Sau khi chuyển đổi mô hình quản lý, kinh doanh và khai thác, đã có 4/5 chợ ở Bà Rịa – Vũng Tàu thay đổi tích cực, tăng nguồn thu cho ngân sách địa phương.
Chiều 18/6/2024, UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu tổ chức họp Ban Chuyển đổi mô hình quản lý chợ trên địa bàn tỉnh nhằm đánh giá những bất cập, hiệu quả trong quá trình thực hiện
Ông Lê Văn Danh, Phó Giám đốc Sở Công Thương Bà Rịa – Vũng Tàu cho biết, trên địa bàn tỉnh hiện có 79 chợ truyền thống đang hoạt động, bao gồm: 3 chợ hạng 1; 14 chợ hạng 2; 60 chợ hạng 3 và 2 chợ tạm. Trong đó, số lượng chợ do nhà nước quản lý 66 chợ (có 33 chợ thành lập ban quản lý; có 31 chợ thành lập tổ quản lý; 1 chợ giao cho hộ kinh doanh quản lý; 1 chợ giao cho hợp tác xã quản lý); có 13 chợ do doanh nghiệp quản lý.
Chợ Phước Hải được đầu tư khang trang, sạch sẽ hơn trước (Ảnh: A.C). |
Trước đó, ngày 11/12/2017, UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã ban hành Quyết định số 3537/QĐ-UBND về việc quy định thực hiện chuyển đổi thí điểm mô hình quản lý, kinh doanh và khai thác chợ trên địa bàn tỉnh.
Giai đoạn từ năm 2018 đến năm 2020 tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu thực hiện thí điểm đối với 5 chợ, gồm: Chợ phường 5 (TP. Vũng Tàu), chợ Phước Hải (huyện Đất Đỏ), chợ Ngãi Giao (huyện Châu Đức), chợ Bình Châu (huyện Xuyên Mộc) và chợ Châu Pha (thị xã Phú Mỹ).
Qua 5 năm triển khai Quyết định số 3537/QĐ-UBND, đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có 4/5 chợ hoàn thành xong việc thí điểm chuyển đổi mô hình quản lý chợ; chợ Phường 5 – TP. Vũng Tàu hiện đang xin dừng thực hiện và đề xuất chuyển qua thực hiện thí điểm tại chợ Long Sơn.
Trong 4 chợ đã hoàn thành việc chuyển đổi, Công ty TNHH Thương mại Tân Thành trúng thầu quản lý 1 chợ (chợ Ngãi Giao) và Công ty CP Đầu tư Phát triển Xây dựng Thanh Chiến trúng thầu quản lý 3 chợ (chợ Phước Hải, chợ Bình Châu, chợ Châu Pha).
Đại diện huyện Đất Đỏ cho biết, sau quá trình chuyển đổi mô hình, doanh nghiệp vào quản lý, chợ Phước Hải đã khang trang, sạch sẽ, sầm uất hơn trước, doanh nghiệp phối hợp tốt với tiểu thương, từ đó giảm áp lực cho địa phương. Ngoài ra, mỗi năm đơn vị khai thác chợ đã đóng góp vào ngân sách địa phương hơn 1,3 tỷ đồng.
Việc thay đổi mô hình quản lý chợ Bình Châu, giúp huyện Xuyên Mộc tăng thu cho ngân sách khoảng 630 triệu đồng/năm (Ảnh: Y.T). |
Còn tại chợ Bình Châu, theo đại diện huyện Xuyên Mộc, trước khi chuyển đổi, địa phương phải bù lỗ cho các khoản thu gom vận chuyển rác thải, nhân sự của ban quản lý chợ. Ngay sau khi tiếp nhận quản lý chợ, Công ty CP Đầu tư Phát triển Xây dựng Thanh Chiến đã đầu tư xây dựng lại nhiều khu, mặt bằng chợ đảm bảo sạch sẽ, khang trang hơn, phục vụ tốt hơn nhu cầu của tiểu thương và người dân. Đến nay, hoạt động của chợ đã dần đi vào ổn định. Hàng năm tăng thu cho ngân sách huyện khoảng 630 triệu đồng.
Theo đánh giá của Sở Công Thương tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, việc chuyển đổi mô hình quản lý chợ trên địa bàn tỉnh bước đầu đã mang lại hiệu quả, góp phần khai thác được tiềm năng và tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, đặc biệt trong công tác tăng thu ngân sách, giảm đáng kể bộ máy nhân sự BQL/TQL chợ, và chợ được đầu tư sửa chữa khang trang hơn; công tác thu thuế đối với doanh nghiệp quản lý kinh doanh chợ và các hộ kinh doanh trong chợ thực hiện kịp thời theo đúng quy định của pháp luật.
Ngày 5/6/2024, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 60/2024/NĐ-CP về phát triển và quản lý chợ, có hiệu lực kể từ ngày 01/8/2024. Theo đó, Nghị định số 60/2024/NĐ-CP đã giải quyết một số khó khăn vướng mắc liên quan đến việc chuyển đổi mô hình quản lý chợ trong thời gian qua.
“Trong thời gian tới, Sở Công Thương sẽ xây dựng kế hoạch triển khai việc chuyển đổi mô hình quản lý chợ trên địa bàn tỉnh theo quy định Nghị định số 60/2024/NĐ-CP để tiếp tục áp dụng cho những chợ tiếp theo”, ông Lê Văn Danh, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cho biết thêm.