Ngay sau khi Quy hoạch tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được phê duyệt, các đơn vị chức năng và địa phương đã phối hợp, điều chỉnh quy hoạch đô thị đồng bộ với quy hoạch chung của tỉnh.
Côn Đảo được quy hoạch trở thành đô thị biển đảo.
Cơ cấu đô thị đa trung tâm
Theo ông Tạ Quốc Trung, Giám đốc Sở Xây dựng, Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được phê duyệt (sau đây gọi tắt là Quy hoạch tỉnh), Bà Rịa – Vũng Tàu cơ bản đủ tiêu chuẩn của thành phố trực thuộc Trung ương, đóng vai trò là một cực phát triển quan trọng trong hệ thống đô thị của vùng Đông Nam Bộ. Khu vực dự kiến thành lập thành phố đạt tiêu chí của đô thị loại I trực thuộc Trung ương được xác lập trên cơ sở các khu vực phát triển đô thị: Vũng Tàu, Bà Rịa, Phú Mỹ, Long Điền, Long Hải.
Song song đó, tỉnh sẽ phát triển và hiện đại hóa các đô thị vệ tinh, đóng vai trò hạt nhân phát triển, dẫn dắt và tạo hiệu ứng lan tỏa phát triển các vùng ngoại thành, vùng ven biển và khu vực nông thôn với 8 đô thị loại V là Ngãi Giao, Kim Long (huyện Châu Đức); Hòa Bình, Phước Bửu, Bình Châu, Hồ Tràm (huyện Xuyên Mộc); Đất Đỏ, Phước Hải (huyện Đất Đỏ) và 1 đô thị sinh thái biển đảo (huyện Côn Đảo).
Thị trấn Phước Bửu được quy hoạch là trung tâm hành chính, chính trị, kinh tế, văn hóa-xã hội của huyện Xuyên Mộc.
Sau năm 2030, nâng cấp 2 đô thị Ngãi Giao và Phước Bửu từ loại V lên loại IV; phát triển 2 đô thị mới loại V là Cù Bị và Suối Nghệ (tại huyện Châu Đức). Đến năm 2050, Bà Rịa – Vũng Tàu là trung tâm kinh tế biển quốc gia, cửa ngõ ra biển chủ yếu của vùng Đông Nam Bộ, cơ cấu đô thị đa trung tâm, với các trung tâm đô thị: Vũng Tàu – Phú Mỹ – Bà Rịa – Long Điền- Long Hải, được kết nối bằng hệ thống giao thông đô thị đồng bộ, hiện đại với hệ thống đường đô thị và các tuyến Metro, MonoRail; hệ thống các đô thị vệ tinh quy mô phù hợp, chất lượng môi trường sống theo tiêu chuẩn đô thị xanh.
TP. Bà Rịa là tỉnh lỵ của tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu, trong giai đoạn 2026-2030, thực hiện phương án sắp xếp đơn vị hành chính sẽ mở rộng thành phố trên cơ sở tiếp nhận một phần diện tích và dân số của TX. Phú Mỹ để bảo đảm đủ tiêu chuẩn cả về diện tích tự nhiên và quy mô dân số của thành phố trực thuộc tỉnh. Đồng thời xây dựng phát triển TP. Bà Rịa đạt đầy đủ các tiêu chí của đô thị loại II theo quy định về phân loại đô thị. Sau năm 2030, Bà Rịa nằm ở vị trí trung tâm của khu vực dự kiến thành lập thành phố Bà Rịa- Vũng Tàu trực thuộc Trung ương.
