BẮC GIANG Xác định cam đường Canh là cây khó tính, anh Định canh tác hướng hữu cơ, mỗi năm chỉ cho nửa vườn ra quả, nửa còn lại cắt tỉa, chăm sóc để cây nghỉ ngơi.
Anh Lê Thanh Định ở thôn Thông, xã Trù Hựu, huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) đang sở hữu mô hình 1,7ha cam đường Canh được sản xuất theo hướng hữu cơ, sử dụng phân bón hữu cơ và thuốc BVTV sinh học, đem lại giá trị kinh tế cao. Nhìn những cây cam đang chi chít quả xanh, ít ai ngờ rằng đây vốn là một vườn bưởi Diễn.
Đến thăm mô hình nhà anh Lê Thanh Định mới đây, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Hoàng Trung đánh giá cao việc bà con chủ động nắm bắt, chuyển đổi mô hình canh tác. Thứ trưởng Hoàng Trung cũng biểu dương gia đình anh Định đã sớm áp dụng các biện pháp sản xuất theo hướng hữu cơ, sử dụng các loại phân bón hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật sinh học để cho sản phẩm an toàn, góp phần vào phong trào sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ, sinh thái, bền vững, thân thiện với môi trường, đem lại giá trị cao.
Năm 2012, anh Định khởi nghiệp làm nông với cây bưởi Diễn, làm theo phong trào của nhân dân trong thôn, trong xã khi đó. Thế nhưng những cây bưởi Diễn dù cho quả đều, chất lượng đảm bảo nhưng giá trị kinh tế lại giảm dần theo từng năm. Anh bắt đầu tìm cách chuyển hướng để nâng cao giá trị kinh tế từ vườn cây, bắt đầu bằng giống cam V2 vào năm 2018.
Khởi đầu với một nửa vườn, anh Định đã thử nghiệm ghép cam V2 lên cây bưởi Diễn với diện tích khoảng 9.000m2. Tuy nhiên, sức tiêu thụ và giá bán cam V2 cũng không được như gia đình kỳ vọng nên anh quyết định thay đổi đối tượng cây trồng thêm một lần nữa khi chuyển sang ghép giống cam đường Canh vào năm 2020. Đến nay, vào vườn cam của anh vẫn thấy lác đác những quả bưởi mọc từ những cành cũ, chưa tỉa hết.
“Cả huyện Lục Ngạn khi đó nhiều người ghép cam lên bưởi, nhưng ít ai dám đầu tư như tôi”, anh Định nói. Lý do là để việc ghép cây được thuận lợi, anh đã bỏ ra 200 triệu đồng thuê chuyên gia có tay nghề cao về thực hiện ghép trong vòng 1 năm (năm 2020). Tuy nhiên, năm đó mới ghép, thời tiết cũng không thuận lợi nên sản lượng cam chưa cao, số tiền phải trả cho các chuyên gia được giảm đi vài chục triệu đồng, coi như chia sẻ rủi ro.
Sau khi nắm được kỹ thuật, anh Định chuyển sang tự ghép. Hiện nay, gia đình anh đang sở hữu hơn 1.000 cây cam đường Canh ghép trên gốc bưởi Diễn, tuổi đời hơn 10 năm và sản lượng mỗi năm thu về 40 – 50 tấn quả, doanh thu trên 2,5 tỷ đồng. Xác định cam đường Canh là cây trồng khó tính, mỗi năm anh Định chỉ cho nửa vườn ra quả, nửa còn lại cắt tỉa, chăm sóc cho cây nghỉ ngơi, đảm bảo phát triển bền vững.
Về phân bón, anh Định dùng phân hữu cơ được ủ từ phân trâu và lân trong vòng 1 năm rồi mới bón cho cây. Thuốc bảo vệ thực vật được anh sử dụng các loại có nguồn gốc sinh học để trị nhện và rầy. Ngoài ra, do rễ cây bưởi Diễn mọc lan, rất nông nên việc làm cỏ cũng phải hoàn toàn thủ công, không sử dụng thuốc trừ cỏ. Hơn 1.000 cây bưởi (ghép cam đường Canh) trên diện tích 1,7ha của gia đình anh Định cũng được ứng dụng tưới nhỏ giọt để tiết kiệm nước và chống úng cho cây.
Tại mô hình độc đáo này, Thứ trưởng Hoàng Trung đánh gia cao sự năng động, sáng tạo, kinh nghiệm chăm sóc cây trồng của các nhà vườn trên địa bàn huyện Lục Ngạn. Những mô hình này đều được sản xuất theo hướng hữu cơ, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đảm bảo an toàn trong phòng chống sâu bệnh, góp phần nâng cao chất lượng, giá trị cây trồng.
Bên cạnh đó là các kinh nghiệm cắt ghép cành, khoanh gốc chuyên nghiệp, cùng với sự luân canh hợp lý đối với diện tích cây có quả và diện tích cây chưa đậu quả, tạo điều kiện để cây và đất có thời gian nghỉ ngơi, tái tạo dinh dưỡng cho kỳ phát triển tiếp theo. Theo Thứ trưởng Hoàng Trung, đây là cách làm sáng tạo của nông dân huyện Lục Ngạn, cần được nhân rộng.
Cũng theo Thứ trưởng Hoàng Trung, để phát triển các vùng cây ăn quả lớn gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, ngành nông nghiệp tỉnh Bắc Giang cần tiếp tục tập trung nhân rộng các mô hình sản xuất hiệu quả, theo hướng hàng hóa, áp dụng công nghệ cao, tạo ra sản phẩm an toàn, nâng cao giá trị, hiệu quả kinh tế bền vững.
Ngoài ra, địa phương cần chú trọng liên kết trong sản xuất nông nghiệp; cung cấp dịch vụ chăm sóc cây trồng, dịch vụ bảo quản đóng gói nông sản; tăng cường công tác xúc tiến thương mại, quảng bá giới thiệu thương hiệu, tìm thị trường tiêu thụ ổn định nhằm nâng cao giá trị nông sản của tỉnh.
Nguồn: https://nongsanviet.nongnghiep.vn/vuon-cam-sung-suc-nho-mot-nam-ra-qua-mot-nam-nghi-ngoi-d389487.html