Vũng Tàu trước nay có nhiều tên gọi khác nhau. Từ thế kỷ XIII, vùng đất này đã có tên Chân Bồ. Từ đầu thế kỷ XVI trở đi được các nhà hàng hải, du hành phương Tây gọi với những cái tên khác nhau: Oporto Cinco Chagas Verdareiras, Cinco Chagas, Saint Jacques, Cape St. James, Vung-tao, Pungtao, mũi Vịnh Tàu…
Một góc TP. Vũng Tàu ngày nay. Ảnh: HỮU NGỢT |
Vũng Tàu – Cap Saint Jacques, nơi từng là biên giới xứ Chân Lạp, được các chúa Nguyễn lấy về trong quá trình mở mang bờ cõi, rồi phát triển thành một cảng dừng chân xung yếu… Vũng Tàu được biết đến từ thế kỷ XIII với tên gọi là trấn Chân Bồ. Có lần, sứ giả Châu Đạt Quan theo sứ đoàn Trung Hoa đi thăm kinh đô Angkor của Chân Lạp (nay thuộc Campuchia), lúc về kể lại rằng: “Rời bến Ôn Châu ở Chiết Giang… đi ngang Giao Chỉ Dương và đến xứ Chiêm Thành. Ở đấy, nhờ thuận gió, trong vòng 15 ngày ta có thể đến thị trấn Chân Bồ, đó là biên giới xứ Chân Lạp”.
Từ năm 1775, tàu thuyền của Bồ Đào Nha và Pháp ra vào vùng biển Vũng Tàu để buôn bán, trao đổi hàng hóa và từ đấy người Pháp gọi Vũng Tàu với tên Cap Saint Jacques (nghĩa là “Mũi đất của Thánh Giacôbê”). Vào cuối đời vua Gia Long (1820), triều đình nhà Nguyễn đã điều 3 đội quân đến đây xây dựng đồn lũy, chống hải tặc, trấn giữ cửa biển, bảo vệ sự bình yên cho vùng biển này.
Trong sách Gia Định thành thông chí (1820) của Trịnh Hoài Đức, địa danh Vũng Tàu được chép là Thuyền Úc: “Tục gọi Vũng Tàu, ở về phía Đông cách trấn 234 dặm rưỡi. Lưỡi đất phòi ra ngoài biển, càng ra xa càng lớn. Phía Bắc bao lấy cửa Tắc Ký, phía Nam dựa vào Thát Sơn (núi Ghành Rái), che khuất cửa biển Cần Giờ. Thế đất trông rất sung mãn, mặt vũng hướng về Tây, lòng vũng to rộng là nơi thu kết các dòng nhỏ của các sông đầm và các ngòi rạch chảy về biển, làm nơi ghe thuyền đến đậu rất yên ổn”.
Bãi Trước, TP. Vũng Tàu ngày nay. Ảnh: HỮU NGỢT |
Địa danh Thuyền Úc trong chữ Hán có thể được dịch ra là Vũng Thuyền hay Vũng Tàu, nhưng do ảnh hưởng của phương ngữ Nam Bộ nên người ta vẫn quen gọi Vũng Tàu hơn. Từ “Vũng Tàu” dần dần đã du nhập vào ngôn ngữ toàn dân, bằng chứng dễ thấy nhất là trong cuốn từ điển tiếng Việt khá phổ biến hiện nay với nghĩa: “Vùng nước giáp bờ, dùng làm nơi neo đậu hoặc chuyển tải của tàu thủy”. Hay như từ “vũng”: “Khoảng biển ăn sâu vào đất liền, ít sóng gió, tàu thuyền có thể trú ẩn được”.
Năm 1859, 12 chiến hạm của thực dân Pháp nổ súng tấn công Phước Thắng, mở đầu cuộc xâm lược đất nước ta. Năm 1864, Pháp chia 3 tỉnh miền Đông Nam Bộ thành 7 tiểu khu; Vũng Tàu thuộc tiểu khu Bà Rịa. Năm 1895, Toàn quyền Đông Dương tách Vũng Tàu khỏi Bà Rịa để thành lập TP. Vũng Tàu – thành phố du lịch, nghỉ dưỡng đầu tiên của Việt Nam. Ngày 20/1/1899, Toàn quyền Đông Dương ra quyết định hợp nhất Bà Rịa với Vũng Tàu để thành lập một đơn vị hành chính mới mang tên Pháp: Cap Saint Jacques và bắt đầu xây dựng con đường bộ nối Sài Gòn với Vũng Tàu. Trong khoảng thời gian từ 1895-1900, Pháp đã xây dựng nhiều bến cảng, nhà máy nhiệt điện; đường dây điện tín và khách sạn cao cấp, biến Vũng Tàu thành thành phố cảng, du lịch, nghỉ mát lớn nhất của Nam Bộ và trung tâm đánh bắt hải sản lớn. Ngày 5/7/1928, Thống đốc Nam Kỳ tách Vũng Tàu khỏi Bà Rịa, hợp nhất với làng Long Sơn và tổng Cần Giờ để thành lập tỉnh Cap Saint Jacques. Ngày 28/8/1945, nhân dân Vũng Tàu vùng lên khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân. Ngày 3/1/1957, Chính phủ Việt Nam Cộng hòa tái lập tỉnh Phước Tuy, trong đó Vũng Tàu là một quận. Tháng 12/1960, Vũng Tàu thuộc tỉnh Bà Rịa – Long Khánh. Sau đó, ngày 8/9/1964, Chính phủ Việt Nam Cộng hòa đổi quận Vũng Tàu thành TX. Vũng Tàu.
Ngày 8/4/1975, Trung ương cục Miền Nam quyết định tách TX. Vũng Tàu khỏi tỉnh Bà Rịa – Long Khánh để thành lập TP. Vũng Tàu. Ngày 3/5/1979, Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam ra quyết định thành lập Đặc khu Vũng Tàu – Côn Đảo trực thuộc Trung ương. Ngày 18/2/1991, Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khoá VIII ra nghị quyết thành lập tỉnh BR-VT và TP. Vũng Tàu. Trong những năm qua, Đảng bộ chính quyền và nhân dân TP. Vũng Tàu đã liên tục phấn đấu và đã đạt được những thành tựu to lớn và toàn diện trong phát triển kinh tế – xã hội, nâng cao đời sống nhân dân; xây dựng, phát triển cơ sở hạ tầng ký thuật, hạ tầng xã hội và chỉnh trang đô thị ngày một khang trang hiện đại.
LINH HƯƠNG (Tổng hợp)