Đồng bộ, thống nhất quy hoạch đô thị
Ông Tạ Quốc Trung thông tin thêm, đến nay về cơ bản tất cả các đô thị đều đã được lập, phê duyệt quy hoạch chung xây dựng; các khu chức năng chính trong đô thị đã được phê duyệt quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000, đồng thời từng bước phủ kín quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500, làm cơ sở quản lý đô thị theo quy hoạch. Chất lượng lập, thẩm định đồ án quy hoạch từng bước được nâng cao. Sở Xây dựng, UBND cấp huyện thường xuyên tổ chức rà soát các đồ án quy hoạch đã phê duyệt để đề xuất điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với quy định cũng như tình hình phát triển kinh tế xã hội địa phương; triển khai ứng dụng công nghệ thông tin để khớp nối các quy hoạch với nhau; xây dựng lộ trình cho công tác lập, phê duyệt các đồ án quy hoạch xây dựng cho dự án trọng điểm góp phần thu hút đầu tư, phát triển kinh tế – xã hội…
Theo ông Nguyễn Tấn Bản, Chủ tịch UBND huyện Châu Đức, ngay sau khi Quy hoạch tỉnh được phê duyệt, huyện Châu Đức đã chỉ đạo các đơn vị, phòng ban đẩy nhanh tiến độ lập một số quy hoạch đồng bộ với quy hoạch chung của tỉnh. Đến nay, Châu Đức có 2 đồ án quy hoạch đô thị đã được phê duyệt quy hoạch chung tỷ lệ 1/5.000 đó là quy hoạch TT. Ngãi Giao và đô thị Kim Long. Theo đó, TT.Ngãi Giao hướng đến việc tổ chức không gian đô thị tập trung các công trình khu vực lõi như khu trung tâm hành chính, công viên, quảng trường, các công trình giáo dục, công trình di tích hiện hữu… Còn đô thị Kim Long phát triển khu du lịch hồ Tầm Bó, lòng chảo Kim Long, bảo vệ khu vực hồ cấp nước Kim Long; hình thành mạng lưới giao thông chính kết nối liên vùng, liên huyện và khép kín của khu vực… “Hiện việc đầu tư phát triển 2 đô thị trên đang được huyện triển khai cùng với quy hoạch nông thôn mới, xây dựng và giao thông nhằm hoàn thiện, khớp nối với quy hoạch chung của tỉnh”, ông Bản nói.
Trong khi đó, huyện Côn Đảo theo quy hoạch chung của tỉnh sẽ trở thành đô thị biển đảo. Ngày 29/2/2024, tại Kỳ họp lần thứ 18, khóa VII, nhiệm kỳ 2021-2026, HĐND tỉnh đã thông qua Nghị quyết phê duyệt đồ án điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Côn Đảo đến năm 2045 nhằm khớp nối với quy hoạch chung của tỉnh. Theo đó, mô hình, cấu trúc phát triển của Côn Đảo là đảo sinh thái đặc thù với mô hình cấu trúc phân tán đa trung tâm. Mỗi khu vực đều được gắn kết với hệ sinh thái rừng tự nhiên và mặt biển. Cấu trúc chính của đảo bao gồm: Vùng ưu tiên dành cho bảo tồn hệ sinh thái tự nhiên; vùng ưu tiên phát triển đô thị, du lịch. Định hướng phân vùng chức năng gồm vùng dành cho bảo tồn hệ sinh thái tự nhiên là Vườn Quốc gia Côn Đảo, (gồm khu vực đảo chính và các đảo nhỏ, các bãi tắm nhỏ) trở thành khu vực bảo tồn hệ sinh thái tự nhiên rừng và biển, kết hợp khai thác tham quan du lịch…
Các địa phương khác như TX. Phú Mỹ cũng đang tập trung hoàn thiện xây dựng quy hoạch đô thị để trở thành thành phố cảng trong tương lai; huyện Xuyên Mộc, Đất Đỏ, Long Điền cũng đang gấp rút triển khai các đồ án điều chỉnh quy hoạch đô thị Long Hải, Long Điền, Phước Hải, Phước Bửu, Hồ Tràm, Bình Châu, Hòa Bình… để đáp ứng sự phát triển đô thị trong kết nối liên vùng, liên huyện, phát huy vai trò chức năng của đô thị biển, đô thị du lịch mà quy hoạch chung của tỉnh đã định hướng.
QUANG VŨ