Làng Trùa Sơn (huyện Đô Lương, Nghệ An) còn được gọi là làng nồi, xưa thuộc Trù Ú cách thi trấn Đô Lương, tỉnh Nghệ An khoảng 20 km về phía đông nam. Người thợ gốm Trù sơn công cụ chính là hai bàn tay và 1 cái bàn xoay với 1 số cật nứa để ” khót ” để làm mịn sản phẩm gốm. Vật liệu để nung gốm gồm lá cây và rơm rạ sãn có. Sản phẩm gốm trù sơn có khoảng 30 loại nồi. Người thợ ở đây họ vẫn giữ được nét nghề của cha ông truyền lại cho đến ngày nay …
Quý vị hãy cùng tác giả Lê Quang Dũng đến thăm và trải nghiệm nghề làm nồi đất tại xã Trù Sơn, qua bộ ảnh “Vương Quốc nồi đất”. Bộ ảnh được tác giả gửi tham dự Cuộc thi Ảnh và Video Việt Nam hạnh phúc – Happy Vietnam, do Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức.
Không ai nhớ nghề làm nồi đất ở Trù Sơn có từ khi nào, chỉ biết nghề được lưu truyền qua nhiều thế hệ.
Để làm được một chiếc nồi đất phải qua rất nhiều công đoạn. Đất được cắt xắn, đâm nhỏ rồi nhào trộn thật nhuyễn, nhặt bỏ tạp chất. Đất đã nhồi kĩ được cho lên bàn xoay để tạo hình.
Các sản phẩm Trù Sơn giữ được nét cơ bản của gốm cổ, đi vào đời sống thường nhật của nhân dân.
Các sản phẩm được đem đi phơi nắng, sau đó đưa vào lò nung. Để nung nồi, người ta thường đắp những lò nung ngoài trời hình tam giác, lò nung đa phần được xây bằng đá ong. Lò có nhiều cửa để dễ đốt và kiểm soát được lửa, các nghệ nhân trong quá trình đốt vẫn chất thêm nồi để tận dụng tối đa diện tích, mang lại hiệu quả kinh tế. Nung nồi là khâu quan trọng nhất, quyết định đến thành công và chất lượng của sản phẩm.
Điều khiến nhiều người dân ưa chuộng những chiếc nồi đất ở Trù Sơn chính là khi sử dụng sản phẩm này để đun nấu thức ăn hoặc nấu thuốc đều giữ nguyên được hương vị vốn có của nó. Có lẽ bởi thế mà nó đã được chọn làm “tấm áo” của món cá kho làng Vũ Đại, một điểm nhấn trong làng ẩm thực Việt, dù làng nghề gốm và “làng nghề cá” ở xa nhau vài trăm cây số.
Đến nay, trải qua bao thế hệ, dù có thăng trầm nhưng những người thợ vẫn say nghề, say đất để giữ gìn nét đẹp truyền thống của làng gốm cổ.