Để đưa Côn Đảo trở thành điểm đến thân thiện với môi trường, UBND huyện này cam kết phấn đấu trở thành điểm đến giảm nhựa, với mục tiêu đặt ra là giảm 30% lượng rác thải nhựa thất thoát ra ngoài môi trường vào năm 2025.
Một góc Côn Đảo. (Ảnh: K.V) |
Với đặc thù nằm giữa biển, trong suốt thời gian qua, Côn Đảo đã phải chịu nhiều ảnh hưởng nghiêm trọng bởi tác động của rác nhựa đại dương, nhất là tại các khu vực rừng ngập mặn, các rạn san hô và các bãi đá. Cùng với đó, lượng khách du lịch đến Côn Đảo ngày càng tăng nhanh chóng khiến các bãi rác của huyện rơi vào trạng thái quá tải.
Theo số liệu thống kê, lượng chất thải rắn sinh hoạt trung bình phát sinh tại Côn Đảo hiện đang dao động trong khoảng 17 – 20 tấn/ngày và lượng rác tồn đọng chưa xử lý là hơn 70.000 tấn tại khu vực Bãi Nhát, nhiều khu vực khác cũng đang trong tình trạng tương tự. Được biết, chỉ tính riêng lượng rác thải nhựa từ hoạt động du lịch tại huyện Côn Đảo đã lên đến 221,4 tấn/năm, trong đó rác thải nhựa phát sinh tại các cơ sở lưu trú và dịch vụ du lịch chiếm 33,3%.
Nhận thấy được thực tế trên, giảm ô nhiễm rác thải nhựa đã và đang trở thành một trong những vấn đề được lãnh đạo tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu và huyện Côn Đảo cùng nhiều tổ chức bảo vệ môi trường quan tâm trong quá trình phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường của địa phương.
Tổ chức Quốc tế về bảo tồn thiên nhiên (WWF-Việt Nam) và UBND huyện Côn Đảo cũng đã tổ chức ký cam kết “Côn Đảo – Điểm đến giảm nhựa”. Chiến dịch này được thực hiện với nguồn tài trợ từ Dự án “Giảm thiểu rác thải nhựa đại dương tại Việt Nam” do WWF-Việt Nam phối hợp triển khai cùng Tổng cục Biển và Hải đảo (Bộ Tài nguyên và Môi trường).
Đây là một trong những nỗ lực thiết thực của UBND huyện Côn Đảo và WWF-Việt Nam với kỳ vọng góp phần giảm thiểu lượng rác thải nhựa thất thoát ra môi trường, tập trung nâng cao nhận thức của khách du lịch và hạn chế giảm tồn đọng rác thải nhựa tại Khu bảo tồn biển Côn Đảo.
Đồng thời, UBND huyện Côn Đảo hứa hẹn sẽ phấn đấu đưa địa phương trở thành điểm đến giảm nhựa, với mục tiêu giảm 30% lượng rác thải nhựa thất thoát ra ngoài môi trường vào năm 2025, ghi tên mình trở thành địa phương thứ 9 tại Việt Nam tham gia vào chương trình Đô thị giảm nhựa toàn cầu của WWF.
Thời gian qua, trên địa bàn huyện Côn Đảo đã tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền về bảo vệ môi trường, giảm rác thải nhựa, điển hình như: Chuỗi hoạt động giảm rác nhựa trong du lịch tại Côn Đảo cùng thông điệp “Đến không mang theo nhựa, đi để lại yêu thương”; triển lãm “Du hí biển nhựa” kết hợp “Ngày hội Đổi rác lấy quà”; vận động người dân địa phương tham gia giảm nhựa; thực hiện giảm nhựa trong Khu bảo tồn biển bằng các biện pháp thu gom rác trong khu sinh thái, rạn san hô, rừng ngập mặn.
Cùng với đó, Côn Đảo còn có nhiều hoạt động mang lại hiệu quả thiết thực như: bảo tồn rùa biển, giảm rác nhựa cho hệ sinh thái; tổ chức hoạt động về giảm rác thải nhựa, ngày hội tái chế; tập huấn cho giáo viên kiến thức, kỹ năng, hoạt động ngoại khóa liên quan đến rác thải nhựa với mô hình “trường học không rác thải nhựa”; cung cấp dụng cụ sử dụng nhiều lần, cung cấp thùng rác, hỗ trợ giáo viên thu gom rác nhựa thành những sản phẩm cung cấp cho việc dạy học tại trường; tập huấn cho khu dân cư về phân loại rác tại nguồn, xử lý rác hữu cơ và tái chế phân compost…
Ban quản lý khu du lịch Quốc gia Côn Đảo cũng thực hiện tuyên truyền, vận động các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch tham gia “Tuần lễ giảm nhựa”; phối hợp với WWF-Việt Nam dán poster và phát Sổ tay “Giảm nhựa khi du lịch ở Côn Đảo” đến các cơ sở kinh doanh dịch vụ lữ hành, khách sạn, khu du lịch nghỉ dưỡng, cơ sở lưu trú, nhà hàng, quán ăn. Qua đó, truyền thông đến du khách trong và ngoài nước thông điệp giảm nhựa tại Côn Đảo.
