Ghi nhận từ các hãng lữ hành và điểm đến du lịch cho thấy, trong kỳ nghỉ lễ Quốc khánh năm nay, du khách có xu hướng chủ động đặt dịch vụ sớm; đối tượng khách tập trung vào nhóm gia đình, bạn bè; nhu cầu đi du lịch trong ngày, sử dụng các dịch vụ lẻ chiếm ưu thế; nhiều khách chọn hình thức di chuyển bằng phương tiện cá nhân thay vì mua tour trọn gói.
Theo thống kê của Cục Du lịch quốc gia Việt Nam, trong 4 ngày nghỉ lễ (từ 31/8-3/9/2024),ngành du lịch cả nước ước tính phục vụ khoảng 3 triệu lượt khách, tăng 20% so với cùng kỳ năm 2023.
Công suất phòng trung bình tại các cơ sở lưu trú du lịch đạt 56%, tăng 1,85% so với kỳ nghỉ lễ năm 2023, riêng hai ngày 1 và 2/9/2024 công suất đạt trên 60%.
Nhiều điểm đến thu hút đông du khách dịp này là: Đà Lạt, Măng Đen, Nha Trang, Sa Pa, Hạ Long, Thanh Hóa, Huế, Phan Thiết, Vũng Tàu…
Các địa phương đón được lượng khách lớn là: Thành phố Hồ Chí Minh (đón và phục vụ 980.000 lượt khách, tổng thu du lịch ước đạt 2.940 tỷ đồng, công suất phòng trung bình ước đạt 85%); Hà Nội (đón và phục vụ 672.900 lượt khách, tổng thu thu du lịch ước đạt hơn 2.180 tỷ đồng, công suất phòng trung bình ước đạt 61,2%); Hải Phòng (đón và phục vụ 580.000 lượt khách, công suất phòng trung bình ước đạt 75-80%);
Khánh Hoà (đón và phục vụ 578.219 lượt khách, tổng thu từ du lịch ước đạt 756,3 tỷ đồng); Bà Rịa-Vũng Tàu (đón và phục vụ 555.984 lượt khách, tổng thu du lịch đạt khoảng 333,615 tỷ đồng, công suất phòng trung bình đạt 80-85%); Quảng Ninh (đón và phục vụ 455.000 lượt khách, tổng thu du lịch ước đạt 1.033 tỷ đồng);
Thanh Hóa (đón và phục vụ 395.700 lượt khách, tổng thu du lịch đạt 870,5 tỷ đồng, công suất phòng trung bình đạt khoảng 35%-37%); Bình Thuận (đón và phục vụ 385.000 lượt khách, tổng thu du lịch ước đạt khoảng 510 tỷ đồng, công suất phòng trung bình ước đạt từ 80-95%);
Đà Nẵng (đón và phục vụ 308.000 lượt khách, tổng thu du lịch đạt hơn 1.200 tỷ đồng, công suất phòng trung bình đạt 50-55%, riêng khối 4-5 sao đạt 55%-65%)…
Nhìn chung, các chỉ tiêu phục vụ khách và tổng thu từ khách du lịch tại các tỉnh, thành phố đều tăng khá so với cùng kỳ năm trước.
Dịp này, khách du lịch quốc tế tới các địa phương trọng điểm du lịch cũng cơ bản tăng, là tín hiệu khả quan cho mùa du lịch inbound bắt đầu từ tháng 10 tới. Khách quốc tế chủ yếu đến từ các thị trường: Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Ấn Độ, châu Âu, Mỹ, với thời gian lưu trú khoảng 4-5 đêm.
Du khách tham quan danh thắng Tam Cốc, Ninh Bình. |
Để đáp ứng tối đa nhu cầu tham quan, vui chơi nghỉ dưỡng của khách du lịch kỳ nghỉ lễ, các địa phương đã phối hợp cùng cơ sở kinh doanh du lịch trên địa bàn chủ động làm mới, xây dựng thêm các sản phẩm du lịch đa dạng, hấp dẫn, tiêu biểu như: dịch vụ trải nghiệm du ngoạn sông Hàn, trải nghiệm dù lượn ngắm Đà Nẵng từ trên cao, tour xích lô du lịch khám phá vẻ đẹp về đêm của Đà Nẵng;
Thành phố Hồ Chí Minh mở thêm tuyến tham quan bằng xe buýt 2 tầng và khai trương Phố thương mại-ẩm thực Sky Garden; Khu du lịch Bò Cạp Vàng (Đồng Nai) ra mắt thêm hạng mục thác nước nhân tạo Bliss; Đà Lạt ra mắt bản đồ du lịch nghệ thuật (Dalat Art Map)…
Bên cạnh đó, nhiều sự kiện văn hóa, lễ hội, nghệ thuật cũng được các địa phương tổ chức nhộn nhịp trong kỳ nghỉ lễ để thu hút du khách, nâng cao sức cạnh tranh điểm đến.
