Lệnh này vốn đang được áp đặt tại 21/47 tỉnh tới ngày 12-9. Lao động Việt Nam tại Nhật, vốn chiếm tỷ lệ cao nhất trong số người nước ngoài đang làm việc tại nước này, đã linh hoạt thích nghi với bối cảnh mới để tiếp tục làm việc hiệu quả, an toàn.
Để hỗ trợ người nước ngoài đang làm việc tại Nhật Bản bị ảnh hưởng dịch bệnh dẫn đến mất việc, Chính phủ nước này đã ban hành và áp dụng nhiều chính sách như: trợ cấp nghỉ việc, trợ cấp thất nghiệp, trợ cấp sinh hoạt hoặc chuyển đối tư cách lưu trú khi thực tập sinh bị nghỉ việc tạm thời, mất việc làm hoặc không thể về nước trong thời gian này. Với những lao động còn làm việc thì tuân thủ theo các quy định nghiêm ngặt để bảo đảm an toàn phòng, chống dịch trong quá trình tham gia sản xuất tại các xí nghiệp, nhà máy là bắt buộc.
Cộng đồng người Việt luôn sát cánh cùng nhau
Chị Đặng Thị Kim Liếu (quê Sóc Trăng) hiện đang sinh sống và làm việc tại tỉnh Kagoshima. Chị cho biết ở khu vực nơi chị sống, những người Việt Nam luôn chủ động kết nối, chia sẻ thông tin nhằm giúp đỡ nhau vượt qua khó khăn trong mùa dịch.
Cô gái 28 tuổi này xúc động kể: “Cũng giống như bất cứ đâu trên thế giới này, cộng đồng người Việt sống xa quê hương vẫn luôn yêu thương và đùm bọc lẫn nhau. Ở đây, cứ mỗi khi ai có dịp chế biến món ăn Việt Nam thì lại san sẻ cho nhau để bớt cảm giác nhớ nhà. Sống ở Nhật song các thực đơn chúng tôi vẫn có hương vị thân thuộc của bánh cuốn, bánh tét, bánh pía, bánh giò. Lúc thì lại phở bò, mì Quảng, bún cá. Chúng tôi vẫn duy trì cái nết chia sẻ dễ thương ấy trong những ngày căng thẳng dịch bệnh vừa qua”.
Nhìn chung, chị và nhiều bạn bè người Việt vẫn duy trì được công việc và đời sống ổn định. Mọi người rất chủ động, ý thức trong việc phòng chống dịch bệnh, tuân thủ khuyến cáo của nhà chức trách địa phương và công ty mình làm việc, giữ tinh thần lạc quan.
Do khu dân cư xung quanh có vài ca F0 nên công ty chị Liếu đã chuyển đổi phương án làm việc. Mọi thứ được sắp xếp lại để phù hợp với quy định phòng chống dịch bệnh của chính phủ.
Đa số lao động, thực tập sinh Việt Nam tại Nhật Bản đều đã được các công ty của mình sắp xếp lịch trình để tiêm vắc-xin đầy đủ. Việc đăng ký tiêm chủng cho người nước ngoài được tiến hành rất nhanh chóng và chuyên nghiệp.
Kim Liếu hào hứng khoe có thực hiện một ít đặc sản quê hương Sóc Trăng và sẽ đem đi tặng cho những người bạn đang sinh sống gần đây để lan tỏa tình cảm yêu thương và sự gắn kết với các đồng hương. Chị vui khi cảm nhận được cách người Việt khắp phương trời luôn tin tưởng đỡ đần nhau, đặc biệt là mỗi khi khốn khó.
Mùa hè nhiều thách thức và dấu ấn đáng nhớ
Chương trình tiêm chủng của Nhật Bản tăng tốc mang đến nét khởi sắc cho bức tranh chung, trong đó chi tiêu của người tiêu dùng nhiều lên được cho là sẽ thúc đẩy kinh tế hồi phục nhanh chóng và mạnh mẽ. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia dự đoán tốc độ tăng trưởng sẽ chậm, ít nhất là cho tới cuối năm nay. Một số trường tiểu học đã hoãn thời điểm bắt đầu kỳ học mới nhằm bảo vệ sức khoẻ của học sinh. Các chuỗi cửa hàng ăn nhanh và trung tâm thương mại chưa mở cửa hoàn toàn.
Như nhiều quốc gia châu Á khác, Nhật Bản sẽ khó đưa kinh tế về mức trước Covid-19 trong năm nay. Do đó, không có gì ngạc nhiên khi khá nhiều xí nghiệp, công ty ít việc hơn hẳn so với thời điểm trước dịch. Anh Nguyễn Minh Thuận, một thực tập sinh ngành gia công cơ khí ở tỉnh Ibaraki, bộc bạch: “So với một số bạn bè đang bị thất nghiệp do Covid-19 ở Việt Nam, tôi vẫn thấy mình rất may mắn. Tôi vẫn còn việc để làm dù lượng công việc ở công ty không nhiều như trước. Song mức thu nhập hiện tại vẫn đủ trang trải tại Nhật và có thể tích cóp gửi về hỗ trợ bố mẹ trong mùa dịch này.”
Trước khi đi Nhật, Thuận gặp khó khăn khi tìm kiếm việc làm phù hợp ở quê nhà Lâm Đồng và đành chấp nhận các công việc ngắn hạn như hái chè, thu hoạch cà phê. Khi biết về chương trình đi làm việc tại Nhật Bản, anh cảm giác như tìm được phao cứu sinh và nỗ lực hết mình để được công ty gia công cơ khí chọn lựa. Từ đó giúp anh học thêm nghề mới và tự tin vào khả năng làm việc, kiếm tiền giúp đỡ gia đình ở Việt Nam.
Minh Thuận đã sang Nhật làm việc được khoảng 1 năm. Khu vực của anh có khá nhiều người Việt sinh sống. Đa phần họ cũng đi theo diện Thực tập sinh kỹ năng.
“Tôi đang nhớ và thương Việt Nam rất nhiều. Chúng tôi nhớ Việt Nam trong từng khoảnh khắc đạp xe đi làm hay đi siêu thị cùng nhau”, Thuận chia sẻ.
Hơn tháng trước, cơn bão In-fa với sức tàn phá khủng khiếp đã càn quét và gây hoang mang khắp đất nước Nhật Bản. Mọi người phải dự trữ thức ăn và chú ý đảm bảo an toàn tối đa. Việc vừa ở trong vùng bị ảnh hưởng của bão, vừa phải áp dụng các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 là một trải nghiệm khó quên.
Bão tan và tình hình dịch Covid-19 có dấu hiệu hạ nhiệt, được đi làm trở lại là niềm hạnh phúc của các thực tập sinh kỹ năng này.
Ibaraki là một trong những tỉnh lâu đời của Nhật Bản. Sở hữu những thế mạnh về kinh tế, khí hậu ôn hòa và an ninh trật tự tốt nên nơi đây thu hút được đông đảo người Việt đến học tập, làm việc và sinh sống.
Những ngày này, Minh Thuận thường xuyên gọi điện thoại về cập nhật tình hình với gia đình hơn. Chàng trai 25 tuổi chăm chỉ làm việc, giữ lối sống điều độ và nhắn nhủ nhiều thông điệp tích cực về nhà.
Thuận tin tưởng chính sách chống dịch và hỗ trợ lao động nước ngoài của chính phủ Nhật phát huy hiệu quả tối đa, hy vọng đại dịch sớm được đẩy lùi để anh cũng như nhiều bạn trẻ Việt khác đang ở xứ Phù Tang an tâm làm việc và có thể về thăm quê hương trong tương lai gần.