Được biết, chính quyền địa phương sẽ tiếp tục mở rộng chương trình tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân về tầm quan trọng của việc bảo vệ nguồn lợi thủy sản đối với cuộc sống, đối với phát triển kinh tế – xã hội, bảo vệ chủ quyền biên giới, hải đảo. Kêu gọi người dân quán triệt các hoạt động đánh bắt, mua bán, tiêu thụ các loài nguy cấp quý hiếm, đặc biệt như: Rùa biển, dugong, san hô. Ngoài ra, tích cực tổ chức, mời gọi ngư dân và khách du lịch tham gia các hoạt động chung tay bảo vệ môi trường, không xả rác, đặc biệt là rác thải nilon ra môi trường (đặc biệt là vùng biển), để bảo vệ môi trường sống của các loài thủy sản.Côn Đảo hướng đến mục tiêu trở thành “Điểm đến giảm nhựa”
Côn Đảo còn có nhiều hoạt động mang lại hiệu quả thiết thực như: bảo tồn rùa biển, giảm rác nhựa cho hệ sinh thái; tổ chức hoạt động về giảm rác thải nhựa, ngày hội tái chế; tập huấn cho giáo viên kiến thức, kỹ năng, hoạt động ngoại khóa liên quan đến rác thải nhựa với mô hình “trường học không rác thải nhựa”; cung cấp dụng cụ sử dụng nhiều lần, cung cấp thùng rác, hỗ trợ giáo viên thu gom rác nhựa thành những sản phẩm cung cấp cho việc dạy học tại trường; tập huấn cho khu dân cư về phân loại rác tại nguồn, xử lý rác hữu cơ và tái chế phân compost…
UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cũng đã ban hành Kế hoạch về việc phát động phong trào thu gom, phân loại, tái chế, xử lý và giảm thiểu rác thải nhựa tại nguồn trên địa bàn huyện Côn Đảo. Mục tiêu của Kế hoạch là bảo vệ môi trường, xử lý rác thải, tuần hoàn nước, sử dụng năng lượng tái tạo, du lịch xanh và bảo tồn đa dạng sinh học, giúp huyện Côn Đảo ứng dụng kinh tế tuần hoàn, phát triển bền vững.
Cụ thể, UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu giao Sở TN&MT phối hợp với UBND huyện Côn Đảo xây dựng kế hoạch thực hiện phân loại chất thải sinh hoạt tại nguồn; phát động Tuần Lễ không mang rác thải ra các hòn đảo nhỏ; tổ chức tọa đàm về giải pháp quản lý, giảm thiểu rác thải nhựa; thí điểm xây dựng các tổ chức chính trị – xã hội như: Đoàn Thanh niên, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Cựu Chiến binh trong phong trào thu gom, phân loại, xử lý, tái chế và giảm thiểu rác thải nhựa.
Bên cạnh đó, Sở TN&MT tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ tổ chức tọa đàm về ứng dụng mô hình kinh tế tuần hoàn trong quản lý, giảm thiểu rác thải nhựa; kết hợp, triển lãm giới thiệu các giải pháp ứng dụng và chuyển giao công nghệ sản xuất các sản phẩm bao gói, túi xách thân thiện với môi trường thay thế túi nilon, đồ nhựa khó phân hủy, thân thiện với môi trường.
UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cũng giao Sở Giao thông Vận tải yêu cầu đơn vị quản lý Cảng Cầu Đá Vũng Tàu, Cảng Hàng không Côn Sơn, Tàu Cao tốc Côn Đảo Express Vũng Tàu – Côn Đảo đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động hành khách đi trên các phương tiện vận tải trên không mang rác thải nhựa đến Côn Đảo.
Ngoài ra, UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu còn giao cho UBND huyện Côn Đảo, phối hợp với Sở Du Lịch tuyên truyền, vận động các khu du lịch, cơ sở du lịch, khánh sạn, cơ sở lưu trú…trên địa bàn huyện ký cam kết giảm thiểu chất thải nhựa; hạn chế sử dụng đồ nhựa dùng một lần hoặc thay thế bằng các sản phẩm thân thiện với môi trường; không cung cấp miễn phí túi nilon cho khách hoặc chuyển từ sử dụng túi nilon khó phân hủy sang các loại túi khác thân thiện với môi trường.
Đồng thời, chỉ đạo Ban Quản lý công trình công cộng huyện Côn Đảo nghiên cứu, đề xuất biện pháp thu gom, vận chuyển và phối hợp với các đơn vị có chức năng xử lý hợp vệ sinh chất thải nhựa đã được phân loại song song với việc thu gom chất thải sinh hoạt từ các địa điểm thực hiện thí điểm, sau đó nhân rộng đại trà trên toàn địa bàn huyện…/..