Cùng với du lịch nội địa, thị trường du lịch ourbound trong kỳ nghỉ lễ cũng diễn ra khá sôi động, với lượng tour khởi hành lớn và điểm đến đa dạng. Một số đơn vị lữ hành lớn ghi nhận số lượng đặt tour đi nước ngoài cao hơn so với tour nội địa. Các điểm đến thu hút đông du khách Việt là: Bangkok (Thái Lan), Bali (Indonesia), Tokyo (Nhật Bản), Seoul (Hàn Quốc).
Đáng chú ý, điểm đến Campuchia và Lào được du khách Việt quan tâm nhiều do thời gian tour phù hợp và giá không quá cao.
Tour đi Trung Quốc bằng đường bộ và đường không tới các điểm đến Phượng Hoàng cổ trấn, Côn Minh, Đại Lý, Lệ Giang, Bắc Kinh, Thượng Hải… dịp này thu hút đông khách Việt bởi sự đa dạng tuyến điểm, mức giá phù hợp mọi đối tượng khách, các cửa khẩu đường bộ được mở rộng và áp dụng công nghệ thông quan nhanh chóng, số lượng các chuyến bay charter gia tăng…
Theo đánh giá của Cục Du lịch quốc gia Việt Nam, nhìn chung, công tác phục vụ khách du lịch dịp nghỉ lễ 2/9 được bảo đảm tốt, không có các sự cố đáng tiếc liên quan đến khách du lịch xảy ra. Các địa phương, doanh nghiệp đã nghiêm túc chấp hành, quán triệt, bảo đảm an toàn trong hoạt động du lịch; chủ động tổ chức các đoàn thanh, kiểm tra liên ngành, xử lý nghiêm các vi phạm trong chấp hành pháp luật về kinh doanh du lịch, bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm; nâng cao chất lượng và tính chuyên nghiệp trong phục vụ du khách.
Kết quả này cho thấy du lịch nội địa tiếp tục có sự tăng trưởng cao, du lịch quốc tế đang dần lấy lại đà tăng trưởng. Đây là tín hiệu khả quan cho mùa du lịch cuối năm và mùa đón khách inbound của du lịch Việt Nam.
Tuy nhiên, hoạt động du lịch dịp này vẫn bộc lộ một số hạn chế, đó là công suất phòng trung bình tại một số trọng điểm du lịch không tăng tương ứng với lượng khách đến, do khách lựa chọn đi gần, đi tự túc, khách nội tỉnh chiếm phần lớn và không lưu trú qua đêm.
Bên cạnh đó, giá vé máy bay cao khiến giá tour nội địa cao, dẫn đến một bộ phận khách chọn đi du lịch nước ngoài thay vì trong nước; tổng thu du lịch không tăng tương ứng với lượng khách do xu hướng thắt chặt chi tiêu, sức mua thấp…
Ngoài ra, tình trạng ùn, tắc cục bộ tại các điểm du lịch Sapa, Tam Đảo, nội đô thành phố Nha Trang, trên các tuyến đường ra, vào các thành phố lớn và tình trạng chậm chuyến bay trong ngày đầu, ngày cuối kỳ nghỉ lễ vẫn diễn ra.
Thêm nữa, tuy đã chủ động xây dựng và làm mới sản phẩm nhưng việc tổ chức các loại hình, sản phẩm du lịch tại một số nơi vẫn chưa phong phú, các điểm vui chơi giải trí chưa có nhiều dịch vụ đặc sắc, hấp dẫn du khách.
Đây là những tồn tại cần được nghiên cứu kỹ để tìm giải pháp khắc phục, rút kinh nghiệm, nâng cao khả năng thu hút, phục vụ khách của du lịch Việt Nam.