Đề án “Phát triển thành phố Vũng Tàu trở thành trung tâm du lịch chất lượng cao đẳng cấp quốc tế” xác định 3 nhóm sản phẩm, đề xuất 32 dự án với mục tiêu: Xây dựng thành phố Vũng Tàu du lịch chất lượng cao, đẳng cấp quốc tế, hướng đến phát thải ròng bằng không vào năm 2050. Thành phố Vũng Tàu đang tiếp tục đón nhận ý kiến đóng góp của các chuyên gia, nhà quản lý và người dân trên địa bàn thành phố…
Ngày 15/6, thành phố Vũng Tàu tổ chức Hội thảo Đề án “Phát triển thành phố Vũng Tàu trở thành trung tâm du lịch chất lượng cao đẳng cấp quốc tế”. Đề án được xây dựng bởi nhóm nghiên cứu Trường Đại học Kinh tế Thành phố Hồ chí Minh. |
Tiềm năng phát triển du lịch dồi dào
Nghiên cứu mới đây của Trường Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh (UEH) được thực hiện bởi các chuyên gia trong các ngành quản lý, quy hoạch và phát triển đô thị cho thấy, với những tiềm năng hiện có của mình cùng định hướng phát triển và tầm nhìn cụ thể trong tương lai, việc xây dựng thành phố Vũng Tàu trở thành trung tâm du lịch chất lượng cao, đẳng cấp quốc tế vào năm 2050 là điều cần thiết và đúng đắn.
TS. Đinh Công Khải, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Thành phố Hồ chí Minh khẳng định: Từ khi được thành lập, Vũng Tàu đã là một cửa ngõ về thương mại biển quốc tế, nằm trên các tuyến đường thương mại chính kết nối nhiều quốc gia như: Trung Quốc, Campuchia, Bồ Đào Nha và Pháp… Ngày nay, thành phố Vũng Tàu vẫn là trung tâm du lịch, thương mại, dịch vụ hậu cần hải sản và biển, cũng như phát triển cảng biển và ngành Dầu khí. Với môi trường biển, du lịch và dịch vụ kinh doanh được tăng cường, mang lại thu nhập cho người dân.
Vũng Tàu được thiên nhiên ưu đãi bởi có đường bờ biển dài và đẹp (như bãi Trước, bãi Sau, bãi Dâu, bãi Dứa…), ít bị bồi lấp, cùng hệ sinh thái trên cạn, liền bờ và tài nguyên đảo, xã đảo Long Sơn. Nước biển ít tạp chất, không bị ảnh hưởng phù sa của các lưu vực sông trên địa bàn; có độ mặn và nhiệt độ phù hợp cho việc tổ chức các loại hình du lịch. Từ lợi thế về tài nguyên du lịch biển đảo, giúp Vũng Tàu phát triển rất mạnh loại hình du lịch nghỉ dưỡng.
Cùng với tài nguyên biển, tài nguyên tự nhiên gắn liền với cảnh quan núi như núi Lớn, núi Nhỏ, núi Nứa… là điều kiện thuận lợi cho Vũng Tàu khai thác các dịch vụ vui chơi giải trí, du lịch sinh thái tự nhiên và di tích lịch sử… Ngoài ra, thành phố Vũng Tàu đang có hệ thống di tích lịch sử, lễ hội dân gian phong phú với 18 di tích lịch sử văn hóa và danh thắng.
Đề án nghiên cứu của UEH cũng cho thấy, Vũng Tàu đã có khoảng 12.000 lao động trong lĩnh vực du lịch cùng 27 doanh nghiệp lữ hành, trong đó bao gồm 19 doanh nghiệp lữ hành quốc tế và 08 doanh nghiệp lữ hành nội địa, cùng hệ thống cơ sở lưu trú, nhà hàng ăn uống đạt chuẩn từ trung bình đến cao cấp…
Đường giao thông chính của Vũng Tàu đã hoàn thiện 100% việc bê tông nhựa hóa. Được công nhận là “con đường đẹp nhất Việt Nam“, tuyến đường Hạ Long – Quang Trung – Trần Phú chạy dọc bãi Trước hiện đang nâng cấp. Đồng thời, hơn 96% ngõ hẻm cũng đã được xây sửa, nâng cấp khang trang theo phương thức “Nhà nước, nhân dân cùng làm”. Đặc biệt, Vũng Tàu còn có đường biển, có thể khai thác nhiều dịch vụ, đây là một thế mạnh của một đô thị ven biển.
Các dự án hạ tầng giao thông đang được đầu tư và chuẩn bị đầu tư như mở rộng Quốc lộ 51 và xây dựng tuyến đường cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu, kết nối với đường cao tốc Bắc Nam, dự án đường sắt cao tốc Vũng Tàu – Biên Hòa – Thành phố Hồ Chí Minh, những dự án này khi hoàn thành sẽ thúc đẩy phát triển kinh tế của thành phố.
