Giá tiêu trong nước hôm nay
Giá tiêu hôm nay được cập nhật lúc 4h30 sáng ngày 13/1/2025 như sau, giá tiêu trong nước quay về mốc khoảng 147.000 đồng/kg sau nhiều phiên giảm liên tiếp. Hiện thị trường tiêu ở các địa phương trọng điểm có giá khoảng 147.100 đồng/kg.
Cụ thể, giá tiêu hôm nay ở tỉnh Gia Lai ghi nhận mức mức ổn định so với phiên giao dịch trước đó, hiện được thu mua ở mức 147.000 đồng/kg; tương tự giá tiêu ở tỉnh Bình Phước cũng được thu mua với giá 147.000 đồng/kg.
Tương tự, thị trường tiêu ở Bà Rịa – Vũng Tàu và Đắk Lắk sau nhiều phiên giảm cũng đã bắt đầu ổn định và được thu mua ở mức 147.000 đồng/kg.
Riêng thị trường tiêu Đắk Nông được thu mua nhỉnh hơn so với các địa phương khác, hiện giá tiêu ở địa phương này ở mức 147.500 đồng/kg.
Giá tiêu trong nước cập nhật ngày 13/1/2025 |
Các chuyên gia đánh giá, hiện hạt tiêu tồn kho trong dân đang thấp, vụ mùa năm tới đến muộn và quyền tự quyết bán hàng của nông dân cao hơn (thu nhập tốt giúp họ có thể không bán ngay mà trữ lại chờ giá lên). Những lý do trên cộng với kỳ vọng Trung Quốc mua mạnh trở lại là những yếu tố có thể giúp giá tiêu tăng cao trong vụ thu hoạch 2025.
Theo Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại – Bộ Công Thương (VITIC), sau Việt Nam, Brazil là quốc gia sản xuất và xuất khẩu tiêu đen lớn thứ hai thế giới, chiếm 17 – 18% nguồn cung toàn cầu. Tuy nhiên, xuất khẩu hạt tiêu của Brazil vụ mùa 2024 giảm mạnh, đánh dấu mức giảm trong 3 năm liên tiếp, do sản lượng thấp trước tác động của El Nino. Trong cả năm 2024, xuất khẩu tiêu của Brazil chỉ đạt 61.665 tấn, giảm mạnh 23,6% (tương đương 19.037 tấn) so với năm 2023.
Hiện, thị trường hạt tiêu hiện tại khá trầm lắng, giao dịch thấp. Trong khi đó, nông dân, đại lý và nhà xuất khẩu đang hạn chế bán ra và giữ hàng, hy vọng giá sẽ tăng mạnh sau Tết Nguyên Đán.
Thu hoạch tiêu của nông dân tỉnh Đắk Nông |
Theo báo cáo tháng 12/2024 của Công ty Bioingredia Natural (có trụ sở tại Ấn Độ), nguồn cung tại hạt tiêu Việt Nam trong năm 2024 bị ảnh hưởng bởi vụ mùa nhỏ hơn và diện tích canh tác giảm do thời tiết bất lợi. Sản lượng vụ mùa của Việt Nam ước tính từ 160.000 tấn đến 175.000 tấn. Vụ thu hoạch sắp tới có thể bị trì hoãn khoảng 2 tháng do điều kiện thời tiết khó lường.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia nhận định, bước sang năm mới nhu cầu bắt đầu tăng lên từ các thị trường lớn, bao gồm Mỹ, EU, Trung Đông và Trung Quốc, dẫn đến giá tăng 1,53% vào tháng trước. Những người mua hàng đang dự đoán giá sẽ giảm trong quý 1 năm 2025 để đưa ra quyết định mua hàng.
Tại Việt Nam, sau thời gian tăng giá, những ngày qua thị trường tiêu trong nước đã đảo chiều, giảm mạnh, đặc biệt tại Tây Nguyên, với Đắk Lắk giảm đến 6.000 đồng/kg; hiện giá tiêu hiện tại quanh mức 147.000 đồng/kg.
Những vườn tiêu xanh tốt ở tỉnh Đắk Nông |
Giá tiêu thế giới hôm nay
Cập nhật giá tiêu thế giới từ Hiệp hội Hồ tiêu Quốc tế (IPC) lúc 4h30 ngày 13/1/2025 như sau: thị trường tiêu thế giới đã ổn định trở lại sau nhiều phiên – tăng giảm trước đó.
Cụ thể, IPC niêm yết giá tiêu đen Lampung của Indonesia đang ở mức 6.841 USD/tấn so với phiên giao dịch trước, tương tự giá tiêu trắng Muntok được thu mua với giá 8.953 USD/tấn.
Thị trường tiêu Malaysia sau nhiều phiên tăng mạnh đã ổn định và đang neo ở mức cao, hiện giá tiêu đen ASTA của Malaysia được thu mua ở mức giá 8.700 USD/tấn và giá tiêu trắng ASTA ở mức 11.100 USD/tấn.
Tương tự, thị trường tiêu Brazil tiếp tục neo ở mức cao, hiện giá đang ở mức 6.350 USD/tấn.
Thị trường tiêu Việt Nam xuất khẩu ổn định và tăng nhẹ. Cụ thể, giá tiêu đen Việt Nam xuất khẩu hiện đạt mức giá 6.350 USD/tấn với loại 500 g/l và loại 550 g/l đạt mức giá 6.650 USD/tấn; giá tiêu trắng đang ở mức giá 9.550 USD/tấn.
Cập nhật giá tiêu thế giới hôm nay ngày 13/1/2025 |
Tại Malaysia, hạt tiêu tiếp tục tăng trưởng nhờ nhu cầu quốc tế mạnh mẽ và sự hỗ trợ từ chính phủ. Xuất khẩu tiêu của Malaysia trong 10 tháng đầu năm đạt 4.787 tấn, trị giá gần 30 triệu USD, tăng 30,3% về giá trị.
Ở Brazil, xuất khẩu tiêu giảm mạnh 41% trong tháng 12, chỉ đạt 4.374 tấn. Việt Nam nhập khẩu 3.750 tấn tiêu trong tháng 12, giảm 14,4% so với tháng trước, chủ yếu từ Indonesia (81,9%).