Bê tông được làm từ nước trộn với các vật liệu như cát và sỏi, được liên kết với nhau bằng xi măng – và chính xi măng là nguyên nhân lớn nhất tạo ra lượng khí thải carbon.
Xi măng Portland là loại phổ biến nhất và được sản xuất bằng cách nung đá vôi và một số loại nguyên liệu khác trong lò nung. Theo Chatham House, hơn 4 tỷ tấn xi măng đã được sản xuất vào năm 2021, đóng góp 8% lượng khí thải CO2 toàn cầu. Do áp lực khử carbon đối với ngành xây dựng, các nhà nghiên cứu trên khắp thế giới đang tìm cách làm cho bê tông “xanh” hơn.
Sam Draper, một nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Đại học Hoàng gia London và đồng nghiệp là nhà nghiên cứu Barney Shanks đã nghĩ ra một cách tạo ra loại xi măng mà họ cho rằng có thể tạo ra bê tông trung tính carbon.
Quá trình của họ bắt đầu với một khoáng chất phổ biến gọi là olivine, chúng được phân tách thành magiê và silica. Silica sau đó được sử dụng để thay thế trực tiếp 35-40% xi măng Portland được sử dụng trong bê tông.
Trong khi đó, magiê được kết hợp với cacbon dioxide (CO2) để tạo ra magie cacbonat, sau đó có thể được sử dụng làm vật liệu xây dựng bao gồm cả các vật liệu thay thế cho gạch nung đất sét và tấm thạch cao.
Draper nói, bê tông được sản xuất theo cách này trung hòa carbon, trong magie cacbonat là một kho chứa carbon ổn định.
Sau khi bắt đầu thử nghiệm vào năm 2020, Draper và Shanks đã thành lập công ty có tên Seratech vào năm 2021. Giờ đây, họ chỉ còn vài tuần nữa là chính thức tách công ty khỏi Đại học Hoàng gia và có thể gây quỹ tư nhân cho một cơ sở thí điểm lớn hơn, nơi có thể sản xuất vài tấn xi măng một tuần.
Draper cho biết xi măng của Seratech hoạt động tốt như xi măng Portland “tiêu chuẩn vàng”, đồng thời nói thêm rằng điều này rất quan trọng để được ngành xây dựng chấp nhận.
Năm ngoái, công ty đã giành được Giải thưởng Obel, một giải thưởng quốc tế “thúc đẩy kiến trúc phục vụ con người và hành tinh”.
Mô tả về những người chiến thắng, Giải thưởng Obel cho biết: “Với lượng khí thải carbon khổng lồ của ngành xây dựng, quy trình của Seratech có khả năng giảm đáng kể lượng khí thải phát sinh trên toàn cầu và hỗ trợ xây dựng ít carbon trong tương lai”.
Mai Anh (theo CNN)