Với những tiềm năng, lợi thế đặc biệt liên quan đến ngành công nghiệp dầu khí, hệ thống cảng biển, dịch vụ logistics, du lịch biển và các ngành kinh tế biển khác, Bà Rịa – Vũng Tàu quyết tâm đến 2030 trở thành trung tâm kinh tế biển quốc gia và nằm trong nhóm 5 địa phương phát triển kinh tế biển hàng đầu cả nước.
Bãi biển TP Vũng Tàu.
Phát triển hướng tới tương lai
Chia sẻ tại Hội thảo lấy ý kiến về Đề án “Phát triển tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu thành Trung tâm kinh tế biển quốc gia” được tổ chức mới đây, PGS. TS Trần Đình Thiên – Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, là một trong số 28 tỉnh, thành phố có biển, Bà Rịa – Vũng Tàu là tỉnh có kinh tế biển đóng vai trò trụ cột phát triển điển hình.
Điều này được thể hiện không đơn thuần ở các tỷ lệ trong cơ cấu kinh tế (tỷ trọng sản lượng kinh tế biển trong GRDP, trong kim ngạch xuất – nhập khẩu, trong lao động – việc làm, đóng góp ngân sách…) lớn vượt trội mà đặc biệt là ở vai trò nền tảng trong kinh tế quốc gia (ngành dầu khí) và chức năng hội tụ – liên kết và dẫn dắt phát triển vùng – quốc gia (cảng biển trung chuyển quốc tế đầu tiên, duy nhất cho đến hiện tại).
Với vai trò và vị thế đặc biệt như vậy, kinh tế biển Bà Rịa – Vũng Tàu đã trải qua giai đoạn phát triển gần 40 năm trong đổi mới – chuyển đổi với nhiều bước đi thăng trầm. Thực tiễn đó chứa đựng nhiều vấn đề, với hàng loạt kinh nghiệm sống động và các bài học quý báu. “Hiện nay, khi nền kinh tế Việt Nam bước vào giai đoạn phát triển mới, khi kinh tế biển Việt Nam bắt đầu được định vị như một hệ thống phát triển mang tính tổ hợp hiện đại, nảy sinh một cách tự nhiên yêu cầu phải tổng kết lại quá trình thực tiễn phát triển kinh tế biển đó của Bà Rịa – Vũng Tàu một cách nghiêm túc và hệ thống, trên quan điểm “hướng tới tương lai”, PGS. TS Trần Đình Thiên nói.
Từ nhận định trên, PGS. TS Trần Đình Thiên cho rằng, để phát triển ngành kinh tế biển của Bà Rịa – Vũng Tàu cần có cách tiếp cận chiến lược theo hướng đặt trong tầm quốc gia – vùng tổng thể, vượt qua các giới hạn địa phương, là cơ sở để lựa chọn ưu tiên phát triển trong tổ hợp kinh tế biển Bà Rịa – Vũng Tàu. Sớm tiến hành điều tra, khảo sát, nghiên cứu toàn bộ không gian – tài nguyên biển, xác lập các loại bản đồ và bộ số liệu, tư liệu cụ thể, chi tiết về biển – đảo quốc gia.
PGS. TS Trần Đình Thiên đề nghị Trung ương – vùng tích cực xây dựng thể chế, cơ chế, chính sách phát triển chung cho các ngành kinh tế biển hiện đại; mạnh dạn phân quyền, trao cơ chế chủ động tối đa cho Bà Rịa – Vũng Tàu trong phát triển kinh tế biển. Đặc biệt, PGS Trần Đình Thiên nhấn mạnh yêu cầu “thể chế vượt trước” và “cho phép thử nghiệm hình mẫu phát triển”; Lựa chọn các ưu tiên chiến lược hợp lý, đặc biệt lưu ý: Phát triển Đô thị Cảng biển – Công nghiệp – Trung tâm Logistics hiện đại. Cảng biển – công nghiệp, vùng kết nối Cần Giờ (TP Hồ Chí Minh) và TP Phú Mỹ (Bà Rịa – Vũng Tàu). Xây dựng tổ hợp năng lượng quốc gia gồm dầu khí và các hợp phần năng lượng tái tạo, chú ý điện gió ngoài khơi.
Đột phá bằng công nghệ số
Tại Hội thảo, ông Trần Chí Dũng – Trưởng Ban Công nghệ – ĐMST Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam, Phó Viện trưởng Viện Quản trị Logistics Toàn Cầu kiến nghị giải pháp ứng dụng công nghệ logistics thúc đẩy phát triển đột phá về thương mại – dịch vụ tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.
Theo ông Trần Chí Dũng, căn cứ các nghiên cứu về cơ sở khoa học, các nghiên cứu của các chuyên gia hàng đầu thế giới tại Mỹ cũng như thực tế phát triển tại các nước Singapore, UAE, Hà Lan, Bỉ, Trung Quốc, ý kiến các chuyên gia, nhà quản lý và tình hình thực tế tại Việt Nam để đề xuất triển khai một số giải pháp có thể đưa vào đề án, đồng thời vẫn có thể triển khai ứng dụng có hiệu quả ngay tại Bà Rịa – Vũng Tàu.
