Không phải ngẫu nhiên, Bộ Giao thông – Vận tải (GTVT) vừa phải phát công văn hỏa tốc gửi Cục Đường bộ Việt Nam, Công ty cổ phần Phát triển đường cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu (BVEC) và một số đơn vị liên quan yêu cầu giải quyết dứt điểm các tồn tại của Dự án BOT Đầu tư xây dựng mở rộng Quốc lộ 51, đoạn từ Km0 +900 đến Km73 + 600 (Dự án BOT Quốc lộ 51).
Được biết, Dự án BOT Quốc lộ 51 là một trong những công trình BOT đường bộ chưa đạt được sự đồng thuận giữa nhà đầu tư (BVEC) và cơ quan nhà nước có thẩm quyền (Cục Đường bộ Việt Nam) liên quan đến thời gian thu phí tạo lợi nhuận. Cụ thể, trong khi BVEC khẳng định có quyền thu phí tạo lợi nhuận theo quy định tại hợp đồng BOT đã ký đến giữa tháng 1/2030 (khoảng 4 năm), thì Cục Đường bộ Việt Nam cho rằng, thời gian thu phí tạo lợi nhuận chỉ có 9 tháng.
Để tránh việc BVEC thu phí vượt quá thời gian, đầu tháng 1/2023, Cục Đường bộ Việt Nam đã phát văn bản yêu cầu tạm dừng thu phí tại các trạm thu phí thuộc Dự án BOT Quốc lộ 51 từ 7h00 ngày 13/1/2023, trong khi các cuộc đàm phán giữa hai bên vẫn chưa kết thúc.
Tính từ tháng 1/2023 đến nay, do các bên đã trải qua hơn 20 cuộc đàm phán, mà không đạt được sự đồng thuận, nên buộc nhà đầu tư phải rải đơn kêu cứu khắp các cơ quan nhà nước, Quốc hội để đòi quyền lợi.
Điều đáng nói là, mặc dù lãnh đạo Chính phủ và Bộ GTVT đã có nhiều văn bản yêu cầu các cơ quan liên quan, trong đó có Cục Đường bộ Việt Nam (là đơn vị quản lý trực tiếp), phải khẩn trương giải quyết dứt điểm các tồn tại, xác định chính thức ngày kết thúc thu phí của Dự án theo hình thức hợp đồng BOT, nhưng kể từ khi dừng thu phí đến nay đã hơn 1 năm 8 tháng, việc triển khai thực hiện rất chậm và chưa giải quyết dứt điểm những tồn tại.
Cũng do chưa thể giải quyết dứt điểm các tranh chấp, nên việc sở hữu toàn dân đối với đoạn Quốc lộ 51 thuộc Dự án đã không thể thực hiện được, gây rất nhiều khó khăn trong việc xem xét bố trí vốn ngân sách để duy tu, bảo dưỡng và nâng cấp, cải tạo. Hậu quả là sau khi tạm dừng thu phí đến nay, đoạn Quốc lộ 51 huyết mạch nối các tỉnh trong khu vực Đông Nam bộ đã xuất hiện nhiều vị trí hư hỏng, tình trạng ổ gà, mặt đường rạn nứt, vạch sơn phân làn nhiều đoạn bị mất…, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông.
Cần phải nói thêm rằng, tình trạng “bỗng nhiên vô chủ” không chỉ xảy ra đối với Dự án BOT Quốc lộ 51. Hiện có ít nhất một dự án BOT đường bộ khác cũng xảy ra tình trạng bị dừng thu phí trong khi chưa đạt được sự đồng thuận về thời gian thu phí tạo lợi nhuận, hoàn toàn có thể phát sinh những điểm nóng về an toàn giao thông.
Để tránh tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm ảnh hưởng đến hiệu quả xử lý công việc và sớm giải quyết dứt điểm những tồn tại của dự án, các cơ quan quản lý, đặc biệt là Cục Đường bộ Việt Nam, cần thực hiện đầy đủ chức năng, nhiệm vụ được giao, với vai trò là cơ quan ký kết hợp đồng và cơ quan quản lý trong giai đoạn kinh doanh, khai thác dự án. Cơ quan này cũng cần kịp thời có giải pháp xử lý dứt điểm những tồn tại tại dự án theo thẩm quyền, chỉ báo cáo Bộ GTVT các vấn đề vượt thẩm quyền để xem xét giải quyết hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền theo quy định tại khoản 2, Điều 18, Thông tư số 50/2022/TT-BGTVT, ngày 30/12/2022 về việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của cơ quan có thẩm quyền, cơ quan ký kết và thực hiện hợp đồng dự án đầu tư theo phương thức PPP do Bộ GTVT quản lý.
Đối với công tác bảo trì trong giai đoạn tạm dừng thu phí, Cục Đường bộ Việt Nam – với trách nhiệm là cơ quan quản lý trong giai đoạn khai thác – cần khẩn trương kiểm tra, rà soát và làm việc với các nhà đầu tư để làm rõ trách nhiệm thực hiện công tác bảo trì, bảo đảm an toàn trong khai thác theo quy định. Quan trọng hơn là, khi hai bên đang lệch nhau và không đi đến thống nhất, thì cần sớm đưa vụ việc ra cơ quan độc lập (là Trọng tài Thương mại hoặc Tòa kinh tế) để phân xử.
Đây chính là cách ứng xử văn minh, hiệu quả nhất với không chỉ Dự án BOT Đầu tư xây dựng mở rộng Quốc lộ 51 đoạn từ Km0 +900 đến Km73 + 600, mà còn cho các dự án BOT có những tranh chấp, vướng mắc khác trong thời gian tới.