Công ty TNHH Nông nghiệp xanh Mộc An ứng dụng máy móc, công nghệ mới vào sản xuất, đóng gói sản phẩm

Chủ động đổi mới

Công ty cổ phần Đầu tư & phát triển Công Thành chuyên sản xuất, cung cấp sản phẩm tinh dầu NEO 100% từ thiên nhiên đã đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ cao vào sản xuất dược liệu. Công ty đã đầu tư hơn 5 tỷ đồng để mua sắm máy móc, dây chuyền công nghệ chưng cất hơi nước bằng điện để chiết xuất tinh dầu dược liệu hiệu quả. Bà Hoàng Thị Ngọc Lý, Giám đốc điều hành Công ty cho biết, công nghệ này giúp rút ngắn thời gian chưng cất xuống còn khoảng 2,5 giờ đồng hồ, giảm hơn một nửa so với chưng cất truyền thống, giảm bớt công lao động. Đồng thời, kiểm soát tốt các thông số về nhiệt độ, giúp tinh dầu không bị phân hủy, hao hụt và chất lượng tinh dầu luôn ổn định, giữ được mùi đặc trưng, tận thu tối đa hàm lượng tinh dầu có trong dược liệu...

Để đáp ứng nguồn nguyên liệu thường xuyên và chất lượng, công ty đầu tư phát triển vùng nguyên liệu với 11 ha đạt tiêu chuẩn VietGAP, trong đó bạc hà 3ha, tràm gió 5ha và sả 3ha. Công ty còn liên kết sản xuất bao tiêu nguyên liệu dược liệu từ các hộ dân trên địa bàn thị xã Phong Điền với khoảng trên 20ha và trồng 20ha cây cà gai leo, sa nhân tím phục vụ sơ chế, đa dạng sản phẩm cung cấp cho ngành dược.

Với định hướng phát triển khoa học và công nghệ (KH&CN) theo cơ chế thị trường, hướng trọng tâm vào doanh nghiệp, thành phố và ngành KH&CN khuyến khích, thúc đẩy doanh nghiệp cải tiến, đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực hấp thụ công nghệ. Nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trên địa bàn thành phố được ban hành, góp phần tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp về nguồn vốn để hỗ trợ đầu tư nâng cao năng suất, chất lượng, đổi mới công nghệ, xây dựng thương hiệu sản phẩm, hàng hóa và áp dụng hệ thống, mô hình, công cụ cải tiến trong quản lý hiện đại, kết nối khách hàng, tiếp cận thị trường mới, đồng thời tạo sức hút cho các nhà khoa học đầu tư nghiên cứu sáng tạo.

Thời gian qua, nhiều cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn, như yến sào Hoa Sữa, yến sào Anna, ngũ cốc Mộc An, tinh dầu Bé Thơ, tinh dầu Thanh Vui, sâm Bố chính... qua tiếp cận nguồn hỗ trợ của Nhà nước đã chủ động đầu tư máy móc, công nghệ mới vào sản xuất, như chưng cất, chế biến, cải tiến mẫu mã, xây dựng vùng nguyên liệu đạt tiêu chuẩn VietGAP...

Tiếp cận nhu cầu thực

Nghị quyết 22/2020/NQ-HĐND, ngày 23/12/2020 của HĐND tỉnh (nay là thành phố) Quy định một số chính sách hỗ trợ đổi mới, cải tiến công nghệ, chuyển giao công nghệ và phát triển tài sản trí tuệ trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2021 - 2030 được xem là chính sách đặc thù của địa phương. Thực hiện Nghị quyết này, đến nay, ngành chức năng đã tiếp nhận và hỗ trợ 206 hồ sơ của các tổ chức, doanh nghiệp, thông qua thực hiện nhiệm vụ KHCN và hỗ trợ trực tiếp sau đầu tư với tổng kinh phí hỗ trợ gần 6,3 tỷ đồng.

Những dự án được hỗ trợ đổi mới, cải tiến công nghệ, bao bì như: Sản xuất tinh dầu, yến sào, atiso đỏ, sản xuất và đóng gói sen Huế... đã giúp đơn vị tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, hiệu quả kinh doanh và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. Cũng từ nguồn hỗ trợ này đã tạo động lực cho các dự án sản xuất thử nghiệm như quy trình công nghệ sinh sản nhân tạo cá ong bầu, quy trình sản xuất bánh ép đặc sản Huế theo quy mô công nghiệp bán tự động của Hue One Food... mạnh dạn hoàn thiện quy trình sản xuất, đem lại thành công về chất lượng sản phẩm, thị trường tiêu thụ...

Việc cải tiến, đổi mới, ứng dụng công nghệ vào sản xuất kinh doanh được nhiều doanh nghiệp, cơ sở quan tâm, góp phần nâng cao tỷ trọng đóng góp của năng suất các yếu tố tổng hợp (TFP) vào tốc độ tăng GDP của địa phương. Do hạn chế về nguồn lực và vướng mắc về cơ chế, thủ tục, nhiều hoạt động hỗ trợ chưa thực sự hiệu quả, chưa tạo động lực đủ mạnh để tạo đà cho doanh nghiệp phát triển. Các giải pháp hỗ trợ nâng cao năng suất, chất lượng chưa cao, chưa sát với nhu cầu của doanh nghiệp. Ngay cả việc triển khai Nghị quyết số 22, nhìn vào số doanh nghiệp được hỗ trợ từ chính sách vẫn còn ít và nguồn vốn hỗ trợ còn thấp.

Theo đại diện Phòng Đổi mới sáng tạo - Sở KH&CN, sắp tới, ngành sẽ tham mưu thành phố sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 22 theo hướng trọng tâm và tập trung mạnh hơn vào nhiều loại hình hỗ trợ phù hợp, sát với nhu cầu doanh nghiệp; đồng thời tham mưu, đề xuất xây dựng thêm những nghị quyết, chính sách mới nhằm thể chế hóa Nghị quyết 57-NQ/TW, ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển KH, CN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia để kích thích, tăng sự tham gia cải tiến, đổi mới công nghệ vào sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, cơ sở sản xuất.

Những chính sách mang tính "gỡ rào" này được thực thi sẽ hỗ trợ, thúc đẩy các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trên địa bàn thành phố đổi mới công nghệ, chuyển giao công nghệ, áp dụng các quy trình quản lý tiên tiến, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, mã số mã vạch, đăng ký nhãn hiệu... Qua đó, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa, tạo ra nhiều sản phẩm mới, tăng tính cạnh tranh, mở rộng thị trường, tăng hiệu quả sản xuất, kinh doanh.

Bài, ảnh: HOÀI THƯƠNG

Nguồn: https://huengaynay.vn/kinh-te/vuon-minh-tu-cai-tien-doi-moi-cong-nghe-152509.html