Ngày 19/12, lãnh đạo tỉnh Đồng Nai đã có buổi làm việc với các sở ngành, đơn vị liên quan để nghe báo cáo kết quả triển khai dự án đánh giá tổng thể mức độ ảnh hưởng khai khoáng sản của cụm mỏ Tam Phước – Phước Tân đến môi trường và sông Buông.
Cụm mỏ Tam Phước – Phước Tân là cụm mỏ khai thác khoáng sản lớn nhất tỉnh Đồng Nai với 10 mỏ, tổng diện tích quy hoạch gần 400ha. Quá trình khai thác khoáng sản có tác động đến nguồn nước sông Buông và môi trường xung quanh.
Vào năm 2020, UBND tỉnh Đồng Nai đã phê duyệt dự án đánh giá tổng thể mức độ ảnh hưởng khai khoáng sản của cụm mỏ Tam Phước – Phước Tân đến môi trường và sông Buông.
Đơn vị tư vấn kiến nghị UBND tỉnh Đồng Nai cho phép các mỏ đá giáp ranh thông theo tiến độ khai thác, cho khai thác độ sâu tối đa là 120m, chỉ đạo các đơn vị liên quan sớm đầu tư đường chuyên dùng giai đoạn 2 để giảm tải cho tuyến đường hiện hữu và giảm mức độ bụi.
Cùng với đó, Sở Tài nguyên và môi trường tiếp tục quan trắc môi trường không khí đồng thời triển khai quan trắc mực nước ngầm tại khu vực cụm mỏ. Tỉnh yêu cầu các chủ mỏ tuân thủ nghiêm quy định khai thác khoáng sản. Tăng cường giải pháp bảo vệ môi trường, đặc biệt khu vực chế biến; thành lập ban chỉ đạo cụm mỏ đá Tam Phước – Phước Tân.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi đánh giá, đơn vị tư vấn đã nghiên cứu, có báo cáo và đề xuất giải pháp khai thác đá gắn với bảo vệ môi trường bền vững khu vực cụm mỏ. Lãnh đạo UBND tỉnh yêu cầu đơn vị tư vấn và Sở Tài nguyên và môi trường làm rõ hơn mức độ ô nhiễm môi trường (nguồn nước, không khí) của hoạt động khai thác, chế biến, vận chuyển. Cụ thể các nhóm giải pháp như bảo vệ môi trường, chống sạt lở, công nghệ, quản lý khai thác, tăng độ sâu.
Được biết, thời gian qua các mỏ đá tại Đồng Nai đang đảm bảo nguồn cung đá xây dựng cho các dự án trọng điểm trên địa bàn trong đó có dự án cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu.
Theo nhiều nhà thầu thi công các dự án thành phần 1, thành phần 2 cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu, sân bay Long Thành, hiện nhu cầu về đá xây dựng, nhất là đá để thi công cấp phối đá dăm các dự án rất lớn do đó các nhà thầu cũng gặp nhiều khó khăn trong việc mua đá để phục vụ thi công. Nhiều nhà thầu phải làm việc liên tục với các mỏ đá nhưng sản lượng cung ứng vẫn không đủ nhu cầu.
Trên thực tế, 10 mỏ đá xây dựng này về sản lượng đủ đáp ứng nhu cầu phục vụ thi công các dự án. Tuy nhiên, do vướng mắc trong thủ tục đầu tư, đất đai nên các mỏ này chưa thể nâng công suất khai thác dẫn đến tình trạng khan hiếm đá phục vụ các dự án.
Đến giữa tháng 12 tiến độ thực hiện dự án tại giấy chứng nhận đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư của 7 mỏ đá tại cụm Tân Cang đã hết hạn. Do đó, Sở Tài nguyên và môi trường Đồng Nai không có cơ sở đề xuất để xử lý các hồ sơ đề nghị nhận chuyển nhượng, thuê quyền sử dụng đất, nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất của 7 mỏ này.
Sở Tài nguyên và môi trường cũng kiến nghị UBND tỉnh giao Sở Kế hoạch và đầu tư chủ trì, phối hợp với các chủ mỏ và các đơn vị liên quan thực hiện việc điều chỉnh tiến độ thực hiện dự án cho 7 mỏ tại khu vực cụm mỏ đá Tân Cang.
Tại cuộc họp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong khai thác vật liệu phục vụ thi công các công trình, dự án trọng điểm quốc gia ngày 9/12, Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi cũng đã yêu cầu Sở Kế hoạch và đầu tư, căn cứ đề xuất của các doanh nghiệp, phối hợp, hướng dẫn các doanh nghiệp thực hiện gia hạn chủ trương đầu tư để các mỏ đá sớm triển khai thực hiện.
Các doanh nghiệp cần nhanh chóng hoàn thành các thủ tục để cơ quan chức năng xem xét gia hạn chủ trương đầu tư các dự án. Sau khi thực hiện gia hạn chủ trương đầu tư, Sở Tài nguyên và môi trường hướng dẫn các doanh nghiệp thực hiện các thủ tục liên quan về đất đai.