được hỏi về những việc làm ý nghĩa của trường, cô Hoàng Thị Hòa – Hiệu trưởng Trường Tiểu học số 2 thị trấn Plei Kần cười khiêm tốn: “Có gì to tát đâu, các thầy cô cùng tiết kiệm 1.000 đồng mỗi tháng để đóng góp xây nhà cho các em học sinh nghèo. 1.000 đồng tuy nhỏ bé, nhưng biết cách sử dụng, tiết kiệm thì mang lại nhiều việc ý nghĩa, lớn lao vô cùng. Năm học 2023-2024, nhà trường đã dùng số tiền tiết kiệm từ mô hình “Tiết kiệm làm theo lời Bác, mỗi ngày 1.000 đồng” góp phần cùng ngành Giáo dục huyện Ngọc Hồi hỗ trợ xây dựng được 9 mái ấm mới cho các gia đình có hoàn cảnh khó khăn về nhà ở”.
Cán bộ, giáo viên, nhân viên Trường Tiểu học Số 2 thị trấn Plei Kần thực hiện mô hình “Tiết kiệm làm theo lời Bác, mỗi ngày 1.000 đồng”.
Mô hình “Tiết kiệm làm theo lời Bác, mỗi ngày 1.000 đồng” được Trường Tiểu học số 2 thị trấn Plei Kần xây dựng vào năm học 2019- 2020 khi thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, Kết luận 01-KL/TW của Bộ Chính trị và chuyên đề của tỉnh về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Mỗi tháng một lần, 46 cán bộ, giáo viên, nhân viên trong nhà trường lại gói ghém yêu thương gửi gắm vào chú heo đất của nhà trường. Ai nấy đều mong rằng, những đóng góp nhỏ ấy sẽ mang đến niềm vui lớn cho những mảnh đời khó khăn.
Để mô hình được duy trì đều đặn, hiệu quả, đòi hỏi “đầu tàu” là cô Hoàng Thị Hòa phải gương mẫu đi đầu, tiếp đến là các thầy, các cô giáo. Một người tiết kiệm 1.000 đồng mỗi ngày tuy không lớn, nhưng nhiều người cùng tiết kiệm qua nhiều ngày sẽ thành số tiền lớn và có thể tạo ra việc làm ý nghĩa vô cùng.
Cô Hoàng Thị Hòa tâm sự: “Những năm trước, nhà trường thường dùng tiền tiết kiệm để đỡ đầu các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn trong trường. Hằng tháng, nhà trường sẽ mua nhu yếu phẩm, quần áo để đến thăm, động viên các em vươn lên trong học tập. Năm học 2023-2024, khi cụm trường thị trấn Plei Kần (huyện Ngọc Hồi) kêu gọi ủng hộ xây nhà cho em Y Luy (lớp 4, Trường Tiểu học Trần Quốc Toản, thị trấn Plei Kần), trường đã trích gần 8,1 triệu đồng từ quỹ tiết kiệm này để cùng 7 trường khác trong cụm xây dựng ngôi nhà 50 triệu đồng”.
Chúng tôi đến thăm ngôi nhà nhỏ của em Y Luy tại thôn 5, thị trấn Plei Kần. Ngoài trời, gió không ngừng thổi. Những đứa nhỏ nô đùa ríu rít bên trong căn nhà rộng gần 45m2 còn thoang thoảng mùi vôi mới khiến ai cũng thấy ấm lòng.
Chị Y Loan (mẹ Y Luy) nhìn các cô bằng ánh mắt trìu mến, biết ơn. “Sau nhiều năm chật vật sinh sống trong ngôi nhà ọp ẹp, giờ đây tôi có thể nhìn những đứa con được học tập, chơi đùa trong căn nhà kiên cố và trong lòng luôn biết ơn các thầy cô. Tôi luôn dặn các con phải cố gắng học tập tốt để không phụ lòng thầy cô, cha mẹ, sau này trở này những công dân có ích cho xã hội”, chị Y Loan xúc động nói.
Cô Hoàng Thị Hòa bộc bạch: “Mái ấm của em Y Luy được hình thành từ sự tiết kiệm, đoàn kết của các trường cụm thị trấn. Hiện nhà trường đang dùng quỹ tiết kiệm để hỗ trợ 4 em sinh có hoàn cảnh khó khăn trong trường mỗi tháng 300.000 đồng”.
Ngoài Y Luy, còn 8 mái ấm ở xã Đăk Ang (huyện Ngọc Hồi) cũng được giáo viên các trường ở thị trấn Plei Kần chung tay với các trường thuộc các xã trên địa bàn huyện Ngọc Hồi xây dựng.
Chung một tấm lòng
Nắng rợp vàng khắp nẻo đường dẫn đến xã Đăk Ang. Tan giờ học, cậu học trò A Bloong Khánh (lớp 4, Trường Tiểu học xã Đăk Ang) tung tăng trở về ngôi nhà mới nằm ở cuối thôn Đăk Giá 1. Thấy tôi vào nhà, A Bloong Khánh dè chừng, nhưng khi thấy anh Nguyễn Đình Liễu – Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Đăk Ang đi sau, cậu bé vui vẻ mời chúng tôi vào nhà. Bởi Khánh biết, anh Liễu là người thường xuyên sâu sát, hỗ trợ bố mẹ mình trong việc xây dựng nhà suốt thời gian qua.
