Đầu tư khu thương mại tự do, điểm nghẽn lớn nhất là pháp lý
Các doanh nghiệp rất mong chờ việc sớm đầu tư các khu thương mại tự do để giúp doanh nghiệp giảm chi phí logistics, song điểm nghẽn cản trở lớn nhất là chưa có pháp lý.
Đây là nhận định của nhiều doanh nghiệp tại Hội thảo chuyên đề Khu Thương mại tự do – cơ hội và giải pháp hiện thực hóa diễn ra chiều 1/12, tại Bà Rịa – Vũng Tàu.
Khu thương mại tự do giúp doanh nghiệp giảm chi phí logistics
Phần lớn các doanh nghiệp tham dự hội thảo đồng ý rằng, việc đầu tư Khu Thương mại tự do (Free Trade Zone – FTZ) tại Bà Rịa – Vũng Tàu sẽ đem lại lợi ích rất lớn cho doanh nghiệp không chỉ về thời gian mà cả chi phí logistics.
Ông Thái Văn Chuyện, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Thành Thành Công – Biên Hòa cho biết, hiện nay doanh nghiệp đang phải trả chi phí logistics khá cao.
Nếu có khu thương mại tự do sẽ giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí vì khu này đầu tư gần cảng biển, sân bay giúp rút ngắn không chỉ về mặt thời gian mà còn giảm chi phí vận chuyển.
“Khi có khu thương mại tự do, hàng hóa hàng hóa được lưu thông nhanh hơn, sẽ giúp doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội tham gia vào chuỗi cũng ứng toàn cầu nhiều hơn” ông Chuyện nhận định.
Các doanh nghiệp cùng tham gia thảo luận tại hội thảo. |
Cùng chung nhận định tương tự, ông Đặng Thanh Sơn, Phó giám đốc marketing, Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn cho rằng, khu thương mại tự do ra đời sẽ giúp tối giản nhất thủ tục quản lý của cơ quan Nhà nước, khi đó có thể hạn chế thấp nhất vấn đề tiêu cực.
Theo ông Sơn, khu thương mại tự do khi đặt cạnh cảng biển, cảng hàng không sẽ tối ưu được rất nhiều chi phí cho doanh nghiệp, khi đó doanh nghiệp được hưởng lợi rất lớn.
Về phía địa phương đang có kế hoạch đầu tư khu thương mại tự do, ông Phạm Quang Nhật, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cho biết, địa phương hội đủ các yếu tố như vị trí địa lý, hạ tầng cảng biển, hạ tầng giao thông kết nối đa phương thức …để hình thành khu thương mại tự do gắn với cảng biển.
Đặc biệt, Bà Rịa – Vũng Tàu, có lợi thế cụm cảng Cái Mép thị Vải nằm trên tuyến hàng hải quốc tế Á – Âu và Á – Mỹ qua biển Đông – một trong những tuyến hàng hải huyết mạch, đặc biệt quan trọng và bận rộn nhất thế giới.
Trong năm 2024, khu bến Cái Mép đã nằm trong top 30 cụm cảng container lớn trên thế giới, có số tuyến đi châu Âu, châu Mỹ nhiều thứ 3 Đông Nam Á, chỉ sau Singapore và Malaysia. Ngoài ra, tại Cái Mép – Thị Vải đã có sự hiện diện của hầu hết các hãng tàu lớn trên thế giới như MSC, Maersk, CMA-CGM, Evergreen, ONE…
“Trong thời gian tới, cụm cảng Cái Mép – Thị Vải sẽ được phát triển, nâng cấp, hiện đại hóa cảng cửa ngõ quốc tế thành cảng quốc tế trung chuyển tầm cỡ khu vực và thế giới với định hướng cảng xanh, cảng thông minh. Đây là một trong những nguồn lực cực kỳ quan trọng đối với việc hình thành khu thương mại tự do gắn với cảng biển tại khu vực Cái Mép Hạ”, ông Nhật thông tin.
Theo ông Nhật, hiện nay, xu hướng chuyển dịch dòng vốn đầu tư, dòng thương mại toàn cầu, xu hướng gia tăng kích thước tàu, xu hướng gia tăng nhu cầu vận tải hàng hóa đường biển nên rất thuận lợi để Bà Rịa – Vũng Tàu xây dựng khu thương mại tự do.
Lực cản lớn nhất là pháp lý
Dù khu thương mại tự do được đánh giá là mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp nhưng đến nay cả nước chưa đầu tư được FTZ nào, nguyên nhân lớn nhất chính là việc thiếu hành lang pháp lý cho loại hình này.
Bà Cao Cẩm Linh, Trưởng ban Nghiên cứu, Hiệp hội Phát triển nhân lực Logistics Việt Nam nêu khó khăn rằng, các địa phương và doanh nghiệp muốn đầu tư các khu thương mại tự do nhưng lại chưa biết bắt đầu từ đâu vì thiếu hành lang pháp lý. Hiện nay, mới chỉ có Đà Nẵng được Quốc hội đồng ý cho thí điểm thành lập khu thương mại tự do.
Trao đổi bên hành lang hội thảo với phóng viên Báo điện tử Đầu tư – Baodautu.vn, ông Trần Chí Dũng, Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam cũng nhận định, thách thức lớn nhất của việc đầu tư khu thương mại tự do sau nhiều năm đến nay vẫn chưa giải quyết được đó là vấn đề căn cứ pháp lý để đầu tư các FTZ.
“Tôi cho rằng, vấn đề pháp lý của khu thương mại tự do có thể đưa vào một chương của Luật Thương mại để có cơ sở pháp lý thực hiện. Sau đó, ban hành danh mục mở từ từ, khi thấy hiệu quả thì có thể mở ra”, ông Dũng đề xuất.
Các doanh nghiệp tham gia hội thảo cùng thảo luận giải pháp đẩy nhanh quá trình xây dựng các khu thương mại tự do. |
Về phía cơ quan quản lý Nhà nước, ông Trần Thanh Hải, Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương thừa nhận, hiện nay, chưa có văn bản pháp lý nào liên quan đến việc đầu tư các khu thương mại tự do nằm trong các khu công nghiệp dù hạ tầng và nhân lực đã sẵn sàng.
Hiện tại, mới chỉ có Đà Nẵng là địa phương đầu tiên được Quốc hội đồng ý cho thí điểm thực hiện khu thương mại tự do. Ông Hải cho rằng, cần nhanh chóng bổ sung các quy định đầu tư khu thương mại tự do trong các khu kinh tế, khu công nghiệp để giảm chi phí logistics.
Dù vậy, bà Cao Cẩm Linh lưu ý rằng, thay vì dập khuôn các khu thương mại tự do của Đà Nẵng hoặc một số nước trên thế giới thì nên để cho mỗi địa phương xây dựng một khu thương mại tự do dựa trên thế mạnh của mình thì mới mang lại hiệu quả và dễ được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận.
Một vấn đề nữa mà các doanh nghiệp góp ý là việc đầu tư khu thương mại tự do cần đầu tư ở địa bàn trọng điểm, nơi có hàng hóa xuất nhập khẩu lớn như cảng biển, sân bay, cửa khẩu đường bộ chứ không nên đầu tư theo phong trào ở những địa phương không có lợi thế để tránh lãng phí.
Nguồn: https://baodautu.vn/dau-tu-khu-thuong-mai-tu-do-diem-nghen-lon-nhat-la-phap-ly-d231460.html