Bằng việc phân tích, đánh giá dựa trên thế mạnh, điểm yếu của Vũng Tàu, Đề án đưa ra các mục tiêu cụ thể để đến năm 2050, thành phố này thực sự trở thành thành phố du lịch chất lượng cao, đẳng cấp quốc tế – trung tâm của đổi mới sáng tạo và phát triển bền vững.
Tuy nhiên, cũng theo TS. Đinh Công Khải, Vũng Tàu cần giải quyết những điểm yếu như thiếu bản sắc, thiếu tiện ích thu hút, thiếu thông tin và điều hướng du lịch, thiếu sự khuyến khích kinh doanh của doanh nghiệp nhỏ và vừa, hệ thống cơ sở hạ tầng du lịch chưa đồng bộ, chưa đạt chuẩn quốc tế, dịch vụ du lịch chưa đa dạng và chất lượng dẫn đến chi tiêu trên đầu khách du lịch thấp, khả năng thu hút và phục vụ khách quốc tế cần được cải thiện, từ nguồn nhân lực đến sản phẩm du lịch và dịch vụ đi kèm…
Xây dựng Vũng Tàu trở thành thành phố du lịch đẳng cấp quốc tế vào năm 2050. |
15 chiến lược trọng tâm và 3 nhóm sản phẩm du lịch
Nhóm nghiên cứu Đề án dựa trên sự kết hợp giữa chiến lược phát triển du lịch của quốc gia, phân tích thực trạng du lịch tại thành phố Vũng Tàu đã đề xuất 15 chiến lược trọng tâm và phát triển 3 nhóm sản phẩm du lịch chính. Đó là, nhóm sản phẩm du lịch đẳng cấp; nhóm sản phẩm sự kiện thông minh; nhóm sản phẩm du lịch văn hóa và di sản thông minh. Các nhóm sản phẩm, dịch vụ được đề xuất theo giai đoạn và không gian phát triển phù hợp với các mục tiêu đã đề xuất.
Mỗi nhóm dự án sẽ có rất nhiều dự án, các dự án thuộc các nhóm dự án này được khuyến khích phát triển kết hợp hoặc có liên kết với các dự án khác, nhằm tạo ra động lực phát triển tốt hơn cho thành phố.
Đề án cũng xác định ngoài nhóm khách hàng du lịch của thành phố Vũng Tàu thì nhóm khách hàng “địa phương”, “bản địa” được đề xuất trở thành một nhóm khách hàng mục tiêu quan trọng. Bởi người dân địa phương là đối tượng có nhu cầu, mong muốn có các trải nghiệm mới và sẵn sàng chi trả cho các dịch vụ du lịch, thương mại, vui chơi giải trí tại thành phố Vũng Tàu.
Bên cạnh đó, Đề án đã nhấn mạnh việc Vũng Tàu cần xây dựng chiến lược thương hiệu thành phố dài hạn trên nền tảng hợp tác đa ngành và phải tích hợp được các quy hoạch thành phố, du lịch, marketing thành phố.
Để xây dựng và thực hiện thành công chiến lược, thì cần thực hiện mô hình hợp tác 4P (khu vực công, khu vực tư, con người) trong từng bước của quy trình thực hiện xây dựng thương hiệu thành phố.
Yếu tố nhân lực chiếm vị trí quan trọng, theo nhóm tác giả, hai nhiệm vụ chính trong chiến lược này là: Phát triển nguồn nhân lực ngành Du lịch và khuyến khích tất cả các bên liên quan tham gia vào phát triển hoạt động du lịch.
Theo Đề án, để Vũng Tàu trở thành trung tâm du lịch chất lượng cao đẳng cấp quốc tế thì cần phát triển theo không gian được phân bố theo các nhóm sản phẩm chiến lược phù hợp với định hướng phát triển của Vũng Tàu.
Không chỉ dựa vào tiềm năng mà Đề án thành công còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như sự cùng vào cuộc của tất cả các cơ quan, tổ chức từ tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu tới các doanh nghiệp, hiệp hội và người dân.
Ông Trần Đình Khoa, Bí thư Thành ủy Vũng Tàu nhấn mạnh: Việc xây dựng Đề án “Phát triển thành phố Vũng Tàu thành trung tâm du lịch chất lượng cao đẳng cấp quốc tế”, là nhằm thực hiện một trong những nội dung của Nghị quyết số 24-NQ/TW Bộ Chính trị ngày 07/10/2022 về phát triển kinh tế – xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Hội thảo mong nhận được nhiều ý kiến đóng góp có giá trị để giúp thành phố có thêm luận cứ, cơ sở khoa học, từ đó bổ sung, hoàn thiện đề án, trình UBND tỉnh phê duyệt. Trước đó vào tháng 01/2024, Tổ xây dựng đề án cũng đã tổ chức hội nghị tham vấn ý kiến các chuyên gia quốc tế.
Công Danh
Nguồn: https://baoxaydung.com.vn/vu-ng-ta-u-se-tro-thanh-trung-tam-du-li-ch-da-ng-ca-p-quo-c-te-va-o-nam-2050-377435.html