Siêu tàu cập cảng Cái Mép – Thị Vải.
Ông Trần Chí Dũng cho rằng, sau hơn 10 năm quan tâm đặc biệt tới sự phát triển kinh tế biển và nhấn mạnh vai trò của dịch vụ logistics, Bà Rịa – Vũng Tàu đã có sự phát triển mạnh mẽ, đặc biệt là về cảng biển. Hiện nay Bà Rịa – Vũng Tàu cùng với các tỉnh, thành phố vùng Đông Nam Bộ đang đóng vai trò đầu tàu kinh tế, đảm nhận phần lớn số lượng hàng hóa và khối lượng hàng container luân chuyển cả nước, các dự án đang tiếp tục được xây dựng, phần lớn là các dự án dài hạn, quy mô rất lớn.
Tuy nhiên theo ông Trần Chí Dũng, hiện có nhiều cơ hội cần được tận dụng để vừa khai thác hiệu quả hơn các cơ sở vật chất, phương tiện, dịch vụ hiện có, đồng thời tạo điều kiện thực tế thuyết phục để hỗ trợ quyết định đầu tư cho tương lai. Đó là các giải pháp phát triển hạ tầng thông tin, hệ thống tích hợp và các ứng dụng thương mại số thúc đẩy phát triển đột phá về thương mại, dịch vụ. Các giải pháp này có tác động lớn đến hiệu quả hoạt động logistics và các chuỗi cung ứng – vừa giúp tăng doanh thu, vừa giảm chi phí cho các doanh nghiệp.
Quyết tâm trở thành trung tâm kinh tế biển quốc gia
Theo quy hoạch tỉnh được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đặt mục tiêu trở thành một trong những khu vực phát triển quan trọng của vùng Đông Nam Bộ vào năm 2030. Đây sẽ là trung tâm kinh tế biển quốc gia và trong nhóm năm địa phương hàng đầu về kinh tế biển của cả nước. Mục tiêu đến năm 2030 cơ bản đủ tiêu chuẩn của thành phố trực thuộc Trung ương và giữ vững vị trí trong nhóm 10 địa phương có GRDP và tổng thu ngân sách nhà nước cao nhất cả nước.
Tầm nhìn đến năm 2050, Bà Rịa – Vũng Tàu tiếp tục là trung tâm kinh tế biển quốc gia và trung tâm dịch vụ hàng hải của Đông Nam Á. Đồng thời, cũng là trung tâm du lịch chất lượng cao và một trong những trung tâm công nghiệp lớn của vùng Đông Nam Bộ. Quy hoạch này dựa trên tiềm năng và lợi thế cạnh tranh của tỉnh, bao gồm cảng container nước sâu Cái Mép – Thị Vải, một trong hơn 20 cảng tăng trưởng nhanh nhất thế giới, có khả năng tiếp nhận siêu tàu container. Tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cũng đang tiến hành quy hoạch và chuẩn bị các bước để phát triển trung tâm logistics cấp quốc gia và khu thương mại tự do kết nối với cảng biển tại khu vực Cái Mép Hạ.
Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, ông Nguyễn Văn Thọ nhấn mạnh về tầm quan trọng của việc biến Bà Rịa – Vũng Tàu thành Trung tâm kinh tế biển Quốc gia, đồng thời khẳng định sự quyết tâm và nỗ lực của tỉnh trong việc thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW và Nghị quyết 154/NQ-CP của Chính phủ, nhằm phát triển kinh tế – xã hội và bảo đảm an ninh – quốc phòng vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045. Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cũng cam kết rằng Đề án “Phát triển tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu thành trung tâm kinh tế biển quốc gia” sẽ được hoàn thiện và trình cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt để thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế biển của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, góp phần vào sự phồn thịnh của toàn vùng Đông Nam Bộ và cả nước.
Tại Quyết định 1629/QĐ-TTg năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn 2050, Bà Rịa – Vũng Tàu đặt mục tiêu đến năm 2030: Phát triển mạnh kinh tế biển để trở thành trung tâm kinh tế biển quốc gia; tỷ trọng kinh tế biển bao gồm dầu khí khoảng 75% GRDP, nếu không tính dầu khí khoảng 60% GRDP. Phương hướng phát triển kinh tế biển xác định: Xây dựng tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu trở thành trung tâm kinh tế biển quốc gia, đạt các tiêu chí quốc gia về phát triển bền vững kinh tế biển; hình thành và phát triển các ngành kinh tế biển chủ lực đạt tiêu chuẩn quốc tế gồm: du lịch biển đảo; kinh tế hàng hải (cảng biển, logistics, các dịch vụ vận tải biển); khai thác dầu khí và các tài nguyên khoáng sản biển khác; công nghiệp ven biển; nuôi trồng và khai thác hải sản; năng lượng tái tạo và các ngành kinh tế biển mới (khoa học công nghệ biển, đô thị biển). Chú trọng bảo vệ môi trường biển, ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng. Phấn đấu đến năm 2030, tỷ trọng các ngành kinh tế biển trong GRDP của tỉnh (không kể dầu khí) khoảng 60%, trong đó các ngành kinh tế thuần biển khoảng 20%. |
Tiến Dũng – Quốc Toàn