Với vị trí chiến lược quan trọng về quốc phòng-an ninh, có hệ sinh thái đa dạng và tiềm năng phát triển du lịch, Côn Đảo là một trong những địa phương trọng điểm trong Quy hoạch phát triển tỉnh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Ông Lê Văn Phong, Chủ tịch UBND huyện Côn Đảo cho biết, bám sát Quy hoạch của Thủ tướng Chính phủ và tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, huyện Côn Đảo xây dựng quy hoạch phát triển huyện phù hợp.
Theo đó, huyện phát triển hài hòa giữa kinh tế với văn hóa-xã hội, bảo vệ môi trường, thích ứng biến đổi khí hậu; hướng tới sự đồng bộ giữa xây dựng mới và cải tạo, chỉnh trang trong phát triển; kết hợp chặt chẽ phát triển kinh tế-xã hội với việc bảo đảm quốc phòng-an ninh.
Đồng thời, khai thác hiệu quả các nguồn lực của Côn Đảo phục vụ phát triển kinh tế bền vững thông qua áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn. Phát triển các giải pháp tích hợp trên nhiều lĩnh vực, bao gồm: du lịch, giáo dục, nông nghiệp, bảo tồn thiên nhiên, công nghệ xử lý nước thải, rác thải, điện, các giải pháp chính sách hỗ trợ phù hợp với đặc điểm kinh tế, xã hội, môi trường theo các phân khu không gian.
Một số chỉ tiêu phát triển Côn Đảo chủ yếu đến năm 2030
Dự báo khách du lịch đến Côn Đảo năm 2030 khoảng 1-1,2 triệu khách/năm và năm 2045 là khoảng 1,7-2 triệu khách/năm. Cơ bản hoàn thành chuyển đổi số và hình thành mô hình đô thị thông minh; hoàn thành kiến trúc chính quyền điện tử.
Duy trì kết quả thu gom và xử lý 100% chất thải y tế. Đến năm 2030 thu gom và xử lý 100% nước thải sinh hoạt. Tỷ lệ người dân sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 100%. Tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt được phân loại tại nguồn, thu gom, xử lý đạt 100%. Tỷ lệ rác thải sinh hoạt đô thị dễ phân hủy sinh học được xử lý bằng công nghệ ủ phân vi sinh đạt 100%.
Tỷ lệ trung tâm thương mại, siêu thị, khách sạn, khu du lịch không sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần và túi ni lông khó phân hủy sinh học đạt 100%. Đảm bảo 100% cơ sở du lịch, cơ sở sản xuất xây dựng mới áp dụng công nghệ sạch hoặc trang bị các thiết bị giảm thiểu ô nhiễm đạt quy chuẩn môi trường; có hệ thống thu gom và xử lý rác thải, nước thải tập trung theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.
|
Phóng viên: Thưa ông, trong quy hoạch 5 năm tới, Côn Đảo sẽ phát triển thế mạnh về du lịch như thế nào?
– Ông Lê Văn Phong: Trong định hướng phát triển du lịch, huyện sẽ tập trung bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử quốc gia đặc biệt. Khai thác và bảo vệ hệ sinh thái Vườn quốc gia, hướng tới phát triển Côn Đảo trở thành khu du lịch sinh thái biển, đảo và văn hóa-lịch sử-tâm linh chất lượng cao, đặc sắc tầm cỡ khu vực và quốc tế với hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật đồng bộ, hiện đại. Sản phẩm du lịch có thương hiệu, sức cạnh tranh cao, mang đậm đặc trưng văn hóa lịch sử, gắn với các khu đô thị xanh, thông minh.
Ba vùng ưu tiên phát triển đô thị-du lịch, gồm: Khu Trung tâm Côn Sơn là khu vực đô thị di sản-đô thị du lịch, với các chức năng hành chính, văn hóa, giáo dục, y tế, dịch vụ…; khu Cỏ Ống-Đầm Tre là đô thị du lịch, dịch vụ thương mại-đô thị hàng không, vui chơi giải trí thể thao cao cấp; khu Bến Đầm là đô thị dịch vụ-đô thị cảng phục vụ cho các hoạt động hậu cần cảng và các hoạt động du lịch nghỉ dưỡng.
Như vậy, việc phát triển đô thị xanh sẽ được thực hiện như thế nào trong kế hoạch quy hoạch của huyện đến năm 2030, thưa ông?
– Huyện đang thực hiện mô hình tăng trưởng kinh tế đô thị theo hướng tăng trưởng xanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, đảm bảo phát triển kinh tế khu vực đô thị nhanh, hiệu quả, bền vững, góp phần tạo việc làm, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân, nâng cao năng lực thích ứng với biến đổi khí hậu và nước biển dâng.
Tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, hạn chế tối đa tác động vào tự nhiên là định hướng phát triển đô thị xanh. Trong đó có việc nghiên cứu đầu tư cung cấp năng lượng xanh tại chỗ, sử dụng công nghệ tiên tiến bảo vệ môi trường; tận thu và tái sử dụng nước mưa, nước thải cho các hoạt động đô thị; tái chế rác thải, tái tạo năng lượng từ rác thải.
Bên cạnh đó, triển khai Đề án ứng dụng mô hình kinh tế tuần hoàn phục vụ phát triển kinh tế-xã hội bền vững nhằm tạo mô hình hoạt động tái sử dụng năng lượng, giao thông xanh, thông minh, thân thiện, hạn chế phát thải khí nhà kính, khói bụi xăng dầu… Huyện ưu tiên các dự án giữ gìn mảng xanh cho Côn Đảo, khuyến khích các dự án đô thị xanh, thông minh.
Bãi Đầm Trầu, một trong những bãi biển đẹp của huyện Côn Đảo.
Côn Đảo là một trong những địa phương trọng điểm trong quy hoạch phát triển kinh tế biển của tỉnh. Ông có thể cho biết cụ thể hơn về định hướng phát triển kinh tế biển của huyện trong những năm tới?
– Trong quy hoạch phát triển Côn Đảo đến năm 2045, chúng tôi đặt trọng tâm phát triển kinh tế biển, hướng tới mục tiêu xây dựng tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu trở thành trung tâm kinh tế biển quốc gia, đạt các tiêu chí quốc gia về phát triển bền vững kinh tế biển.
Trong đó, phát triển Côn Đảo trở thành khu du lịch sinh thái biển, đảo chất lượng cao, đẳng cấp khu vực và quốc tế; là khu bảo tồn di tích lịch sử quốc gia đặc biệt; khu bảo tồn hệ sinh thái đa dạng rừng, biển. Đồng thời, thực hiện nhiệm vụ quan trọng về bảo vệ quốc phòng-an ninh.
Huyện sẽ phát triển bến cảng Côn Đảo, các bến cảng dầu khí ngoài khơi, các bến phao, khu neo đậu tránh, trú bão… theo quy hoạch hệ thống cảng biển quốc gia, quy hoạch không gian biển quốc gia.
Xin cảm ơn ông!
NGỌC MINH