Du lịch là 1 trong 4 trụ cột tăng trưởng được xác định tập trung phát triển tại Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Điều này cho thấy tầm quan trọng cũng như kỳ vọng của tỉnh trong việc đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, đóng góp vào sự phát triển kinh tế-xã hội địa phương.
Long Hải được định hướng phát triển chủ đạo khu nghỉ dưỡng ven biển. Trong ảnh: Bãi biển Long Hải nhìn từ trên cao.
Phát triển du lịch theo trục Đông Nam
Theo Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, vùng chức năng du lịch và đô thị biển phát triển về phía Đông Nam của tỉnh, từ dọc QL55 và QL51 đến khu vực ven biển dọc đường ĐT994 thuộc địa giới hành chính của TP.Vũng Tàu, các huyện: Long Điền, Đất Đỏ, Xuyên Mộc. Hình thành trục động lực kinh tế du lịch, tạo vành đai liên kết phát triển du lịch với các tỉnh thuộc vùng Đông Nam Bộ, Đồng bằng sông Cửu Long, Tây Nguyên và các tỉnh Nam Trung Bộ.
Trên cơ sở phát huy lợi thế biển, đảo, cảnh quan núi rừng, tài nguyên đa dạng sinh học, văn hóa, lịch sử, quy hoạch này định vị phát triển Bà Rịa-Vũng Tàu thành trung tâm vui chơi giải trí, nghỉ dưỡng chất lượng cao, tầm cỡ quốc gia và xứng tầm quốc tế. Phát triển chuỗi sản phẩm, dịch vụ về du lịch nghỉ dưỡng, du lịch biển, đảo, du lịch thể thao giải trí, văn hóa, sinh thái, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe, làm đẹp, bất động sản du lịch gắn với phát triển hệ thống đô thị du lịch ven biển Vũng Tàu-Long Hải-Phước Hải-Hồ Tràm-Bình Châu theo hướng đô thị xanh, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu. Chất lượng hạ tầng đô thị và môi trường sống vượt trội so với các đô thị khác trong vùng Đông Nam Bộ.
Có thể nói Bà Rịa-Vũng Tàu đã hình thành nền móng du lịch chất lượng cao với hệ thống cơ sở lưu trú, hạ tầng phục vụ du lịch và chất lượng dịch vụ, nguồn lao động ngày càng cải thiện tốt hơn.
Ông Trịnh Hàng, Giám đốc Sở Du lịch
|
Quy hoạch cũng hoạch định các vùng, KDL kèm sản phẩm chủ đạo. Cụ thể, vùng đô thị du lịch TP.Vũng Tàu và phụ cận (Long Sơn, Gò Găng) tập trung phát triển sản phẩm du lịch thương mại, công vụ, hội nghị-hội thảo (MICE), nghỉ dưỡng biển, vui chơi, giải trí chất lượng cao. KDL quốc gia Long Hải-Phước Hải và phụ cận phát triển chủ đạo khu nghỉ dưỡng ven biển. KDL quốc gia Hồ Tràm-Bình Châu và vùng phụ cận phát triển nghỉ dưỡng gắn với thiên nhiên rừng, biển, giải trí chất lượng cao. KDL quốc gia Côn Đảo theo mô hình sinh thái biển đảo và văn hóa-lịch sử đặc sắc tầm cỡ khu vực và quốc tế, có sức cạnh tranh cao, chú trọng bảo vệ và bảo tồn đa dạng sinh học, bảo tồn, phát huy giá trị di tích lịch sử quốc gia đặc biệt.
Không gian xanh tại Palace Long Hải Resort.
Xây dựng chiến lược bài bản
Hiện nay, cơ sở vật chất, hạ tầng phục vụ du lịch trên địa bàn tỉnh được đánh giá đồng bộ và ngày càng nâng cao cả về chất lượng và số lượng. Nhiều khách sạn, resort ven biển được đầu tư, quản lý, vận hành bởi thương hiệu quốc tế hàng đầu thế giới về ngành khách sạn nghỉ dưỡng như: Mecure (quản lý ibis Styles Vũng Tàu và Mercure Vũng Tàu), Fusion Suite (quản lý Ixora Hồ Tràm và Fusion Suites Vũng Tàu), Accor quản lý khách sạn Pullman, Meliá Hotels International…
Đặc biệt, tuyến Hồ Tràm-Hồ Cốc-Bình Châu-Phước Hải nổi lên với chuỗi resort và dịch vụ giải trí đa dạng, cao cấp, nối tiếp nhau ven biển thuận lợi cho du lịch nghỉ dưỡng, MICE. Trong quá trình hoạt động, các nhà đầu tư du lịch cũng không ngừng bổ sung, làm mới, nâng chất dịch vụ mà còn còn hợp lực quảng bá mạnh mẽ điểm đến.
