Những ngày cuối tháng 12 hay đầu năm mới, đến các nhà hàng, quán ăn không khó bắt gặp các bàn tiệc linh đình của công ty nọ hay doanh nghiệp kia tổ chức YEP.
“Tổng kết” chỉ toàn bia rượu
Trở về TP.HCM sau chuyến du lịch cuối năm dài hai ngày cùng công ty ở Vũng Tàu, anh Mạnh Hoàng (26 tuổi, ngụ TP Thủ Đức) vẫn còn nhợn tới cổ khi kể về bia rượu.
Quy mô công ty khoảng 30 người nên sếp anh Hoàng thuê xe 35 chỗ từ TP.HCM về Vũng Tàu mướn homestay nghỉ dưỡng. Anh Hoàng nói trong buổi họp sếp thông báo chuyến đi lồng ghép buổi YEP cuối năm để mọi người cùng nhau nhìn lại một năm làm việc và rút kinh nghiệm.
“Thật sự ban đầu tôi cùng vài người khác có việc bận vào hôm đó, định không đi mà sếp lồng ghép công việc vào đành bấm bụng đi vậy”, anh Hoàng nói.
Ngay khi lên xe, anh Hoàng ngã ngửa khi thấy cả chục thùng bia được chất vào gầm xe. Anh nói mình uống không tốt, làm vài ly cho vui chứ bắt uống nhiều anh đều tìm cách né.
Nói là đi du lịch Vũng Tàu cùng công ty nhưng anh Hoàng chẳng biết mùi biển ra sao bởi từ đầu ngày đến khi về chỉ toàn “nước có cồn” chứ chưa đụng chút nước biển nào.
Tiệc chính bắt đầu vào buổi tối, sau khoảng 15 phút sếp phát biểu, mọi người nhập tiệc. Không có kế hoạch, chẳng có nhìn lại một năm gì hết mà âm thanh anh Hoàng nghe nhiều nhất là… 123 dô dô!
Anh Hoàng uống được khoảng hai lon thì nhợn trong khi đó mọi người vẫn mời nhau liên tục. “Mỗi lần cảm thấy gần tới lượt mình là tôi tìm cách né vì đô yếu. Đâu ngờ sếp lại phạt, bắt uống một phát hai ly liên tục muốn xiểng niểng”, anh Hoàng lắc đầu ngao ngán.
Anh thừa nhận khi say cảm giác lâng lâng nên ai đưa cái gì cũng uống, cứ uống rồi lại đi nhà vệ sinh ói. Đến khi tỉnh dậy vào buổi sáng anh cũng chẳng biết ai đã đưa mình về phòng.
“Chưa đâu, bận về có uống thêm một tăng nữa, nói chung đi YEP ở Vũng Tàu tôi xỉn hết một nửa thời gian, nửa còn lại cũng ngồi trên bàn nhậu. Ngán quá ngán mà năm nào cũng vậy chứ không phải mới đây”, anh Hoàng lắc đầu xem đó là “kiếp nạn” chứ chẳng phải dịp đáng mong chờ gì.
Về tới TP.HCM, anh Hoàng nằm vật vờ cả ngày chẳng làm được gì. Ăn gì vào anh cũng ói. “Ói từ mật xanh tới mật vàng”, anh ngao ngán.
“Không uống là không nể nhau rồi”
Nói về những buổi tiệc cuối năm của mình, anh Lê Nguyễn Quang Minh (28 tuổi, ngụ quận 7), hiện là freelancer thiết kế đồ họa, lắc đầu. Anh luôn yêu thích sự tự do của nghề nghiệp. Không gò bó giờ giấc, không họp hành dài dòng và càng không có áp lực xã giao như khi làm việc tại công ty.
Duy chỉ dịp cuối năm cũ, đầu năm mới luôn làm anh ám ảnh. Mới đây anh Minh được mời tham dự tiệc tất niên của một đối tác lớn – nơi anh đã cộng tác hơn hai năm qua. Ban đầu anh cảm thấy vui vẻ vì đây là cơ hội gặp gỡ, kết nối và cảm ơn những người đã đồng hành cùng với mình. Nhưng bữa tiệc nhanh chóng trở thành nỗi ám ảnh khi anh liên tục bị ép rượu bia.
“Lúc đầu tôi lịch sự từ chối và giải thích rằng mình không uống được. Càng về sau mọi người càng cố tình ép, bảo rằng “uống một ly vì tình nghĩa”, rồi còn trêu tôi là không uống thì không tôn trọng người mời”, Minh chia sẻ với vẻ ngán ngẩm.
Là một freelancer, anh Minh không thuộc biên chế công ty nào nhưng vẫn phải duy trì mối quan hệ tốt đẹp với khách hàng, điều này khiến anh rơi vào thế khó xử: “Từ chối dễ mất lòng, đồng ý lại trái với nguyên tắc cá nhân. Mỗi lần không uống người ta lại bảo không nể khiến tôi rất khó xử”.