Tiếp khách trong ngôi nhà mới, chị Y Sinh (mẹ A Bloong Khánh) bày tỏ: “Được chính quyền vận động xóa nhà tạm, đồng thời hỗ trợ 25 triệu đồng, gia đình chúng tôi có thêm động lực để dùng số tiền tiết kiệm trước đó, vay mượn thêm từ người thân để xây dựng một ngôi nhà kiên cố gồm 2 phòng ngủ, 1 phòng khách rộng hơn 50m2 trị giá 140 triệu đồng. Mùa lạnh năm nay, các con tôi có chỗ ăn, chỗ học đàng hoàng, vợ chồng tôi cũng yên tâm, tập trung làm ăn để phát triển kinh tế”.
Mái ấm của chị Y Sinh là 1 trong 8 mái ấm ở xã Đăk Ang được xây dựng từ sự đóng góp của các thầy cô giáo ngành Giáo dục huyện Ngọc Hồi. Những tấm lòng ấy được bắt nguồn từ lá thư ngỏ của Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Đăk Ang vào đầu năm 2023 về việc ủng hộ xóa nhà tạm.
Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Nguyễn Đình Liễu, cho biết đầu năm 2023, qua rà soát, toàn xã còn 33 hộ nghèo, cận nghèo phải sinh sống trong những căn nhà tạm, dột nát. Hưởng ứng Phong trào “Cả nước chung tay xây dựng nông thôn mới”, Mặt trận xã đã gửi thư ngỏ đến các cơ quan, ban, ngành, doanh nghiệp trong và ngoài địa bàn huyện để kêu gọi sự ủng hộ.
Nhận được thư ngỏ, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Ngọc Hồi đã triển khai đến 30 trường công lập trực thuộc trên địa bàn và được sự đồng tình, hưởng ứng tích cực. Mỗi trường một cách làm khác nhau, có trường trích tiền từ quỹ tiết kiệm hàng tháng, có trường, giáo viên cùng đóng góp 1 ngày lương hay có trường nhận ủng hộ trên tinh thần tự nguyện. Dù triển khai cách nào nhưng kết quả vẫn chung một tấm lòng, hướng đến những mái ấm cho học trò nghèo.
Thầy Nguyễn Viết Khoa – Phó Hiệu trưởng Trường PTDTBT THCS Ngô Quyền (xã Đăk Ang), cho biết việc ủng hộ hoàn toàn dựa trên tinh thần tự nguyện, mỗi giáo viên có một hoàn cảnh riêng nhưng đều chung một tấm lòng nhân ái. 32 cán bộ, giáo viên, nhân viên đã đóng góp được 12,4 triệu đồng, cùng ngành Giáo dục huyện xóa nhà tạm.
Thầy Kiều Quốc Tường – Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Ngọc Hồi thôn tin, qua một thời gian triển khai, Phòng đã tiếp nhận 180 triệu đồng từ các trường công lập trên địa bàn huyện, và bàn giao trực tiếp số tiền này cho Đảng ủy, UBND xã Đăk Ang để phục vụ công tác xóa nhà tạm trên địa bàn. Những người làm công tác gieo chữ trên địa bàn huyện mong muốn số tiền trên sẽ góp phần mang lại cuộc sống ổn định cho nhiều gia đình khó khăn.
Với số tiền 180 triệu đồng, Đảng ủy, UBND xã đã giao cho Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Đăk Ang trực tiếp phân bổ, lựa chọn các hộ phù hợp. Theo Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Nguyễn Đình Liễu, lúc đầu, mong muốn của ngành Giáo dục là hỗ trợ 6 gia đình, mỗi hộ 30 triệu đồng. Tuy nhiên, xã đã tính toán, cố gắng hỗ trợ thêm nhiều hoàn cảnh khó khăn từ số tiền trên. Để tạo động lực cho người dân xóa nhà tạm, xã đã lựa chọn 6 gia đình trẻ thuộc diện hộ nghèo có chí vươn lên, hỗ trợ mỗi hộ 25 triệu đồng; chọn 2 hộ cận nghèo hỗ trợ mỗi hộ 15 triệu đồng.
“Nhận được tiền hỗ trợ, các hộ gia đình đã mạnh dạn vay thêm tiền từ người thân, Ngân hàng CSXH để xây dựng mái ấm cho gia đình. Giờ đây, những căn nhà do ngành Giáo dục huyện hỗ trợ cơ bản đã hoàn thiện. Sẵn sàng đón một năm mới hạnh phúc, rộn ràng niềm vui trong mái ấm nhỏ” – anh Nguyễn Đình Liễu bày tỏ.
Có thể thấy, những tấm lòng nhỏ với những đóng góp nhỏ đã tạo ra việc làm ý nghĩa vô cùng lớn. Những mái ấm được xây dựng từ những giọt mồ hôi của những người làm công tác gieo chữ, từ sự tiết kiệm nhỏ mỗi ngày khi học tập và làm theo lời Bác dạy đã góp phần xây dựng nông thôn mới ở địa phương, xây dựng huyện Ngọc Hồi ngày càng giàu đẹp.
Nguồn: https://danviet.vn/vuot-doc-da-gieo-con-chu-tren-vung-bac-tay-nguyen-2024111710513382.htm