Nhờ sự đóng góp tích cực của hệ thống ngân hàng trên địa bàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu trong vai trò huyết mạch, lưu dẫn vốn phục vụ người dân, doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh, đầu tư cơ sở hạ tầng mà tình hình phát triển kinh tế – xã hội tỉnh đạt nhiều kết quả khả quan.
Bà Rịa – Vũng Tàu: Nỗ lực cung ứng vốn tín dụng cho nền kinh tế
Theo báo cáo từ Cục Thống kê tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, trong 4 tháng đầu năm 2024, tình hình phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn tỉnh có những chuyển biến theo hướng tích cực; 12/13 chỉ tiêu kinh tế, tài chính tăng trưởng so với cùng kỳ.
Cụ thể, giá trị sản xuất nông nghiệp lũy kế 4 tháng đạt 3.307 tỷ đồng, tăng 4,16% so với cùng kỳ; giá trị sản xuất công nghiệp trừ dầu khí 4 tháng đạt 140.887 tỷ đồng; doanh thu dịch vụ lưu trú 4 tháng đạt 2.214 tỷ đồng, tăng 16,79% so với cùng kỳ, đặc biệt doanh thu dịch vụ lữ hành tăng 42,62%.
Tổng thu ngân sách trên địa bàn tỉnh lũy kế 4 tháng khoảng 32.369 tỷ đồng, đạt 36,53% dự toán, tăng 8,27% so với cùng kỳ. Giải ngân vốn đầu tư công tính đến hết tháng 4 là 3.629,842 tỷ đồng, đạt 20,26% so với kế hoạch. Tổng vốn thu hút đầu tư 4 tháng đầu năm đạt 1.629,53 triệu USD và 25.931,7 tỷ đồng, tăng gấp 7,2 lần so với cùng kỳ.
Những kết quả đó có sự đóng góp của dòng chảy vốn tín dụng ngân hàng trên địa bàn tỉnh đã cho vay người dân, doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh, tạo ra hàng hóa xuất khẩu, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng…
Ông Nguyễn Lợi, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Bà Rịa- Vũng Tàu cho biết, để chia sẻ khó khăn với danh nghiệp, người dân, đơn vị đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn cung ứng kịp thời vốn tín dụng cho các dự án, phương án sản xuất kinh doanh khả thi, hiệu quả, đáp ứng đủ điều kiện vay theo quy định.
Kết quả trong 4 tháng đầu năm nay, đầu tư tín dụng cho các thành phần kinh tế đạt 175.200 tỷ đồng, tăng 5,62% so với cuối năm 2023. Trong đó, dư nợ cho vay ngắn hạn chiếm 55,82% tổng dư nợ, cho vay trung dài hạn chiếm 44,18% tổng dư nợ.
Bên cạnh đó, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước, đơn vị đã yêu cầu các tổ chức tín dụng trên địa bàn tiếp tục công bố lãi suất cho vay bình quân, chênh lệch lãi suất tiền gửi và cho vay bình quân, lãi suất cho vay các chương trình tín dụng, gói tín dụng và các loại lãi suất cho vay khác (nếu có).
Thống kê các ngân hàng trên địa bàn tỉnh cho thấy, trong tháng 4, một số ngân hàng thương mại tăng nhẹ lãi suất các kỳ hạn trên 6 tháng với mức tăng từ 0,1 – 0,3%/năm, tuy nhiên mặt bằng lãi suất chung trên địa bàn vẫn ở mức thấp.
Cụ thể, lãi suất cho vay ngắn hạn đối với ngành, lĩnh vực ưu tiên tối đa là 4%/năm; Đối với lĩnh vực sản xuất, kinh doanh thông thường: ở mức 6 – 10%/năm. Lãi suất cho vay trung, dài hạn đối với ngành, lĩnh vực ưu tiên ở mức 7 – 10%/năm. Đối với lĩnh vực sản xuất, kinh doanh thông thường ở mức 7 – 12%/năm.
Các tổ chức tín dụng cũng đã công bố thông tin về lãi suất cho vay bình quân, tạo cơ hội hơn cho khách hàng trong việc tiếp cận tín dụng, lựa chọn ngân hàng vay vốn. Đồng thời, tiếp tục triển khai nhiều đợt giảm lãi suất tiền vay, áp dụng các chương trình, gói tín dụng ưu đãi lãi suất theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân phục hồi sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy phát triển kinh tế.
Điển hình Công ty CP Phát triển nhà Bà Rịa – Vũng Tàu (HODECO) chia sẻ, sau 30 xây dựng và phát triển, HODECO đã cung cấp ra thị trường 30 dự án và hơn 6.000 sản phẩm nhà đất. Ngay khi đi vào hoạt động đến nay, HODECO được các ngân hàng hỗ trợ tín dụng để triển khai các dự án. Đặc biệt, thời gian qua, thị trường bất động sản gặp nhiều khó khăn, ngân hàng đã kịp thời hỗ trợ cơ cấu lại nợ, hạ lãi suất cho vay…
Trong khi đó, Công ty TNHH TT Logistics cho biết, công ty đang vay vốn tại Agribank Chi nhánh Vũng Tàu. 10 năm qua giao dịch tại ngân hàng này, công ty luôn được Agribank Chi nhánh Vũng Tàu thông báo các chương trình ưu đãi, giảm phí kịp thời. Hiện công ty đang vay ngân hàng này 22 tỷ đồng, với lãi suất phù hợp, hơn 6%.
Bên cạnh việc tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng tiếp cận vốn, các tổ chức tín dụng chủ động trực tiếp liên hệ với các doanh nghiệp đang có dư nợ tại ngân hàng để nắm bắt, tháo gỡ khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh; hướng dẫn và tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hoàn thiện hồ sơ thủ tục theo quy định của pháp luật để tiếp cận các chính sách hỗ trợ của ngân hàng theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước, hội sở. Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ xử lý hồ sơ đề nghị vay vốn của khách hàng; giải thích kịp thời, minh bạch, cung cấp thông tin đầy đủ những trường hợp khách hàng không đủ điều kiện vay.
Tổng nguồn huy động từ nền kinh tế trên địa bàn đến cuối tháng 4/2024 đạt 187.600 tỷ đồng, tăng 2,61% so với cuối năm 2023; đầu tư tín dụng cho các thành phần kinh tế ước đến cuối tháng 4/2024 đạt 175.200 tỷ đồng, tăng 5,62%, chiếm trên 90% nguồn vốn huy động. Kết quả này cho thấy, các tổ chức tín dụng trên địa bàn đã thực hiện tốt vai trò kênh dẫn vốn phục vụ phát triển kinh tế địa phương. Năm 2024, Ngân hàng Nhà nước đề ra mục tiêu tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống 15%. Để đạt được mục tiêu kế hoạch đề ra của ngành, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh tiếp tục giám sát các tổ chức tín dụng trên địa bàn thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách, chỉ đạo của Nhà nước, của ngành và UBND tỉnh về nhiệm vụ trọng tâm của ngành. Trong đó, tập trung vốn tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các chương trình Mục tiêu quốc gia. Các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh, luôn tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng tiếp cận vốn tín dụng theo đúng quy định, vượt qua khó khăn, phục hồi và tiếp tục duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh. |
ThS. Trần Trọng Triết