Đến dự và phát biểu chỉ đạo Đại hội có Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Y Thông, cùng tham dự có đại diện lãnh đạo các Vụ, đơn vị thuộc Ủy ban Dân tộc; đại diện lãnh đạo Ban Dân tộc các tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Phước và Đồng Nai.
Về phía lãnh đạo tỉnh Tây Ninh có các ông: Phạm Hùng Thái – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội; Nguyễn Thanh Ngọc – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Nguyễn Hồng Thanh – Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo Đại hội Đại biểu các DTTS tỉnh Tây Ninh lần thứ IV, năm 2024. Cùng các vị nguyên lãnh đạo, lãnh đạo Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh Tây Ninh. Các vị đại diện các sở, ban, ngành và các lực lượng vũ trang. Đặc biệt, sự có mặt của 250 đại biểu chính thức đại diện cho gần 21.000 người DTTS với 21 thành phần dân tộc trong toàn tỉnh tham dự Đại hội.
Tây Ninh thuộc vùng Đông Nam Bộ, có đường biên giới dài khoảng 240km, giáp 3 tỉnh Svay Riêng, Tbong Khmum và Prey Veng của Vương quốc Campuchia, với 3 cửa khẩu Quốc tế, 3 cửa khẩu chính, 10 cửa khẩu phụ. Ngoài ra, tỉnh cũng là cầu nối trên trục xuyên Á giữa TP. Hồ Chí Minh và Thủ đô Phnôm Pênh (Campuchia) qua Cửa khẩu Quốc tế Mộc Bài.
Tỉnh Tây Ninh có 6 huyện, 2 thị xã và 1 thành phố; 94 xã, phường, thị trấn (có 23 xã, phường có đông đồng bào các DTTS sinh sống). Dân số là 1.174.652 người (năm 2023), trong đó đồng bào DTTS là 20.835 người, chiếm 1,77% dân số. Toàn tỉnh có 21 DTTS đang sinh sống, đa số đồng bào DTTS sinh sống chủ yếu bằng sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi và đã tiếp cận khoa học kỹ thuật, chuyển đổi cây trồng nên đời sống tương đối ổn định.
Phát biểu khai mạc Đại hội, ông Nguyễn Hồng Thanh – Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo Đại hội cho biết, Chương trình Đại hội diễn ra trong 2 ngày 9 – 10/12/2024. Ngày đầu tiên, Đại hội diễn ra các hoạt động giao lưu trò chơi dân gian, văn hóa, văn nghệ, triễn lãm trưng bày sản phẩm văn hóa, ẩm thực đặc trưng của các dân tộc; tham quan di tích lịch sử, văn hóa, danh thắng Núi Bà Đen.
Ngày thứ hai chính thức diễn ra Đại hội Đại biểu các DTTS tỉnh Tây Ninh. Các chương trình, hoạt động được tổ chức sôi nổi, sinh động, thể hiện những nét đẹp văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc, là ngày hội giao lưu giữa các DTTS và thực sự đã trở thành ngày hội của khối Đại đoàn kết các dân tộc của tỉnh.
“Thông qua Đại hội lần này, các DTTS xác định quyết tâm cùng các tầng lớp Nhân dân trong tỉnh thực hiện tốt chính sách dân tộc và Đại đoàn kết dân tộc, quyết tâm thi đua lập nhiều thành tích cụ thể, thiết thực góp phần hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế – xã hội nhiệm kỳ 2020 – 2025 và chào mừng Đại hội Đảng bộ các cấp và Đại hội Đảng bộ tỉnh Tây Ninh lần thứ XII”, Trưởng Ban Chỉ đạo Đại hội nhấn mạnh.
Theo Báo cáo chính trị tại Đại hội, giai đoạn 2019 – 2024, các chương trình, dự án, chính sách đối với đồng bào các DTTS luôn được các cấp ủy Đảng, chính quyền quan tâm chỉ đạo, thực hiện đầy đủ, kịp thời, đúng đối tượng, bảo đảm đúng mục tiêu và kế hoạch đề ra và đạt nhiều kết quả quan trọng, góp phần phát triển kinh tế, nâng cao đời sống, giảm nghèo nhanh, bền vững trong vùng đồng bào DTTS.
Thự hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2021 – 2025, đã triển khai thực hiện 7/10 dự án thành phần với kinh phí trên 46,4 tỷ đồng. Trong đó, đã thi công xây dựng và lắp đặt thiết bị trạm cấp nước và trạm biến áp bảo đảm việc cung cấp nước sạch tập trung cho gần 300 hộ dân Khmer tại ấp Hòa Đông A với kinh phí trên 3,3 tỷ đồng. Xây dựng nhà hỏa táng và các công trình phụ trợ cho đồng bào dân tộc Khmer và cứng hóa đường Tổ 11, ấp Hòa Bình, xã Hòa Hiệp với tổng kinh phí trên 7,6 tỷ đồng.
