KIÊN GIANG Vào mùa thu hoạch trái cây, các khu vườn dọc theo các tuyến sông trở nên nhộn nhịp, thương lái đến thu mua, du khách đến trải nghiệm, thưởng thức đặc sản hái tại vườn.
Nhộn nhịp mùa trái chín
Trung tâm Khuyến nông Kiên Giang vừa phối hợp với huyện Giồng Riềng (Kiên Giang) tổ chức Ngày hội thu hoạch nông sản năm 2024, thu hút đông đảo nhà vườn, nông dân trong tỉnh tham dự. Nơi tổ chức là khu vườn của các xã viên Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ Nông dân làm vườn Chín Ghì (ấp Chín Ghì, xã Ngọc Hòa, huyện Giồng Riềng). Hiện đang là mùa trái chín nên các nhà vườn rất nhộn nhịp.
Theo chân cán bộ Tổ Kinh tế kỹ thuật (khuyến nông cơ sở) xã Ngọc Hòa, chúng tôi len lỏi vào những vườn cây trồng xen canh măng cụt và sầu riêng. Nhiều vườn cây đã có tuổi đời 30 – 40 năm, cành lá sum suê, trĩu quả. Có những cây sầu riêng đeo trên mình hàng trăm quả. Mùi sầu riêng chín cây phảng phất quanh vườn, thu hút những người yêu thích lần tìm theo ngược chiều hướng gió.
Ông Tám Chiến (Phan Thanh Chiến) – thành viên HTX Dịch vụ Nông dân làm vườn Chín Ghì có hơn 1ha vườn cây ăn trái. Trong vườn ông Tám Chiến đều là cây lâu năm nhưng rất sung sức, với 25 gốc sầu riêng và 120 gốc măng cụt. Theo ông Chiến, từ những năm 70, 80 của thế kỷ trước, nông dân nơi đây đã chuyển đổi từ trồng lúa sang khóm (dứa), mía, rồi đến cây ăn trái ổn định cho đến nay. Đặc điểm của cây sầu riêng, măng cụt trồng từ hạt phải mất 8 – 10 năm mới bắt đầu cho trái nên cây 30 – 40 năm tuổi đang là “thời kỳ vàng” cho thu hoạch.
Ông Chiến cho biết, cây măng cụt mỗi năm ra bông 2 đợt vào tháng chạp năm trước và tháng giêng năm sau. Cây đơm hoa, kết trái khoảng 4 tháng là bắt đầu có trái chín và cho thu hoạch liên tục khoảng 1,5 tháng. Cứ cách ngày thu hoạch 1 lần, cây trưởng thành khi mới vào vụ thu từ 1 – 2kg/gốc/lần và tăng dần lên khi chín rộ khoảng 8 – 10kg/gốc.
Giá măng cụt bán tại vườn hiện nay bình quân 60.000 đồng/kg, nhà vườn bán cho thương lái mang đi tiêu thụ bình quân khoảng 40.000 đồng/kg (giá thường từ 35.000 – 45.000 đồng/kg, tùy thời điểm). Với 1ha trồng 120 gốc măng cụt, mỗi năm ông Chiến có doanh thu tối thiểu 200 triệu đồng, trừ chi phí còn lãi khoảng 150 triệu đồng.
Ngoài ra, ông Chiến còn có thêm thu nhập từ sầu riêng, cá, ốc nuôi dưới mương vườn. Sầu riêng giống truyền thống có hạt to, cơm mỏng nhưng ăn rất thơm, ngon, quả chín cây tự nhiên hiện nhà vườn bán tại chỗ 60.000 đồng/kg, giống Ri6 giá 90.000 đồng/kg. Mỗi gốc sầu riêng cho thu hoạch cả trăm kg, trong khi chi phí đầu tư, chăm sóc không nhiều.
Ông Chiến bảo: “Làm vườn cây ăn trái nhàn hơn nhiều so với trồng lúa hay khóm, mía nhưng thu nhập lại ổn định vào cao hơn hẳn. Trước đây tưới cho vườn cây bằng tay, sau tưới máy, còn giờ tưới bằng dàn phun tiết kiệm nước, điều khiển từ xa qua điện thoại thông minh nên không còn phải lao động chân tay nặng nhọc”.
Liên kết làm du lịch cộng đồng
Làm vườn theo hướng hữu cơ, quy trình VietGAP, môi trường trong sạch nên nhiều hộ gia đình đã làm nhà ở ngay trong vườn, làm tum để đón khách du lịch đến tham quan, trải nghiệm. Để tạo sự đoàn kết và phát huy sức mạnh kinh tế tập thể, năm 2016, HTX Dịch vụ Nông dân làm vườn Chín Ghì đã được thành lập với 18 thành viên, diện tích canh tác 21ha.
Ông Nguyễn Văn Tân, Giám đốc HTX Dịch vụ Nông dân làm vườn Chín Ghì cho biết, phát triển kinh tế tập thể, đơn vị thực hiện hợp tác trong 2 khâu gồm trồng, chăm sóc cây ăn trái và thu mua, tiêu thụ trái cây. Để hỗ trợ xã viên, HTX cung ứng vật tư đầu vào và phối hợp với Phòng NN-PTNT, Trạm Trồng trọt – BVTV huyện Giồng Riềng mở các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho các thành viên.
