VN-Index về lại mốc 1.270 điểm; Điểm danh 7 cổ phiếu bất động sản (BĐS) tiềm năng; Lịch trả cổ tức…
VN-Index tăng tích cực 3 tuần liên tiếp trước rủi ro phân hóa
Kết thúc tuần giao dịch vừa qua, chỉ số VN-Index duy trì tại ngưỡng 1.270 điểm, tăng nhẹ 2,6 điểm.
Sau phiên tăng đột biến gần 30 điểm vào ngày 5/12 nhờ lực đẩy từ nhóm cổ phiếu trụ VN30, sang tới cuối tuần, nhóm cổ phiếu này dần suy yếu, chuyển sang sắc đỏ khiến đà tăng của thị trường phần nào bị thu hẹp đáng kể, mặc dù GVR, VIC (Vingroup, HOSE) và SSI (Chứng khoán SSI, HOSE) tăng tích nhưng vẫn không đủ để kéo thị trường bay cao như trước.
Trạng thái phân hóa lan tỏa hầu hết các nhóm cổ phiếu lớn, trong đó, nhóm vốn hóa lớn gồm bất động sản, ngân hàng và chứng khoán đều chịu áp lực bán mạnh.
Nhóm sản xuất cũng không tránh được ảnh hưởng với HPG (Thép Hòa Phát, HOSE), HSG (Tôn Hoa Sen, HOSE)…
Một số điểm sáng nổi bật xuất hiện tại VIC (Vingroup, HOSE) tăng 2,5%, DGC tăng 4,7%…
Thanh khoản hồi phục và duy trì tại ngưỡng 20.000 tỷ đồng.
Khối ngoại tiếp tục mua ròng với 281 tỷ đồng tại SSI (Chứng khoán SSI, HOSE), HPG (Thép Hòa Phát, HOSE) và MSN (Masan, HOSE).
Nhìn chung, nhờ phiên tăng bứt phá 5/12, thị trường duy trì sắc thái tích cực cả tuần, khi có nhịp hồi phục gần 20 điểm, tương đương tăng 1,57% so với tuần trước, thanh khoản cải thiện rõ rệt với giá trị khớp lệnh bình quân đạt 13.480 tỷ, tăng 33%.
Chỉ số về lại mốc 1.270 điểm sau khoảng 3 tháng ảm đạm, song nhiều chuyên gia đánh giá, nhà đầu tư (NĐT) vẫn nên thận trọng trước rủi ro phân hóa không chỉ giữa các nhóm ngành mà còn là những cổ phiếu tại nhóm ngành.
Cuộc đua tăng vốn cuối năm ngành chứng khoán
Mới đây, CTCP Chứng khoán Asean (Aseansc) đã thông báo lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản về phương án chào bán 50 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu nhằm tăng vốn điều lệ.
Với 50 triệu cổ phiếu được chào bán, tương ứng tỷ lệ 50% số cổ phần đang lưu hành, công ty dự kiến tăng vốn điều lệ từ 1.000 tỷ đồng lên 1.500 tỷ đồng. Thời gian chào bán trong năm 2024 – 2025, giá dự kiến không thấp hơn 10.000 đồng/cp và sẽ giải ngân toàn bộ năm 2025.
Trước đó, lần tăng vốn gần nhất của Aseansc đã diễn ra vào năm 2017, đưa vốn điều lệ công ty từ 500 tỷ đồng lên 1.000 tỷ đồng.
Động thái tăng vốn không phải câu chuyện riêng tại Aseansc, nhiều công ty chứng khoán khác cũng đã đồng loạt có kế hoạch tăng vốn trong thời điểm cuối năm này như MBS, TCBS, SSI…
Nhóm cổ phiếu bất động sản khởi sắc, có tiềm năng tăng đến 30%
Theo Chứng khoán ACB (ACBS), thị trường bất động sẳn đang bước sang giai đoạn hồi phục nhờ hỗ trợ từ hành lang pháp lý, lãi suất, nguồn cung, tâm lý người mua.
