Năm nay, do thời tiết nắng nóng, sản lượng giảm nhưng giá nhãn trái vụ bán cao nên nông dân huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu có thu nhập ổn định.
Nông dân xã Hòa Hiệp (huyện Xuyên Mộc) thu hoạch nhãn trái vụ.
Tại xã Hòa Hiệp, huyện Xuyên Mộc – địa phương có diện tích trồng nhãn xuồng xử lý trái vụ lớn của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, thời điểm này nhãn trái vụ đã bắt đầu cho thu hoạch.
Gia đình ông An Đình Doan (ấp Phú Sơn) đang thu hoạch trái vụ 1,3ha nhãn xuồng cơm vàng. Đây là năm thứ 8 gia đình ông làm nhãn trái vụ. Ông Doanh cho hay, năm nay, sản lượng nhãn chỉ đạt hơn 10 tấn, thấp hơn năm ngoái 10% do ảnh hưởng của thời tiết. Sản lượng giảm nhưng giá bán đang ở mức cao từ 39-40 ngàn đồng/kg, trong khi canh tác theo hướng hữu cơ nên sau khi trừ chi phí, ông còn lời khoảng 300 triệu đồng, cao gấp 2 lần so với nhãn chính vụ.
Vườn nhãn 2,5ha của ông Lê Văn Tường (ấp Phú Lâm) cũng đang vào mùa thu hoạch trái vụ, với sản lượng dự kiến 25 tấn. So với nhiều nhà vườn, lợi nhuận ông Tường thu về cao hơn do nhãn chủ yếu xuất bán cho hệ thống siêu thị với giá bán 55-57 ngàn đồng/kg. Ông Lê Văn Tường cho biết, dù vụ nhãn trái vụ năm nay làm sớm và khó khăn hơn do thời tiết nắng nóng, sản lượng giảm nhưng đầu ra ổn định, giá bán cao nên gia đình ông vẫn thu lời hơn 1 tỷ đồng, cao hơn nhiều so với nhãn chính vụ.
Tại xã Hòa Hiệp có gần 224ha nhãn, chủ yếu là xuồng cơm vàng và nhãn Thái Ido, tập trung ở các ấp: Phú Quý, Phú Sơn và Phú Lâm. Trong số đó, khoảng 50% diện tích nhãn được nông dân áp dụng kỹ thuật xử lý trái vụ. Theo Hội Nông dân xã Hòa Hiệp, để có nhãn trái vụ sớm, nông dân phải xử lý từ tháng 10-12 năm ngoái bằng cách cắt cành, tỉa nhánh, bón phân giúp kích thích cho cây nhãn ra hoa, đậu trái. Với cách làm này, từ đầu tháng 5, nhãn đã cho thu hoạch.
Ông Nguyễn Phong Vũ, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hòa Hiệp cho biết, năm nay dù thời tiết nắng nóng kéo dài nhưng nhiều nhà vườn chủ động được nguồn nước tưới, tập trung xử lý trái vụ nên sản phẩm có giá cao hơn. Hiện nay, nhãn trái vụ có giá bán khoảng 40-57 ngàn đồng/kg đối với nhãn xuồng cơm vàng; 30-35 ngàn đồng/kg nhãn Thái Ido, cao hơn 1-1,5 lần so với nhãn chính vụ, giúp nông dân tăng lợi nhuận.
“Với kỹ thuật xử lý trái vụ, cùng với việc chuyển dần canh tác sang hướng hữu cơ đã giúp nông dân giảm chi phí đầu tư, chăm sóc, nâng cao chất lượng trái nhãn, ổn định thu nhập, đồng thời giúp cây nhãn ngày càng khẳng định được vị thế cây trồng chủ lực tại địa phương”, ông Vũ cho biết.
Phong Nguyễn – Quang Hà