Ngoài ra, HTX còn phối hợp với các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp tổ chức các hội thảo tại vườn để giới thiệu sản phẩm vật tư phục vụ sản xuất cây ăn trái, giới thiệu quy trình sản xuất mới an toàn và hiệu quả hơn…
Những năm gần đây, nông dân huyện Giồng Riềng đã mạnh dạn áp dụng tiến bộ kỹ thuật, chuyển đổi sản xuất theo hướng hữu cơ, giúp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và giá trị gia tăng, nâng cao thu nhập. Trong đó, nổi bật nhất là chương trình sản xuất nông sản theo hướng VietGAP.
Không ít vườn cây ăn trái đất bị suy thoái, chai cứng, không còn hệ vi sinh vật hoạt động do thời gian dài nông dân lạm dụng phân bón vô cơ, thuốc bảo vệ thực vật hóa học. Nhờ thay đổi tập quán canh tác, tăng cường bón phân hữu cơ, bổ sung vi sinh để cải tạo đất, đã phục hồi đất trở lại phì nhiêu, màu mỡ. Cây phát triển tốt, tăng cả về năng suất và chất lượng, giá bán tốt hơn nên tăng được thu nhập. Các nhà vườn khác thấy được những mặt tích cực khi sản xuất theo hướng hữu cơ nên cũng chuyển đổi làm theo.
Giám đốc HTX Dịch vụ Nông dân làm vườn Chín Ghì – ông Nguyễn Văn Tân cho biết: “Áp dụng quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP trên vườn cây ăn trái vừa cho sản phẩm sạch, chất lượng, an toàn với người tiêu dùng, vừa bảo vệ được môi trường, sức khỏe người lao động. Nông sản làm ra có truy xuất nguồn gốc, tạo được niềm tin với người tiêu dùng nên dễ tiêu thụ, giá bán tăng, giúp nâng cao thu nhập cho bà con”.
Vùng đất Ngọc Hòa nằm trải mình dọc ven sông Cái Bé, nguồn nước ngọt dồi dào, được phù sa bồi đắp nên rất thuật lợi cho phát triển vườn cây ăn trái. Ông Nguyễn Quốc Phòng, Chủ tịch UBND xã Ngọc Hòa cho biết, toàn xã có gần 2.200ha đất nông nghiệp, trong đó có 79ha trồng cây ăn trái, còn lại sản xuất lúa và rau màu. Nhờ thổ nhưỡng thuận lợi, nông dân có kinh nghiệm trồng cây ăn trái lâu năm, áp dụng tốt các quy trình kỹ thuật tiên tiến nên tạo ra sản phẩm chất lượng, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Theo ông Phòng, đối với kinh tế vườn, người dân Ngọc Hòa chọn sầu riêng và măng cụt là cây trồng chủ lực, ngoài ra còn xen canh vú sữa, dâu xanh… Đây là những cây trồng lâu năm, đầu tư trồng một lần cho thu hoạch lâu dài, giá cả, đầu ra ổn định nên mang lại thu nhập khá. Những năm gần đây, nông dân đã được tập huấn và chuyển đổi sản xuất theo hướng hữu cơ, áp dụng tiêu chuẩn VietGAP, đầu tư thiết bị tưới tiết kiệm. Qua đó, đã giúp giảm chi phí trong sản xuất, nâng cao giá trị sản phẩm, tiêu thụ trái cây thuận lợi hơn.
Liên kết phát triển kinh tế tập như HTX Dịch vụ Nông dân làm vườn Chín Ghì đã giúp nông dân khắc phục được những hạn chế so với khi sản xuất nhỏ lẻ, manh mún. Các thành viên HTX đã hợp lực, góp đất, áp dụng chung quy trình sản xuất giúp tạo ra sản phẩm hàng hóa lớn, chất lượng đồng nhất, thuận lợi cung cấp cho hệ thống các chợ đầu mới lớn, siêu thị…
Vùng sản xuất cây ăn trái xã Ngọc Hòa còn có lợi thế thuận lợi cả giao thông thủy và bộ, nông dân áp dụng quy trình sản xuất theo hướng hữu cơ, tiêu chuẩn VietGAP nên môi trường trong sạch. Từ đó, xã Ngọc Hòa đã xây dựng kế hoạch xây dựng khu du lịch cộng đồng cắp tuyến sông Cái Bé để khai thác hiệu quả kinh tế vườn, thu hút khách du lịch đến trải nghiệm, giúp tiêu thụ nông sản hiệu quả hơn.
Theo TS Lê Văn Dũng, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Kiên Giang, mục đích tổ chức ngày hội thu hoạch nông sản nhằm gắn kết giữa nhà vườn, người tiêu thụ và khách tham quan du lịch; tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại, trao đổi kinh nghiệm sản xuất cây ăn trái; quảng bá văn hóa miệt vườn, đặc trưng từng loại vườn cây và mùa vụ thu hoạch để nhiều người biết đến. Qua đó giúp nhà vườn tiêu thụ trái cây thuận lợi hơn.
Nguồn: https://nongsanviet.nongnghiep.vn/vuon-trai-cay-huong-huu-co-de-tieu-thu-hut-khach-du-lich-d386837.html