Cụ thể, đánh giá thực tế, sau giai đoạn hạn chế đầu tư mới để tập trung tái cấu trúc, xử lý nghĩa vụ tài chính và quan sát tình hình thị trường, các chủ đầu tư bất động sản trở lại hoạt động triển khai và ra mắt các dự án, phân khu mới. Nhiều dự án được tháo gỡ vướng mắc pháp lý và đủ điều kiện triển khai, đồng thời các doanh nghiệp đã cơ bản hoàn thành xử lý các nghĩa vụ trái phiếu, đưa trạng thái tài chính về mức an toàn và vượt qua giai đoạn thanh lọc của thị trường.
Vì vậy, ACBS nhận định, thị trường bất động sản được đánh giá đã vượt qua điểm đảo chiều và bắt đầu bước vào chu kỳ tăng trưởng mới từ năm 2025 nhờ các hỗ trợ: (1) Hành lang pháp luật mới, thúc đẩy nguồn cung mới; (2) Tâm lý người mua nhà tiếp tục cải thiện đối với cả nhu cầu để ở lẫn đầu tư; (3) Mặt bằng lãi suất được duy trì mức hợp lý và các dự án có nhiều điều kiện huy động tín dụng hơn; (4) Động lực thúc đẩy từ hạ tầng khi một số dự án bắt đầu hoàn thiện trong năm 2025 và xu hướng tăng tốc giải ngân đầu tư công; (5) Hoạt động bán hàng và công bố dự án mới của các chủ đầu tư.
Nhờ vào đó, ACBS đưa ra 7 cái tên bất động sản có tiềm năng tăng giá giá từ 15% – 30%, gồm:
– KDH (CTCP Đầu tư và Kinh doanh Nhà Khang Điền) kỳ vọng tăng 19,3%;
– NLG (CTCP Đầu tư Nam Long, HOSE) kỳ vọng tăng 24,4%;
– PDR (CTCP Phát triển Bất động sản Phát Đạt, HOSE) kỳ vọng tăng 22,6%;
– HDG (CTCP Tập đoàn Hà Đô, HOSE) kỳ vọng tăng 16,5%;
– DPG (CTCP Tập đoàn Đạt Phương) kỳ vọng tăng 28,8%;
– HDC (CTCP Phát triển Nhà Bà Rịa – Vũng Tàu) kỳ vọng tăng 24,8%, AGG kỳ vọng tăng 26%.
Nhận định và khuyến nghị
Ông Phạm Thanh Tiến, Chuyên viên Tư vấn đầu tư, Chứng khoán Mirae Asset, đánh giá, VN-Index có tuần giao dịch khá sôi động khi nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn quay lại với vai trò dẫn dắt thị trường khá tốt. Đặc biệt là phiên ngày 5/12, phiên “giải tỏa tâm lý”, đây được xem là phiên mấu chốt giúp cũng cố xu hướng hồi phục hiện tại có thể duy trì đến vùng đỉnh cũ quanh 1.300 điểm.
Điểm sáng khác còn đến từ nhóm NĐT nước ngoài đã có tín hiệu mua ròng trở lại quy mô lớn lên tới gần 1.000 tỷ đồng.
Ngoài ra, về thông tin vĩ mô, sự kiện về tiến trình nâng hạng thị trường mới nổi của Việt Nam từ tổ chức FTSE cho thấy lộ trình dần rõ nét hơn tạo kỳ vọng sự quay trở lại của dòng vốn ngoại khi quá trình nâng hạng được hoàn tất.
Vì vậy, trong ngắn hạn, dự báo quán tính thị trường sẽ tiếp đà hồi phục trong tuần này, và kỳ vọng VN-Index sẽ tịnh tiến lên mốc quan trọng 1.300 điểm.
Còn trong trung hạn, xu hướng chính vẫn là vận động tích lũy trong khung lớn 1.200 – 1.300 điểm. Bởi, các yếu tố vĩ mô vẫn chưa có nhiều thay đổi, tín dụng tăng trưởng và xuất nhập khẩu tăng trưởng cao, doanh số bán lẻ hồi phục mạnh, chính sách tiền tệ duy trì sự nới lỏng. Vì vậy, khả năng thị trường bước vào chu kỳ tăng giá mới trong cuối năm nay và đầu năm sau là tương đối sáng sủa.
Các ngành có thể cân nhắc cho vị thế đầu tư đó là cổ phiếu ngành bán lẻ và vật liệu xây dựng.
