Phong trào “trồng cây, gây rừng” trên địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã phát triển mạnh mẽ, được chính quyền, người dân và nhiều doanh nghiệp tích cực tham gia. Nhờ đó, hàng trăm héc ta đất trống đã được phủ xanh.
Hiện, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu có hơn 33.550 ha rừng, đất lâm nghiệp, tỷ lệ bao phủ rừng chiếm 13,79%. Trong 8 huyện thị thành của tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, diện tích rừng tự nhiên của thành phố Vũng Tàu đứng thứ 3 trên toàn tỉnh, với 3.380ha. Những năm qua, phong trào trồng rừng trên địa bàn thành phố cũng đang được lan tỏa mạnh mẽ.
Thành phố Vũng Tàu thực hiện trồng nâng cao chất lượng rừng tại núi Lớn – núi Nhỏ, tạo cảnh quan rừng bền vững, kết hợp tăng cường độ tàn che rừng, mục tiêu tỷ lệ cây thường xanh chiếm 60% chủ yếu gồm các loài cây gỗ thường xanh, cây hoa thân gỗ lâu năm, thích nghi tốt trên đất núi đá, môi trường đô thị.
Ngoài đầu tư trồng rừng bằng ngân sách địa phương, thành phố cũng tích cực huy động nhiều nguồn lực từ tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân tham gia phát triển, bảo vệ rừng.
Ông Kitti Phadungchiwit, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH hóa dầu Long Sơn, kiêm Giám đốc dự án Tổ hợp hóa dầu miền Nam là một trong những doanh nghiệp tích cực nhất trong việc cũng thành phố Vũng Tàu triển khai việc trồng rừng cho biết:
Ngoài các hoạt động kinh doanh song song đó với sự phát triển bền vững, ngay từ khi thiết kế Tổ hợp hóa dầu miền Nam, đơn vị đã tập trung vào việc áp dụng các công nghệ tiên tiến để đảm bảo an toàn và bảo vệ môi trường; trong đó có việc trồng cây, gây rừng.
Theo báo cáo của thành phố Vũng Tàu, giai đoạn 2024-2025, bên cạnh tập trung chăm sóc, bảo vệ diện tích rừng hiện hữu, diện tích rừng trồng mới, thành phố Vũng Tàu còn xây dựng kế hoạch nâng cao chất lượng rừng khu vực núi Lớn, núi Nhỏ, trồng thêm 1.000 cây vừa gây rừng, vừa tăng cảnh quan phục vụ du lịch. Ngoài ra, thành phố Vũng Tàu còn triển khai Đề án rà soát, cải tạo rừng ngập mặn ở khu vực phường 12.
Ông Vũ Hồng Thuấn, Phó chủ tịch UBND thành phố Vũng Tàu cho biết: Thành phố Vũng Tàu mong muốn lan tỏa phong trào trồng cây xanh tới từng người, từng nhà, từng cơ quan, xí nghiệp… để cả xã hội cùng chung tay, hăng hái tham gia trồng cây xanh, trồng rừng. Đồng thời, nâng cao ý thức, trách nhiệm và đóng góp của cộng đồng trong bảo vệ rừng, bảo vệ cây xanh và bảo vệ cuộc sống của chính chúng ta.
Còn tại huyện Xuyên Mộc, đây là địa phương có diện tích rừng lớn nhất tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu với khoảng 16.000 ha. Xác định nhiệm vụ trồng rừng quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế – xã hội của địa phương, UBND huyện Xuyên Mộc đã vận dụng, lồng ghép các nguồn vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước để quản lý, duy trì và phát triển rừng.
Cùng với đó, địa phương cũng ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể, địa phương và nhân dân tích cực trồng, chăm sóc cây xanh phân tán. Đặc biệt, địa phương còn tích cực huy động nhiều nguồn lực cùng mở rộng phủ xanh, đưa phong trào trồng cây gây rừng thành việc làm thường xuyên.
Giai đoạn 2021-2023, huyện Xuyên Mộc đã trồng được 1.026 ha rừng; trong đó: có 16,68 ha rừng đặc dụng; 971 ha rừng sản xuất; 38,54 ha rừng phòng hộ; khoanh nuôi tái sinh khoảng 250 ha rừng đặc dụng.
Bà Lê Thị Trang Đài, Chủ tịch UBND huyện Xuyên Mộc thông tin, huyện đã phối kết hợp lồng ghép để tạo ra phong trào yêu thiên nhiên trồng cây, bảo vệ rừng trong nhân dân. Đối với những khoảng đất công không phải là rừng thì địa phương cũng rà soát để trồng thêm nhiều cây xanh và hoa góp phần tạo thành môi trường xanh sạch đẹp cho huyện Xuyên Mộc.
Ông Huỳnh Phương Dũng, Phó Giám đốc công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Lâm nghiệp tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu chia sẻ, ngay từ đầu các năm công ty đều có xây dựng kế hoạch kỹ càng và giao cho các đội phụ trách theo địa bàn thực hiện nên công tác này tiến triển rất tốt và đều hoàn thành kế hoạch. Về giống cây trồng thì công ty cũng lựa chọn rất kỹ giống cây để phù hợp với thổ những để sinh trưởng phát triển.
Những năm qua tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cũng đã dành nhiều kinh phí cho các hoạt động bảo vệ, phục hồi và phát triển rừng. Nhờ đó, diện tích rừng được bảo vệ nghiêm ngặt, các hệ sinh thái dưới nước và trên cạn ngày càng phát triển theo hướng đa dạng, phong phú.
Năm 2023 tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã trồng được hơn 523 ha rừng sản xuất với loài cây chủ yếu là keo lai. Theo phương án quản lý rừng bền vững của các đơn vị chủ rừng thì năm 2024, tỉnh có kế hoạch trồng 529ha; trong đó trồng 510ha keo lai rừng sản xuất; giáng hương, xà cừ, bằng lăng và rừng phòng hộ… Năm 2025 trồng 10ha rừng phòng hộ và 500ha rừng sản xuất.
Theo ông Nguyễn Công Vinh – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, thời gian qua các sở, ngành, địa phương đã rất tích cực trong việc tuyên truyền nâng cao nhận thức cho mỗi người dân về mục đích ý nghĩa và giá trị nhân văn của việc trồng cây gây rừng và bảo vệ rừng. Qua đó, tạo ra phong trào sâu rộng nhà nhà trồng cây, người người trồng cây, toàn dân tham gia trồng cây, trồng rừng gắn với phát triển kinh tế xanh, bền vững.
Theo kết quả cập nhật theo dõi diễn biến rừng và công bố hiện trạng rừng trên địa bàn tỉnh năm 2023 được UBND tỉnh phê duyệt thì tổng diện tích đất có rừng và chưa thành rừng trên địa bàn tỉnh là hơn 33.553ha; trong đó, có hơn 16.620 ha rừng tự nhiên; hơn 12.000 ha rừng trồng và gần 4.850 ha khoanh nuôi tái sinh và diện tích khác.
Theo kế hoạch, dự kiến đến hết năm 2025 tỉnh sẽ trồng mới 10 triệu cây xanh, phân bố tại cả khu vực đô thị và nông thôn, rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, rừng trồng sản xuất cây gỗ lớn…
Hoàng Nhị