Buổi “tiệc uống” của anh Minh có rất nhiều cái cớ, đẹp trai cũng phải uống, xấu trai lại càng uống nhiều hơn. Ai được thưởng phải mời cả bàn, ai bị sếp chê thì tự phạt…
Hiện anh Minh đang làm cùng lúc ở ba chỗ khác nhau, nếu “hết mình” trong buổi tiệc của công ty này thì ngày mai chẳng ai làm công việc mà anh đang dở dang ở chỗ còn lại.
“Kiếp nạn” của anh Minh không chỉ tới một lần, anh vẫn còn hai buổi YEP cùng hai chỗ làm khác, dự kiến diễn ra trước khi nghỉ Tết.
Tôi vái trời đừng có tổ chức hoặc tổ chức vui kiểu khác, chứ mỗi lần YEP lại ép rượu bia sáng không tài nào dậy nổi. Nhậu cùng thì vui vẻ vậy chứ sáng hôm sau không hoàn thành công việc tôi vẫn bị chửi như thường.
Lê Nguyễn Quang Minh
Tốn tiền và lắm trò khó chịu
Anh Minh kể mệt nhất trong buổi YEP là câu chuyện soi mói lẫn nhau. “Đặc biệt là tiền thưởng cuối năm, những freelancer như chúng tôi sẽ nhận tiền thưởng ít hơn nhân viên cơ hữu nên cũng rất ngại chia sẻ mấy việc như vậy”, anh Minh nói thêm.
Ngoài ra trong các buổi YEP, các thành viên trẻ tuổi thường tổ chức các hoạt động văn nghệ, múa hát. Anh Minh nói có trend trên TikTok các bạn ấy bắt chước lại khiến những người gần 30 tuổi đầu như anh nhìn đã không ưng mắt. “Lắc qua lắc lại rất kỳ, dù sao mình cũng đi làm rồi, đâu còn như các bạn sinh viên mà múa hát bay nhảy như vậy”, anh Minh giải thích.
Không chỉ rượu bia, với các chị em mỗi lần đi YEP là một lần phải sắm đồ mới. Như trường hợp của chị Thư (26 tuổi, ngụ TP Thủ Đức), nhân viên tổ chức sự kiện của một công ty tại quận 1, cho biết YEP của công ty chị còn quy định “dress code” (quy tắc trang phục) khiến chị phải tốn thêm một khoản tiền để mua đồ mới.
Chị Thư nói mình thường mặc đồ công sở nhiều, chủ yếu chỉ váy với sơ mi màu đơn giản, đợt vừa rồi công ty lại quy định trang phục đến YEP là màu trắng và đỏ khiến chị vô cùng bối rối.
“Đỏ thì đương nhiên không có rồi tại tôi ít mặc màu đó lắm, trắng chỉ có sơ mi mặc đi làm hằng ngày, không lẽ tiệc cuối năm lại vác bộ đồ công sở đến. Vậy là phải cắn răng ra shop mua cái áo mới đứt gần 500.000 đồng”, chị Thư kể.
Đặc thù công việc yêu cầu tính thẩm mỹ cao nên mỗi năm công ty của chị Thư lại quy định một kiểu trang phục khác nhau. Có những màu theo chị sặc sỡ đến mức chị không dám diện.
“Theo tôi, dù sao cũng là anh chị em cùng công ty, quen mặt nhau cả rồi, buổi tiệc chỉ cần ăn mặc gọn gàng, lịch sự là đủ. Như tôi chưa có gia đình còn đỡ, chứ nhiều chị có gia đình cuối năm biết bao nhiêu việc dùng tiền mà còn phải chi cho món đồ chỉ mặc một lần”, chị Thư bày tỏ.
Các trò chơi teambuilding cũng là nỗi sợ của người hướng nội như chị Thư: “Hồi trước công ty tôi có tổ chức mấy cái trò “động chạm” như là truyền trái cây bằng miệng, đập bong bóng bằng ngực… một số người như tôi thường không tham gia vì ngại”.
Năm nay công ty chị Thư tổ chức một kiểu trò chơi tập thể khác, không “động chạm” nhưng còn khó chịu hơn. “Cả nhóm sẽ điền tên và phiếu bỏ vào thùng, lần lượt từng người bốc, bốc trúng tên ai thì người bốc sẽ hỏi người trong phiếu một câu bất kỳ. Còn người có tên trong phiếu được chọn trả lời hoặc uống hai ly bia”, chị Thư miêu tả.
Theo chị Thư, trò chơi này chỉ vui khi đối phương hỏi đúng chuẩn mực. Chị kể có nhiều câu hỏi về gia đình, chuyện yêu đương, thậm chí là những câu về chủ đề nhạy cảm rất khó trả lời.
Chị Thư cho rằng YEP chỉ thật sự vui nếu có giới hạn và mang tính gắn kết tập thể: “Vì không muốn làm mất cuộc vui của mọi người nên tôi cũng tham gia nhưng hễ đến lượt tôi lại bị hỏi mấy câu rất kỳ cục, đành phải uống hai ly. Nhiều người ngại trả lời phải uống liên tục, gục tại bàn mà họ vẫn ngồi chơi tiếp. Có người hôm sau nói lại với tôi YEP kế tiếp sẽ viện cớ không đi nữa”.