Chứng khoán KB cho rằng, VN-Index gặp áp lực bán gia tăng trở lại vào cuối tuần trước, tuy nhiên, lực cầu vẫn khá tốt, động thái bán chủ động vẫn nằm trong tầm kiểm soát và giữ nguyên được một phần thành quả tăng điểm. Xu hướng tăng điểm ngắn hạn đang là chủ đạo, VN-Index được kỳ vọng sẽ sớm lấy lại đà hồi phục và có cơ sở duy trì động lực tăng giá lên vùng kháng cự quanh 1.300 điểm. NĐT có thể tiếp tục gia tăng tỷ trọng nếu chỉ số hoặc mã cổ phiếu mục tiêu xuất hiện thêm nhịp điều chỉnh, về lại vùng hỗ trợ gần.
Chứng khoán BSC nhận định, VN-Index tăng tích cực tuần qua với số mã tăng lớn hơn số mã giảm, cho thấy dòng tiền có xu hướng phân hóa. Khối ngoại mua ròng trên sàn HOSE và bán ròng trên sàn HNX, áp lực chốt lời đã xuất hiện sau một phiên tăng điểm mạnh. Do vậy, trong những phiên tới, xu hướng của VN-Index sẽ phụ thuộc vào dòng tiền của NĐT tại vùng tâm lý 1.265 – 1.270 điểm.
Lịch trả cổ tức tuần này
Theo thống kê, có 23 doanh nghiệp chốt quyền cổ tức từ 2-6/12, trong đó, 19 doanh nghiệp trả bằng tiền mặt, 3 doanh nghiệp trả bằng cổ phiếu và 1 doanh nghiệp phát hành thêm.
Tỷ lệ cao nhất là 90%, thấp nhất là 4,8%.
3 doanh nghiệp trả bằng cổ phiếu:
Tổng Công ty Cổ phần Tái Bảo hiểm Quốc gia Việt Nam (VNR, HNX ngày giao dịch không hưởng quyền là 11/12, tỷ lệ là 10%.
Ngân hàng TMCP Phát triển Thành phố Hồ Chí Minh (HDB, HOSE), ngày giao dịch không hưởng quyền là 11/12, tỷ lệ là 20%.
CTCP Thiết bị (MA1, UPCoM), ngày giao dịch không hưởng quyền là 11/12, tỷ lệ là 90%.
1 doanh nghiệp phát hành thêm:
Tổng Công ty Cổ phần Bảo hiểm Quân đội (MIG, HOSE), ngày giao dịch không hưởng quyền là 9/12, tỷ lệ là 15%.
Lịch trả cổ tức bằng tiền
* Ngày GDKHQ: là ngày giao dịch mà người mua khi xác lập sở hữu cổ phiếu sẽ không được hưởng các quyền có liên quan như quyền nhận cổ tức, quyền mua cổ phiếu phát hành thêm nhưng vẫn hưởng quyền tham dự đại hội cổ đông.
Mã | Sàn | Ngày GDKHQ | Ngày TH | Tỷ lệ |
---|---|---|---|---|
MPC | UPCOM | 9/12 | 9/1 | 7,5% |
LBM | HOSE | 9/12 | 26/12 | 10% |
MCC | HNX | 9/12 | 25/12 | 4,8% |
VMD | HOSE | 9/12 | 20/12 | 20% |
HD6 | UPCOM | 9/12 | 20/12 | 10% |
C21 | UPCOM | 10/12 | 24/12 | 5% |
BSQ | UPCOM | 10/12 | 24/12 | 5% |
A32 | UPCOM | 11/12 | 3/1 | 10% |
TMP | HOSE | 11/12 | 24/12 | 18% |
ABI | UPCOM | 12/12 | 24/12 | 10% |
PMC | HNX | 12/12 | 25/12 | 55% |
SIP | HOSE | 12/12 | 25/12 | 10% |
DNH | UPCOM | 13/12 | 15/1 | 12% |
THG | HOSE | 13/12 | 8/1 | 10% |
QHD | HNX | 13/12 | 15/1 | 20% |
DVC | UPCOM | 13/12 | 10/1 | 7% |
PHR | HOSE | 13/12 | 27/12 | 30% |
WSB | UPCOM | 13/12 | 27/12 | 20% |
VDP | HOSE | 13/12 | 16/1 | 10% |