Bà Nguyễn Ngọc Ánh, Phó Tổng Giám đốc Palace Long Hải Resort cho rằng, so với các vùng du lịch khác trên toàn tỉnh, dải bờ biển Long Hải vẫn còn đậm nét tự nhiên. Trong giai đoạn đầu, Palace Long Hải Resort tập trung cải tạo cơ sở vật chất, giữ chất lượng dịch vụ theo chuẩn 4 sao; đồng thời, tôn tạo cảnh quan, trồng thêm mảng xanh, tô điểm không gian resort luôn rợp bóng cây.
Khi diễn biến thị trường lạc quan hơn, doanh nghiệp sẽ khởi động đầu tư khu khách sạn 7 tầng, phục dựng cải tạo lầu Chú Hỏa thành điểm check-in, kết hợp nhà hàng, cà phê, bar ngắm hoàng hôn; xây dựng khu shophouse để tạo ra khu phức hợp nghỉ dưỡng cung cấp đa trải nghiệm cho du khách đến Long Hải.
Hồ Tràm-Bình Châu phát triển nghỉ dưỡng gắn với thiên nhiên rừng, biển và giải trí chất lượng cao. Trong ảnh: Khu phức hợp The Grand Ho Tram.
Ông Trịnh Hàng, Giám đốc Sở Du lịch cho hay, hiện nay, tỉnh đang tập trung đầu tư hạ tầng giao thông kết nối liên tỉnh. Nhiều chương trình đồng hành cùng DN, nhà đầu tư được thực hiện song hành cùng đẩy mạnh kinh tế số, sử dụng nền tảng công nghệ số tối ưu trong quảng bá, xúc tiến du lịch trên các phương tiện thông tin trong nước và quốc tế. Bên cạnh đó, địa phương cũng thành công trong xây dựng môi trường du lịch an toàn, chất lượng.
Trên cơ sở quy hoạch tỉnh, Sở Du lịch đã tham mưu UBND tỉnh dự thảo Chiến lược phát triển du lịch tỉnh đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050. Chiến lược đặt mục tiêu đến năm 2030 phát triển Bà Rịa-Vũng Tàu thành trung tâm nghỉ dưỡng đẳng cấp, điểm đến vui chơi giải trí đặc sắc hàng đầu Việt Nam, nổi tiếng trong khu vực.
Toàn tỉnh có 1.491 cơ sở lưu trú (30.631 phòng), trong đó 89 khách sạn đã được xếp hạng từ 1 – 5 sao (8.522 phòng). Riêng khách sạn từ 3 đến 5 sao có 52 cơ sở. Đáng chú ý, các cơ sở lưu trú trên phân bổ trải dọc theo đường bờ biển đất liền và Côn Đảo với sản phẩm chủ đạo nghỉ dưỡng, hội nghị, hội thảo, giải trí chất lượng cao. |
Tầm nhìn đến năm 2050, điểm đến Bà Rịa-Vũng Tàu nổi tiếng trên bản đồ khu vực và thế giới, có hệ thống chuỗi đô thị du lịch ven biển sôi động với các loại hình đa dạng, độc đáo. Ngành du lịch có trình độ phát triển cao, thực sự trở thành động lực thúc đẩy thương mại, dịch vụ và các ngành khác, góp phần quan trọng hình thành cơ cấu kinh tế hiện đại dựa trên nền tảng tăng trưởng xanh bền vững.
Chiến lược đề ra giải pháp và phân công nhiệm vụ thực hiện cụ thể. Dự thảo đang trong giai đoạn lấy ý kiến các sở, ngành, chuyên gia, nhà đầu tư… trước khi tổng hợp trình UBND tỉnh.
ĐĂNG KHOA