Trong khi ngành du lịch đang loay hoay với bài toán đi tìm sản phẩm du lịch đặc trưng thì nhiều di tích văn hóa lịch sử ở Bà Rịa – Vũng Tàu bị xuống cấp, thậm chí thất lạc hiện vật. Do đó, việc quan tâm đầu tư hơn nữa để tôn tạo lại các di tích nhằm hấp dẫn khách nội và thu hút thêm khách quốc tế là rất cần thiết.
Nhiều di tích xuống cấp
Theo thống kê, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu hiện có 219 di tích, trong đó có 48 di tích văn hóa, thắng cảnh nổi tiếng được xếp hạng, gồm: 1 di tích quốc gia đặc biệt, 28 di tích quốc gia và 19 di tích cấp tỉnh. Là vùng đất có lịch sử truyền thống lâu đời, hệ thống di tích của tỉnh khá đa dạng với di tích lịch sử, di tích cách mạng, kiến trúc nghệ thuật, tôn giáo, làng nghề, lễ hội truyền thống và thắng cảnh.
Tuy nhiên, ngoài hệ thống di tích quốc gia đặc biệt nhà tù Côn Đảo (huyện Côn Đảo), di tích Bạch Dinh (TP Vũng Tàu) và một số di tích chùa, miếu phát huy được hiệu quả, còn lại đều khá đìu hiu. Kết quả giám sát của HĐND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu về công tác quản lý và khai thác du lịch đối với các di tích lịch sử đã được xếp hạng cho thấy, có tới 24 di tích đang xuống cấp, hư hỏng, không phát huy được giá trị; 10 di tích bị xâm lấn, chồng lấn với đất của tổ chức và cá nhân.
Có mặt tại di tích Trận địa pháo cổ – Hầm thủy lôi (phường 5, TP Vũng Tàu) một ngày đầu tháng 5, chúng tôi ghi nhận trận địa pháo cổ lớn nhất Đông Dương do Pháp xây dựng và gần như được bảo tồn nguyên vẹn trong hơn 100 năm qua ở Núi Lớn, khá vắng người đến tham quan. Loanh quanh các bệ pháo chỉ có vài du khách trẻ chụp ảnh và một số học sinh đến quay phim giới thiệu công trình.
Di tích lịch sử Trận địa pháo cổ – Hầm thủy lôi (núi Lớn, phường 5, TP Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) đìu hiu du khách tham quan
Cách đó vài chục mét là di tích hầm thủy lôi với đường vào nhỏ hẹp, nhiều côn trùng; bên trong hầm lạnh lẽo, âm u do thiếu ánh sáng. Nhiều người leo núi qua khu vực này bày tỏ sự nuối tiếc khi công trình khá đồ sộ nhưng không phát huy được giá trị.
Trong khi đó, di tích trận địa pháo cổ Cầu Đá (phường 2, TP Vũng Tàu) đang bị xâm hại nghiêm trọng, 4 khẩu pháo được thiết lập cách đây trên 150 năm hiện bị che chắn, mắc kẹt trong các công trình tôn giáo, nhà làm việc tập thể. Trận địa được công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia năm 1994 nhưng suốt từ đó đến nay không mấy người được tham quan, chiêm ngưỡng, bởi khu di tích đã bị xâm lấn.
Ngoài ra, nhiều di tích lịch sử như Nhà cao cẳng (số 18 đường Lê Lợi), nơi hoạt động bí mật của Tỉnh ủy Bà Rịa – Long Khánh giai đoạn 1956-1960; di tích lịch sử Ăng ten Parabol (đỉnh Núi Lớn)… cũng không có mấy du khách được tiếp cận do nằm trong khuôn viên của các cơ quan, doanh nghiệp.
Từng bước phục hồi, cải tạo
Theo Sở VH-TT tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, không chỉ có một số di tích ở TP Vũng Tàu mà một số di tích ở các địa phương khác như Khu di tích lịch sử căn cứ Bàu Sen (huyện Châu Đức), bến Lộc An (huyện Xuyên Mộc) nhiều năm chưa được nâng cấp. Sở VH-TT đã báo cáo đề xuất với UBND tỉnh để có kế hoạch tôn tạo.
Cụ thể, với di tích Trận địa pháo cổ Cầu Đá, Sở VH-TT đề xuất phương án lựa chọn vị trí khẩu pháo số 4 (nằm trong nhà dân ở số 116 đường Hạ Long, phường 2) để bảo quản tại chỗ, đặt bia, biển giới thiệu di tích, sau đó di dời các khẩu pháo còn lại về cùng trưng bày với khẩu pháo số 4.
Di tích lịch sử Ăng ten Parabol sẽ được phục hồi lại 1 dàn Ăng ten Parabol hiện hữu trên cơ sở bảo tồn tối đa yếu tố gốc; tiếp đó phục dựng các dàn Ăng ten Parabol còn lại bằng chất liệu mới phù hợp và giải tỏa hoàn toàn các công trình xây dựng trái phép tại khu vực bảo vệ để du khách tiếp cận.
Bên cạnh đó, Sở VH-TT cũng đề nghị xây dựng thêm tượng đài hoặc công trình tưởng niệm phù hợp với diện tích khoảng 1.000m2 tại Khu di tích lịch sử căn cứ Bàu Sen; mở rộng khu tưởng niệm bến Lộc An để tái hiện các hoạt động vận chuyển vũ khí đường Hồ Chí Minh trên biển, bổ sung bia giới thiệu di tích. Việc cải tạo sẽ chú trọng theo hướng gắn với bảo tồn hệ sinh thái tự nhiên kết hợp với hoạt động du lịch sinh thái, dã ngoại và tham quan; nghiên cứu các mô hình phù hợp để có thể tổ chức cho học sinh, sinh viên về nguồn và đưa du khách tham quan, trải nghiệm tại di tích. Đồng thời, tiếp tục cải tạo hệ thống di tích ở Côn Đảo, di tích Bạch Dinh để bảo tồn, khai thác tốt hơn.
Theo bà Nguyễn Thị Thu Hương, Phó Chủ tịch UBND TP Vũng Tàu, địa phương đang rất quan tâm đến việc phục hồi các di tích lịch sử văn hóa bị xuống cấp để hình thành thêm các sản phẩm du lịch. Hiện thành phố đã giao các phòng, ban phối hợp với sở, ngành của tỉnh khảo sát hiện trạng để bàn thảo phương án cải tạo hệ thống di tích trên địa bàn. Trước mắt sẽ tu bổ lại di tích Trận địa pháo cổ ở núi Tao Phùng (núi Nhỏ) nhằm đưa vào phục vụ khách du lịch. |