Bà Rịa – Vũng Tàu đang phấn đấu trở thành trung tâm kinh tế biển quốc gia. Để đạt mục tiêu này, ngành thủy sản đóng vai trò quan trọng, nhất là những bước chuyển đổi trong quy hoạch phát triển. Xung quanh vấn đề này, phóng viên Báo Bà Rịa – Vũng Tàu đã có cuộc trao đổi với ông Huỳnh Sơn Thái, Giám đốc Sở NN-PTNT.
* Phóng viên: Thưa ông, trong quy hoạch mà tỉnh và Thủ tướng đề ra về phát triển kinh tế biển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 có chỉ tiêu lĩnh vực thủy sản: Tốc độ tăng giá trị sản xuất bình quân 4,12%/năm. Ngành thủy sản sẽ làm gì để đạt mục tiêu này?
– Ông Huỳnh Sơn Thái: Một trong những nhiệm vụ mà ngành thủy sản tập trung thực hiện đó là tăng cường công tác ứng dụng, chuyển giao KH-CN trong khai thác và nuôi trồng thủy sản, nhất là công tác bảo quản sản phẩm, giảm tổn thất sau khai thác. Tổ chức lại sản xuất khai thác hải sản trên biển trên cơ sở cơ cấu lại tàu thuyền, nghề nghiệp phù hợp với vùng biển, môi trường tự nhiên, nguồn lợi hải sản.
Ngành chế biến thủy sản cũng phát triển theo chuỗi giá trị, gắn chế biến, tiêu thụ với vùng nguyên liệu khai thác, nuôi trồng thủy sản; ưu tiên phát triển các sản phẩm giá trị gia tăng; xây dựng và phát triển thương hiệu sản phẩm thủy sản gắn với thế mạnh, lợi thế của tỉnh.
Đặc biệt, đẩy mạnh phát triển nuôi biển và khu vực Côn Đảo theo hướng công nghệ cao với quy mô sản xuất công nghiệp phục vụ xuất khẩu, du lịch và tiêu thụ nội địa. Thúc đẩy các chính sách tín dụng khuyến khích DN đầu tư vào các dự án nuôi thủy sản, nuôi biển ứng dụng công nghệ cao.
Bên cạnh đó, hàng năm thông qua các chương trình xúc tiến thương mại, đầu tư, tỉnh đẩy mạnh, thu hút, kêu gọi các DN sản xuất, xuất khẩu trong và ngoài nước đầu tư vào tỉnh, mở rộng hợp tác liên kết, tiêu thụ sản phẩm, thúc đẩy hợp tác quốc tế chuyển giao KH-CN, phát triển ngành thủy sản.
Lực lượng Biên phòng tuyên truyền phòng, chống IUU và Luật Thủy sản cho ngư dân TP.Vũng Tàu ở cảng cá Cát Lở.
* Ông có thể nói rõ hơn về kế hoạch phát triển của ngành để góp phần đưa Bà Rịa-Vũng Tàu trở thành trung tâm kinh tế biển quốc gia và trong nhóm 5 địa phương phát triển kinh tế biển hàng đầu cả nước?
– Để đạt mục tiêu trên, tỉnh tập trung triển khai thực hiện cơ cấu lại ngành khai thác hải sản: Vùng lộng và vùng ven bờ gắn với nuôi trồng thủy sản và du lịch sinh thái, chuyển đổi nghề lưới kéo, đẩy mạnh khai thác hải sản vùng khơi. Mục tiêu sản lượng khai thác thủy sản đến năm 2030 đạt khoảng 355.000 tấn/năm, tập trung khai thác các đối tượng có giá trị kinh tế, khả năng xuất khẩu sang thị trường thế giới.
Tỉnh cũng tập trung triển khai có hiệu quả Đề án “Phòng, chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) đến năm 2025”. Tập trung tất cả mọi nguồn lực cùng với cả nước gỡ cảnh báo “thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu; phát triển nghề cá của tỉnh theo hướng hiện đại, bền vững, có trách nhiệm. Đồng thời, hình thành trung tâm nghề cá lớn gắn với ngư trường Đông Nam Bộ theo quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, xây dựng Trung tâm đấu giá thủy sản.
Toàn tỉnh có 446 DN, cơ sở, hộ cá thể sản xuất và kinh doanh chế biến thủy sản. Tổng công suất chế biến trung bình hàng năm khoảng 250.000 tấn thành phẩm/năm, kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt khoảng 200 triệu USD/năm, chủ yếu xuất sang các thị trường châu Âu, Mỹ, Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Brazil… |
Bên cạnh đó, tỉnh cũng nâng cấp cảng cá Tân Phước (huyện Long Điền), cảng cá Cát Lở (TP.Vũng Tàu), đầu tư khu tránh trú bão Cửa Lấp (huyện Long Điền); khu tránh trú bão (giai đoạn 2) tại xã Lộc An, huyện Đất Đỏ.
Phát triển nuôi trồng thủy sản trên 3 vùng sinh thái ngọt, mặn lợ và nuôi trên biển theo hướng công nghệ cao, bền vững, hiệu quả; nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm phù hợp với yêu cầu của thị trường. Đầu tư phát triển các vùng nuôi trồng thủy sản ứng dụng công nghệ cao ở các huyện Đất Đỏ, Xuyên Mộc.
Trong những năm qua, các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh đã tích cực triển khai thực hiện các chương trình, dự án thuộc Đề án tái cơ cấu ngành nông lâm ngư nghiệp tỉnh theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Hiện nay, tỉnh có 23 tổ chức, cá nhân nuôi và sản xuất giống thủy sản ứng dụng công nghệ cao với tổng diện tích hơn 429ha. Tỷ lệ giá trị sản phẩm nuôi trồng ứng dụng công nghệ cao đạt 46,54%.
Tỉnh cũng đã triển khai thực hiện các cơ chế chính sách khuyến khích đầu tư phát triển đội tàu khai thác xa bờ. Đến nay, tổng số tàu cá của tỉnh là 4.557 chiếc (riêng đội tàu khai thác xa bờ là 2.746 chiếc, chiếm 60% tàu cá toàn tỉnh), sản lượng khai thác đạt trên 300 ngàn tấn/năm.
|
Mục tiêu của tỉnh là đến năm 2030, kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt hơn 500 triệu USD. Khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi để các DN chế biến thủy sản đầu tư đổi mới công nghệ chế biến hiện đại, tăng cường chế biến sâu, các mặt hàng tinh chế nhằm nâng cao hiệu quả chuỗi giá trị sản phẩm thủy sản, đáp ứng yêu cầu thị trường trong nước và quốc tế.
* Xin cảm ơn ông!
NGỌC MINH