Thi công đứt đoạn, chờ dời đường điện
Theo tìm hiểu của PV Báo Giao thông, vị trí vướng hạ tầng kỹ thuật đường điện cao thế thuộc đoạn do Công ty TNHH MTV Cơ khí và Xây dựng Thiên An thi công.
Anh Phan Văn Hạnh, Chỉ huy trưởng công trình, Công ty TNHH MTV Cơ khí và Xây dựng Thiên An cho biết, gói thầu do công ty thực hiện có tổng chiều dài 3,5km. Đến nay, tiến độ thi công đạt 41%.
Hiện tại công trường, công ty bố trí 150 công nhân cùng 37 máy móc, thiết bị để thi công cầu, kết cấu dầm sàn liên tục và đắp cát nền đường.
“Việc làm cầu và đắp cát nền đường đến thời điểm này cơ bản thuận lợi. Riêng thi công kết cấu dầm sàn liên tục, nhà thầu đang gặp khó do tại vị trí này vướng đường điện cao thế cắt chéo qua tuyến”, anh Hạnh cho biết.
Cũng theo anh Hạnh, tại vị trí thi công có 682m thực hiện kết cấu dầm sàn liên tục với 14 liên. Trong đó, có khoảng 30m với hai liên là 8 và 9 không thể thi công do vướng hạ tầng kỹ thuật.
Vị trí vướng đường điện cao thế thuộc xã Nhị Mỹ, huyện Cao Lãnh. Việc chưa di dời được hạ tầng kỹ thuật khiến nhà thầu không thể thi công dầm sàn liên tục, buộc phải bỏ đoạn, chờ ngành chức năng di dời mới có thể tiếp tục thi công.
“Để đảm bảo tiến độ, nhà thầu đang rất nỗ lực thi công. Chúng tôi rất mong đường điện cao thế được di dời vào cuối tháng 7. Được vậy, việc thi công mới có thể thuận lợi”, anh Hạnh nói.
Còn một vị trí cần di dời
Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh Đồng Tháp (chủ đầu tư) cho biết, về hạ tầng kỹ thuật, dự án có 68 vị trí cần di dời.
Hiện tại, đã thực hiện được 67 vị trí, còn vướng một đường dây điện cao thế cắt chéo ngang tuyến.
Ông Lê Văn Chí, Phó giám đốc Công ty Điện lực Đồng Tháp cho biết thêm, vị trí còn vướng dây điện cao thế thuộc ấp Nhị Đông, xã Nhị Mỹ, huyện Cao Lãnh.
Cụ thể, còn trụ 16 đến 17 thuộc đường dây 110kV Cao Lãnh 2 – Tháp Mười chưa di dời.
Hồi cuối năm 2023, Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh Đồng Tháp cũng đã có văn bản gửi Tổng công ty Điện lực Miền Nam về việc thỏa thuận giải pháp kỹ thuật cải tạo nâng cao đường dây 110kV Cao Lãnh 2 – Tháp Mười.
Đến đầu năm 2024, Tổng công ty Điện lực Miền Nam cũng đã có văn bản phúc đáp về việc thống nhất hồ sơ xử lý khoảng cách pha đất đường dây nói trên.
Ông Lê Văn Chí cho biết: “Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh Đồng Tháp đã chọn được nhà thầu thi công và sẽ khởi công vào ngày 9/7 tới đây, sớm hoàn thành việc di dời”.
Dự án thành phần 1 cao tốc Cao Lãnh – An Hữu khởi công ngày 25/6/2023. hiện các nhà thầu đang nỗ lực thi công bù tiến độ sau khi được tỉnh cấp mỏ cát theo cơ chế đặc thù hồi giữa tháng 5 vừa qua.
Cao tốc Cao Lãnh – An Hữu có điểm đầu giao với tuyến cao tốc Mỹ An – Cao Lãnh tại huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp. Điểm cuối giao với tuyến cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang.
Trong đó, dự án thành phần 1 có chiều dài 16km đi qua địa bàn tỉnh Đồng Tháp, có tổng mức đầu tư hơn 3.600 tỷ đồng. Dự án thành phần 2 dài 11,4km nằm trên địa phận tỉnh Tiền Giang và Đồng Tháp với mức đầu tư trên 2.200 tỷ đồng.
Quy mô mặt cắt ngang giai đoạn hoàn chỉnh đạt tiêu chuẩn đường cao tốc bốn làn xe. Mặt cắt ngang giai đoạn 1 phân kỳ đầu tư quy mô bốn làn xe, với bề rộng nền đường 17m, vận tốc khai thác 80km/h.
Nguồn: https://www.baogiaothong.vn/vuong-duong-dien-cao-the-cao-toc-cao-lanh-an-huu-thi-cong-dut-doan-192240704162600269.htm