Những ngày đầu tháng 8, mưa lớn gây lũ, sạt lở đất, làm thiệt hại cả tính mạng, tài sản của Nhà nước và nhân dân. Công tác khắc phục hậu quả mưa lũ, sạt lở và hỗ trợ nạn nhân ảnh hưởng thiên tai đang được tiến hành khẩn trương. Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các địa phương trong toàn tỉnh đã vững vàng vượt qua thiên tai, sớm ổn định đời sống, sản xuất.
Ngay sau khi xảy ra thiên tai, các đồng chí lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Cục Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cùng Đoàn công tác đã có mặt kịp thời, kiểm tra, động viên, chỉ đạo huyện Than Uyên và các địa phương bị ảnh hưởng trong toàn tỉnh nhanh chóng khắc phục hậu quả thiên tai. Theo đó, các huyện đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ di dời người dân ra khỏi vùng có nguy cơ ảnh hưởng thiên tai, thăm hỏi các gia đình có người thương vong do ảnh hưởng mưa lũ và khắc phục hậu quả, duy trì hoạt động của các tuyến giao thông; tăng cường công tác cảnh báo lũ lụt, sạt lở đất.
Than Uyên là một trong những địa bàn chịu ảnh hưởng nặng nề nhất về người và tài sản, có đến 7 người thương vong trong đợt lũ này. Trong đó: 4 người tử vong (ở xã Tà Mung và xã Khoen On), 3 người bị thương ở bản Chế Hạng và bản Mùi 1. Mưa lớn trên địa bàn cũng làm thiệt hại về nhà, tài sản của 25 hộ dân tại các xã: Mường Cang, Khoen On, Mường Kim, Tà Hừa, Tà Mung. Đất, đá vùi lấp và nước lũ cuốn trôi hàng trăm héc-ta lúa, hoa màu của nhân dân. Ngoài ra, tại địa phương ghi nhận thiệt hại lớn về giao thông, công trình thủy lợi và các công trình công cộng khác. Công tác khắc phục hậu quả đang được triển khai khẩn trương, hiệu quả.
Ông Nguyễn Văn Thăng – Chủ tịch UBND huyện cho biết: Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện, xã đã huy động cán bộ đến thăm hỏi, động viên các hộ có người thân bị thương vong. Chỉ đạo các đơn vị tổ chức hót sụt sạt, đảm bảo thông tuyến các tuyến đường giao thông. Tăng cường tuyên truyền, cảnh báo người dân nâng cao ý thức và kỹ năng phòng tránh. Thông báo với bà con trong thời gian cao điểm mưa lũ không đánh bắt cá, vớt củi trên sông, suối, hồ, không lên lán nương; bố trí người tại các điểm bị sạt lở để hỗ trợ, cảnh báo.
Các cấp, các ngành cùng chung tay bảo vệ, di dời tài sản của người dân ra khỏi vùng nguy cơ ảnh hưởng thiên tai.
Đợt mưa lũ vừa qua gây thiệt hại đáng kể đối với mạng lưới giao thông trong toàn tỉnh. Các cơ quan chuyên môn đã chỉ đạo các đơn vị đảm bảo giao thông chủ động nhiều giải pháp để khẩn trương khắc phục sự cố. Các vị trí sạt lở đã được bố trí rào chắn cảnh báo, phủ bạt phạm vi sạt lở, đào bạt taluy dương, lấp rãnh dọc phía đầu cầu để mở rộng nền đường đảm bảo bề rộng xe chạy tại Km198+289 QL.4H. Để đảm bảo an toàn cho các phương tiện lưu thông qua vị trí đoạn đường đầu cầu mố M2, đề xuất phương án xếp kè rọ thép 5-7 tầng rọ đặt trên nền đá gốc, đắp đất hoàn trả phần nền đường bị sạt lở và đuôi mố cầu bê-tông cốt thép.
Đối với vị trí km14+800 đường tỉnh 129 (xã Hồng Thu, huyện Sìn Hồ) bị sạt lở nghiêm trọng, cơ quan chuyên môn đã chỉ đạo phân luồng tạm thời các phương tiện di chuyển theo hướng khác, đồng thời lên phương án khắc phục, hiện tại tuyến đường đã thông xe tạm. Đối với các tuyến còn lại, Sở Giao thông Vận tải chỉ đạo các đơn vị thi công khẩn trương hót, dọn sụt sạt đảm bảo giao thông, tiếp tục túc trực 24/24h để kịp thời triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn giao thông khi có sự cố sụt, sạt xảy ra. Đến thời điểm hiện tại cơ bản các tuyến giao thông đã thông xe. Còn lại các tuyến QL.279D, ĐT.132, ĐT.127, ĐT.133, ĐT.134, với sự nỗ lực của các cơ quan chuyên môn và sự tham gia hỗ trợ của người dân đã hoạt động trở lại. Qua việc xử lý các vụ sạt lở trên các tuyến giao thông cho thấy, các cấp, các ngành, cơ quan chuyên môn và địa phương đã vận dụng linh hoạt phương châm “4 tại chỗ” trong ứng phó thiên tai.
Bên cạnh khắc phục hậu quả thiên tai, việc hỗ trợ các gia đình gặp nạn là một trong những việc làm thiết thực. Tính đến thời điểm hiện tại, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh, huyện, Hội Chữ thập đỏ các cấp đã phối hợp cùng chính quyền địa phương tổ chức nhiều đoàn thiện nguyện, thăm hỏi, động viên các gia đình, địa phương bị ảnh hưởng, thiệt hại do mưa lũ. Các tổ chức, cá nhân, nhóm hội thiện nguyện đã tổ chức nhiều đoàn thăm hỏi, hỗ trợ tiền, hàng hóa và các nhu yếu phẩm khác, tổng trị giá hàng trăm triệu đồng tới các gia đình gặp thiên tai. Ông Phùng Tiến Hưng – Chủ tịch UBND xã Tà Mung chia sẻ: Xã Tà Mung là một trong những địa phương ảnh hưởng nặng do thiên tai gây ra. Trong những ngày qua, xã phát huy tinh thần vượt khó, chủ động ứng phó thiên tai. Sự quan tâm, thăm hỏi, chia sẻ kịp thời của các đồng chí lãnh đạo các cấp và các tổ chức, cá nhân đã giúp người dân nơi đây thêm vững vàng vượt qua thiên tai.
Hiện nay, thời tiết diễn biến phức tạp, công tác phòng, chống thiên tai cần được đặc biệt chú trọng. Trong đó, cần phòng ngừa, kịp thời ứng phó, khẩn trương khắc phục hậu quả; đẩy mạnh hoạt động thiện nguyện; thăm hỏi, động viên vùng có người dân bị ảnh hưởng thiên tai. Quá trình triển khai thực hiện, tiếp tục tăng cường công tác lãnh, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương, phát huy sức mạnh của toàn thể hệ thống chính trị trong phòng chống, ứng phó với thiên tai.