Hỗ trợ trang thiết bị cho Trạm Y tế xã Hòa Hiệp với tổng kinh phí 197,9 triệu đồng… Nâng cấp cải tạo cơ sở vật chất công trình phụ trợ cho Trường PTDT Nội trú tỉnh Tây Ninh với tổng kinh phí trên 7,7 tỷ đồng… Đến cuối năm 2023, toàn tỉnh còn 2.083 hộ nghèo, hộ cận nghèo đa chiều, tỷ lệ 0,65%; trong đó, có 16 hộ nghèo, 48 hộ cận nghèo là đồng bào DTTS.
Bên cạnh đó, việc nâng cao đời sống vật chất, đời sống văn hóa tinh thần của đồng bào DTTS cũng được chú trọng. Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa được triển khai rộng khắp. Công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa DTTS được quan tâm, nhiều phong tục, tập quán của đồng bào DTTS được nghiên cứu, sưu tầm và phục dựng…
Đến dự và phát biểu chỉ đạo Đại hội, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm UBDT Y Thông cho rằng, Đại hội Đại biểu DTTS tỉnh Tây Ninh lần IV, năm 2024, là dịp tổng kết, đánh giá phong trào thi đua yêu nước, tôn vinh và biểu dương các tập thể, cá nhân tiêu biểu, xuất sắc có đóng góp trong vùng đồng bào DTTS, thông qua Quyết tâm thư và đề ra phương hướng, nhiệm vụ thực hiện công tác dân tộc giai đoạn 2024 – 2029.
“Đảng bộ, chính quyền, quân và dân cùng đồng bào các DTTS tỉnh Tây Ninh cần tiếp tục khẳng định mạnh mẽ về những công lao to lớn, những thành tựu đạt được đáng phấn khởi tự hào trong 5 năm qua để tăng thêm niềm tin vào sự nghiệp đổi mới của Đảng và của địa phương mình, quyết tâm phấn đấu đạt được những thành tựu cao hơn, to lớn hơn. Đồng thời, cũng cần nghiêm túc nhìn nhận và đánh giá những khó khăn, thách thức và tiềm năng, lợi thế của địa phương, nhằm xác định cụ thể nhiệm vụ, giải pháp thực hiện cho giai đoạn 2024 – 2029, coi đây là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng của tỉnh để đưa vào Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Tây Ninh, nhiệm kỳ 2025 – 2030 để triển khai thực hiện”, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Y Thông nhấn mạnh.
Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc cũng đề nghị, cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ, các tổ chức chính trị – xã hội cần tiếp tục nghiên cứu, nâng cao nhận thức sâu sắc các quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác dân tộc, đại đoàn kết dân tộc và chính sách dân tộc; tiếp tục phổ biến, quán triệt và triển khai thực hiện hiệu quả Kết luận số 65-KL/TW ngày 30/10/2019 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về công tác dân tộc trong tình hình mới.
Đẩy mạnh công tác giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào các DTTS, thực hiện hiệu quả 3 Chương trình MTQG, nhất là Chương trình MTQG phát triển KT- XH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 – 2030 trên địa bàn tỉnh. Quan tâm thực hiện tốt các chính sách, phát huy vai trò của Người có uy tín, già làng, người có ảnh hưởng trong các dòng họ, chức sắc, chức việc của các tôn giáo trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, củng cố hệ thống chính trị cơ sở. Đồng thời, tỉnh cần quan tâm bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá truyền thống tốt đẹp, các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của các DTTS; xây dựng nếp sống văn minh, đời sống văn hóa, xóa bỏ các tập tục không còn phù hợp.
Tại Đại hội, các đại biểu đã nghe trực tiếp các gương điển hình là Người có uy tín, cán bộ làm công tác dân tộc cơ sở, chia sẻ những kinh nghiệm, cách làm hay góp phần xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, giữ gìn an ninh trật tự xã hội trong cộng đồng…
Đại diện Đoàn Chủ tịch đã thông qua Quyết tâm thư với những nội dung quan trọng, bày tỏ sự quyết tâm thực hiện tốt các nhiệm vụ của đồng bào các DTTS trên địa bàn tỉnh Tây Ninh trong giai đoạn 2024 – 2029.
Nhân dịp Đại hội Đại biểu các DTTS tỉnh Tây Ninh lần thứ IV, năm 2024, Chủ tịch UBND tỉnh đã trao Bằng khen cho 10 tập thể và 30 cá nhân đã có thành tích xuất sắc trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc giai đoạn 2019 – 2024 trên địa bàn tỉnh Tây Ninh.
Đồng bào các DTTS tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, trách nhiệm, năng động, sáng tạo, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng và phát triển tỉnh Bình Phước